Tìm giải pháp sử dụng ngân sách Nhà nước hiệu quả

Cập nhật: 11-11-2011 | 00:00:00

Bài 1: Đổi mới hoạt động

Bài 2: Lập lại trật tự trong quản lý ngân sách

Thu ngân sách (NS) đạt kế hoạch đã khó, chi đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) bảo đảm hài hòa, có hiệu quả trong điều kiện thắt chặt quản lý đầu tư công cũng khó không kém, đã tạo áp lực lớn lên trách nhiệm điều hành, quản lý. Giải pháp hiệu quả và lâu dài là phải lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý, đầu tư từ vốn NS.  “Vốn cho hạ tầng giao thông, xây dựng cơ bản không thiếu. Nên các công trình thi công chậm mà trả lời do thiếu vốn là sai” Giám đốc Sở Tài chính Phạm Văn Hảo nói. Trong ảnh: Đường Nguyễn Thị Minh Khai (TX.TDM) thi công chậm tiến độ nhiều năm nay không phải do thiếu vốn mà do vướng giải tỏa   Ảnh: M.Dân

Áp lực chi quá lớn

Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, năng động, linh hoạt của UBND tỉnh, việc chi NS 9 tháng đầu năm của tỉnh về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu cho đầu tư phát triển và kinh phí hoạt động của các cấp, các ngành, các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ được giao; giải quyết nhu cầu về tiền lương tăng thêm; các khoản phụ cấp; tăng chi an sinh xã hội; tiền tết cho các đối tượng chính sách và nhiều chính sách, chế độ theo chủ trương của địa phương.

Đến đầu quý IV tổng chi NS địa phương thực hiện 4.927 tỷ đồng, đạt 94% dự toán, tăng 24% so cùng kỳ. Trong đó NS tỉnh chi 3.777 tỷ đồng, đạt 73% dự toán. Các huyện, thị xã chi 3.005 tỷ đồng, đạt 67% dự toán. Chủ yếu là đầu tư vào các lĩnh vực: Xây dựng cơ bản 2.215 tỷ đồng, đạt 67% dự toán, tăng 11% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 1.765 tỷ đồng, đạt 62% dự toán, tăng 25% so cùng kỳ; chi sự nghiệp kinh tế 246 tỷ đồng, đạt 49% dự toán; chi sự nghiệp văn xã 1.230 tỷ đồng, đạt 63% dự toán; chi quốc phòng - an ninh 43 tỷ đồng, đạt 71% dự toán; chi quản lý hành chính 289 tỷ đồng, đạt 71% dự toán...

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Tài chính Phạm Văn Hảo, “Hiện tại áp lực chi quá lớn. Điều hành chi trong điều kiện lạm phát kéo dài và Nghị quyết 11 của Chính phủ về thắt chặt đầu tư công góp phần kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Chính phủ đã có kiểm tra về tình hình đầu tư từ vốn NS của tỉnh Bình Dương và kết quả là tốt nên cần lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý NS”.

Theo ông Nguyễn Thành Tài, Chủ tịch UBND TX.TDM, “Nhu cầu chi đầu tư xây dựng cơ bản ở địa phương cho các ngành y tế, giáo dục, giao thông là hết sức bức xúc. Hiện tại ở địa phương các công trình đang nằm chờ vốn trong khi việc áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng đều phải áp dụng Nghị định 69 để áp giá phù hợp với giá thị trường. Nếu kéo dài thời gian chi qua năm sau thì phải áp dụng bảng giá mới làm tăng vốn đầu tư. Như vậy chúng ta có sòng phẳng với nhau trong phân bổ NS hay phải làm theo logic “trên ép dưới, dưới ép dưới địa phương”? Cùng quan điểm, đại biểu Trịnh Đức Tài, Phó Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh đặt vấn đề, tình hình thu khá, đạt kế hoạch nhưng chúng ta đã chi đủ cho y tế, giáo dục chưa. Có ý kiến cho rằng tỷ lệ đầu tư phân bổ cho y tế, giáo dục thấp hơn tỷ lệ Trung ương giao. Cụ thể là tình hình dịch bệnh những năm gần đây diễn ra liên tiếp, khó lường mà kinh phí đầu tư cho lĩnh vực y tế dự phòng thấp thì làm sao đủ khả năng đề phòng, ứng phó với dịch bệnh?

