Tiến sĩ Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bình Dương: Người lao động cần phải thực hiện nghiêm các bước phòng, chống dịch bệnh…

Cập nhật: 15-07-2021 | 08:50:24

Những ngày qua, Bình Dương liên tục ghi nhận ca nhiễm bệnh là người lao động (NLĐ) qua test nhanh tại các cơ sở y tế và qua phát hiện tại các chốt kiểm dịch người về từ TP.Hồ Chí Minh. Trước vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bình Dương về các bước phòng, chống dịch bệnh (PCDB) Covid-19 tại công ty, xí nghiệp, ký túc xá... mà NLĐ cần phải thực hiện.

- Thưa tiến sĩ, trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, để vừa PCDB vừa duy trì sản xuất, NLĐ khi đến làm việc tại công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp cần phải thực hiện các bước PCDB như thế nào?

- Để PCDB trong lực lượng NLĐ, hạn chế thấp nhất sự lây lan, người sử dụng lao động, ban quản lý ký túc xá, bộ phận y tế tại công ty cần hướng dẫn NLĐ thực hiện các nội dung sau: Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân để PCDB theo khuyến cáo của Bộ Y tế là thường xuyên đeo khẩu trang; rửa tay với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay với xà phòng.

NLĐ rửa tay tại các thời điểm trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh; thường xuyên súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng, bảo đảm ăn uống hợp vệ sinh; hạn chế tiếp xúc với vật nuôi, động vật hoang dã; chuẩn bị các trang bị cá nhân cần thiết cho thời gian làm việc như nước uống hợp vệ sinh và cốc uống dùng riêng (bảo đảm vệ sinh); khăn giấy, khẩu trang, găng tay, dung dịch sát khuẩn trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay bằng xà phòng trong quá trình làm việc; quần áo sử dụng riêng khi làm việc, túi đựng rác (nếu cần).

Người lao động tại Công ty Sài Gòn Stec (Khu công nghiệp VSIP II, TP.Thủ Dầu Một) rửa tay trước và sau khi ăn

NLĐ cần che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc mặt trước khuỷu tay để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra không khí; bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào túi đóng kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay với xà phòng; không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh; nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc. NLĐ cũng cần duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể; ăn chín, uống chín và bảo đảm chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay.

NLĐ tự theo dõi sức khỏe, nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở thì chủ động ở nhà, ký túc xá và thông báo cho đơn vị quản lý. Nếu phát hiện bản thân hoặc người cùng làm việc, khách hàng có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở thì bản thân hoặc hướng dẫn người cùng làm việc, khách hàng hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh và phải báo cho người quản lý hoặc người làm công tác y tế tại nơi công ty biết.

- Ngoài các khuyến cáo chung, đối với NLĐ làm việc ở vị trí có nguy cơ lây nhiễm cao, cần thực hiện thêm những gì, thưa tiến sĩ?

- NLĐ làm nghề, công việc tiếp xúc thường xuyên, nguy cơ lây nhiễm cao cần lưu ý thêm: Nghiêm túc đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Nếu không sử dụng găng tay, NLĐ phải rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây, dùng giấy lau tay sử dụng một lần để làm khô tay hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn; sử dụng bộ quần áo phòng hộ (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay) khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; hạn chế bắt tay, tiếp xúc với khách hàng trong khoảng cách dưới 2m (nếu có thể); không mua bán, tiếp xúc, chuyên chở các loại động vật hoang dã; tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp. NLĐ có bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh phổi cần cân nhắc khi đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19; tìm hiểu thông tin và các biện pháp dự phòng lây nhiễm từ phòng y tế công ty; chuẩn bị dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn và các vật dụng cần thiết tạo điều kiện cho việc rửa tay thường xuyên, vệ sinh cá nhân.

- Thưa tiến sĩ, với NLĐ phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, để PCDB hiệu quả cần làm những gì?

- Trong trường hợp NLĐ phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thì cần tuân thủ các quy định về PCDB của chính quyền địa phương nơi đến công tác.

NLĐ cần thường xuyên đeo khẩu trang, tuân thủ việc rửa tay để giữ gìn vệ sinh cá nhân; rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá nhân khi ho, hắt hơi; tránh xa ít nhất 2m đối với những người đang ho, hắt hơi. Trong khi đi công tác, nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, NLĐ cần tránh tiếp xúc với những người xung quanh, thông báo với người quản lý, gọi điện cho đường dây nóng của ngành y tế và đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Sau khi đi công tác về từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, NLĐ tự theo dõi các triệu chứng trong vòng 14 ngày, đo nhiệt độ 2 lần/ngày. Nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, NLĐ phải liên tục đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, gọi điện cho đường dây nóng của ngành y tế, đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn cách ly và các biện pháp phòng bệnh tiếp theo.

- Xin cảm ơn tiến sĩ! 

KIM HÀ (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên