Tìm giải pháp sử dụng ngân sách Nhà nước hiệu quả

Cập nhật: 12-11-2011 | 00:00:00

Bài 3: Cơ cấu hợp lý, phát triển chiều sâu

Để bảo đảm thu, chi ngân sách đúng kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng ổn định lâu dài và bền vững cần phải tái cơ cấu lại nền kinh tế. Yêu cầu trước mắt là “phải hiểu mình” và đề xuất lên cấp trên kịp thời điều chỉnh chính sách nhằm tránh triệt tiêu thành quả, sức phấn đấu của địa phương từ nhiều năm qua.

Bài 1: Đổi mới hoạt động

Bài 2: Lập lại trật tự trong quản lý ngân sách

“Cắt giảm” nhưng không “cắt xén”

Nghiêm túc chấp hành và thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Bình Dương đã tiết kiệm, hoãn chi 475 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, nhưng không cắt giảm tiền công, tiền lương với số tiền 70 tỷ đồng. Giảm 10% tổng mức dự toán trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản gồm 33 công trình với tổng vốn 176 tỷ đồng, giãn 52 công trình với tổng mức vốn 154 tỷ đồng. Tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng, tài sản có giá trị khác 73 tỷ đồng. Tiết giảm chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu... 2 tỷ đồng.

Bình Dương đang  chú trọng đầu tư phát triển du lịch sinh thái (Trong ảnh: Một góc khu Tháp Rùa do Công ty giày Thái Bình đầu tư ở TX. Thuận An)                                                      Ảnh: Trung Đồng

Bên cạnh việc tiết giảm chi phí hoạt động, hoãn, giãn đầu tư các công trình chưa thật sự cần thiết theo quy định thì Bình Dương còn tăng cường các khoản chi nhằm bảo đảm an sinh xã hội như: Chi trợ cấp xã hội 119 tỷ đồng, mua bảo hiểm y tế cho người nghèo 19 tỷ đồng, người cận nghèo 4 tỷ đồng, đối tượng bảo trợ xã hội 7 tỷ đồng, bảo hiểm y tế học sinh - sinh viên 18 tỷ đồng, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi 50 tỷ đồng. Trợ cấp khó khăn cho CBCC, VC, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người có công số tiền 6,7 tỷ đồng với 27.113 đối tượng. Chi hỗ trợ tiền điện cho 10.767 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh, mỗi hộ 30.000 đồng/tháng. Dự toán chi cải cách tiền lương theo Nghị định 22, 23/2011/NĐ-CP là 118,14 tỷ đồng... “Áp lực chi quá lớn buộc chúng ta phải cắt giảm nhưng không được cắt xén quyền lợi, chế độ của người được hưởng theo quy định của pháp luật. Việc cắt giảm là cần thiết nhưng thực hiện “cào bằng” là không công bằng, sẽ triệt tiêu sức phấn đấu và thành quả xây dựng nhiều năm qua của tỉnh”, một lãnh đạo ngành tài chính nói.

Cơ cấu và điều chỉnh hợp lý

Đại diện Sở Y tế nêu ý kiến: “Với đồng lương hiện nay giữ chân bác sĩ ở lại đã khó đừng nói bác sĩ giỏi nên không trách bác sĩ chỉ làm nhiệm vụ, trách nhiệm được giao. Các phần việc khác như đến khu dân cư tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh phòng dịch... phải nhờ đến cộng tác viên dân số. Ngoài số tiền hỗ trợ khoảng 100.000 đồng/tháng thì không có chế độ nào khác nên cần thiết phải có bảo hiểm y tế phòng khi ốm đau, tai nạn”! Giám đốc Sở Tài chính Phạm Văn Hảo cho biết, ngoài áp lực chi chúng ta còn nhiều vấn đề bất hợp lý cần điều chỉnh như yêu cầu giảm biên chế. UBMTTQVN tỉnh đã thực hiện cắt giảm được 7 biên chế, tức đã tiết kiệm được 450 triệu đồng/năm. Khoản tiết kiệm này lẽ ra đơn vị được hưởng để bù đắp lại công sức làm thêm của những người còn trụ lại hoặc để cơ quan sử dụng vào mục đích khác, nhưng cũng bị “cắt” luôn vào năm sau! Thành ra nỗ lực cắt giảm biên chế của đơn vị coi như không. Tôi nhận thấy điều này nhưng ở trên “lệnh” cắt thì ngành phải chấp hành.

“Còn nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, xin được nêu quan điểm cá nhân, đến năm 2025 Bình Dương có tất cả 38 khu, cụm công nghiệp trong khi hiện tại mỗi khu, cụm công nghiệp chỉ đạt trên 50% diện tích được lấp đầy thì số lượng như thế là quá lớn thay vì chúng ta tập trung vào phát triển chiều sâu, không phát triển thêm số lượng để bảo đảm các vấn đề môi trường, an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng. Cụ thể, phải bảo vệ vùng thượng nguồn sông Sài Gòn, Đồng Nai, sông Bé... không bố trí công nghiệp tại đó mà tập trung khai thác thế mạnh thiên nhiên, sinh thái sẽ góp phần làm đa dạng cơ cấu kinh tế, bảo đảm môi trường, cảnh quan thiên nhiên”, Ông Hảo nói.

Giám đốc Sở Tài chính Phạm Văn Hảo: Đầu tư lớn nhưng “người Bình Dương” chưa được hưởng là bao!

Đóng góp ngân sách của Bình Dương được cả nước biết đến. Muốn phát triển, thu hút tốt thì phải có hạ tầng tốt. Không như các tỉnh thành khác, Bình Dương đã dành 100% nguồn thu từ xổ số kiến thiết để đầu tư phát triển y tế, giáo dục. Nhưng với tỷ lệ học sinh tăng từ 9.000 em lên 14.000 em/huyện, thị xã/năm thì không có sức lực, hạ tầng nào đáp ứng kịp!

Hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh... người Bình Dương không được hưởng bao nhiêu. Nếu trên điều tiết, cắt giảm  kiểu “cào bằng” như hiện nay sẽ không chỉ  triệt tiêu sự phấn đấu và thành quả phát triển nhiều năm qua của tỉnh mà còn dẫn đến thực tế: “Thành quả của Bình Dương cả nước hưởng, hậu quả về ô nhiễm môi trường, xã hội Bình Dương lãnh”!

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=208
Quay lên trên