Cần giám sát chặt chẽ hơn

Theo ông Hảo, ngoài các khoản chi đạt yêu cầu kế hoạch như đã báo cáo vẫn còn tồn tại một số khoản chi còn thấp so với dự toán như: chi cho sự nghiệp nông - lâm - thủy sản 42%; sự nghiệp giao thông 43%; môi trường 50%; sự nghiệp kinh tế khác 55%; sự nghiệp phát thanh truyền hình 47%; thể dục thể thao 42%...

Trong điều kiện NS eo hẹp vẫn có một số ngành xây dựng kế hoạch quá tham vọng, ngoài khả năng thực tế nhưng lại dẫn ra nhiều lý do rất thuyết phục nên UBND tỉnh đã duyệt, tức là đã giao nhiệm vụ theo yêu cầu mà các ngành đề ra. Đến giờ thực hiện chỉ đạt 50% kế hoạch rồi xin trả tiền lại cho NS trong khi nhiều ngành khác đang khát vốn. Làm tốt, đúng kế hoạch thì được khen thưởng. Làm không hết tiền là do kế hoạch xây dựng không hợp lý, coi như không hoàn thành nhiệm vụ và phải bị xem xét, kỷ luật. Điều hành NS phải theo yêu cầu thực tế, nên ngoài tỷ lệ phân bổ cần phải tính đến hiệu quả nguồn vốn. Nếu như năm trước ngành giáo dục đã được đầu tư nhiều công trình lớn thì năm sau nó phải phát huy hiệu quả và đương nhiên tỷ lệ đầu tư phải giảm xuống để bảo đảm chi hài hòa và ngành nào bảo đảm hiệu quả sẽ được ưu tiên, ông Hảo nói.

Ông Nguyễn Thành Tài băn khoăn, Trung ương quy định tăng thu thì được giữ lại 50% đầu tư xây dựng cơ bản và 50% dành cho lương. 50% dành cho lương tích lũy nhiều năm qua mà chưa được sử dụng trong khi nhu cầu vốn của thị xã thì quá bức xúc, chúng tôi vận dụng theo kiểu tạm ứng, chuyển nguồn nhưng bảo đảm thanh khoản tốt thì có “bị bắn”  không? Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Văn Hảo cho biết, điều hành NS phải theo luật và theo kế hoạch. Biết rằng việc vận dụng đó là để giải quyết các vấn đề bức xúc của địa phương, nhưng trái luật, không theo kế hoạch thì vẫn “bị bắn”!

 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế NS Trần Thị Kim Vân:

Nghiêm túc lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý NS

Chúng ta đã ổn định NS từ nhiều năm nay nên việc điều chỉnh vốn giữa năm không còn nữa. Ban Kinh tế NS lưu ý các ngành, địa phương phải thực hiện đúng kế hoạch, tránh trường hợp khi chúng tôi đến giám sát thì các ngành, địa phương báo cáo tiến độ thực hiện thấp, chúng tôi ghi nhận để thảo luận tại kỳ họp. Khi HĐND họp thì số liệu của các ngành, địa phương tăng vọt, không giống báo cáo trước đó. Như vậy chẳng khác nào giám sát không thực tế. Cái “tăng vọt” lại nằm ngoài kế hoạch, không đúng luật thì không được phép chi. Vì thế, phải nghiêm túc lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý NS.

Bài 3: Tái cơ cấu nền kinh tế

DUY CHÍ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=265
Quay lên trên