Trên lộ trình Hội nhập: Doanh nghiệp vừa và nhỏ phải nâng tầm

Cập nhật: 17-10-2013 | 00:00:00

Công nghiệp Bình Dương đã có những bước phát triển vượt trội. Theo đó, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) đã có những thương hiệu nổi tiếng gắn liền với vùng đất này. Câu ca “Ai về chợ Thủ, bán hủ, bán ve, bán bộ đồ chè…” đã phần nào khái quát về một ngành nghề truyền thống, nức tiếng gần xa của quê hương đất Thủ. CNNT đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết lao động và thúc đẩy kinh tế của Bình Dương phát triển.

Trao giấy khen của Sở Công Thương cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển công nghiệp nông thôn

Nhà nước trợ lực…

Toàn tỉnh có khoảng 6.000 DN CNNT, DNVVN. Đa số có quy mô nhỏ mang tính gia đình và làm theo đơn hàng, chưa tự thiết kế mẫu mã, hay tạo ra sản phẩm đặc trưng. Để khuyến khích phát triển CNNT, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ. Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1717/QĐ-UBND ngày 24-4-2009 phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Bình Dương đến năm 2013 với 7 tiểu chương trình và tổng kinh phí thực hiện hơn 10 tỷ đồng (trong đó, kinh phí từ ngân sách Nhà nước 70%, kinh phí do các DNCNNT đóng góp 30%). UBND tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã (HTX), hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Hữu cho biết: “Thời gian qua, Sở Công Thương đã tập trung các chương trình để đầu tư cho khối DNCNNT như hỗ trợ đào tạo dạy nghề, xây dựng các mô hình trình diễn, đổi mới máy móc công nghệ hiện đại, sản xuất sạch hơn, kiểm toán năng lượng để tiết kiệm điện, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong, ngoài nước… Nhưng do kinh phí khó khăn, định mức hỗ trợ không nhiều. Ghi nhận sự đồng hành của địa phương, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX Mây tre lá Ba Nhất (Uyên Hưng, Tân Uyên) cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của địa phương để có được cơ sở vật chất ban đầu, đến giờ xã viên, chi nhánh sản xuất, vùng nguyên liệu của HTX mở rộng ra khắp cả nước, tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng. Trong suốt quá trình phát triển, Bình Dương đã luôn đồng hành hỗ trợ cho HTX từng lớp đào tạo nghề, đầu tư máy móc, thiết bị... Dù định mức hỗ trợ không lớn, nhưng Nhà nước, địa phương đã quan tâm tháo gỡ khó khăn cho DN rất nhiều”.

Và tự thân vận động

Như bà Cúc nói, định mức hỗ trợ của Nhà nước không nhiều, chủ yếu vẫn là do các DN tự thân vận động. Anh Lê Bá Linh (Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn ở Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) tâm sự: “Do không có tài sản thế chấp, không tiếp cận được nguồn vốn rẻ của ngân hàng, chúng tôi phải tự xoay sở, vay mượn bạn bè, người thân, để sản xuất, gầy dựng, phát triển dần…”.

Bằng sự hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp khả năng tự có, nhiều DN đã vượt qua bao khó khăn, khẳng định thương hiệu. Năm 2012, Bình Dương đã có 12 sản phẩm CNNT được hội đồng bình chọn của tỉnh công nhận đạt sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Đáng mừng hơn là các sản phẩm này đều đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực. Một số sản phẩm tiêu biểu như Salon HAWAISET của Công ty TNHH TM SX-XNK Tuấn Linh, xã Tân Hiệp, Tân Uyên. Tranh đồng Long Lân Quy Phụng của Cơ sở tranh đồng Minh Nhàn, ấp Chánh Lộc, Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Bình cắm hoa 2 trong 1 (vừa trang trí, vừa làm ghế ngồi), chậu hoa lục bình trang trí phòng khách của HTX Mây tre lá Ba Nhất ở Uyên Hưng, Tân Uyên, Bình sơn mài cẩn tre, vỏ cây, tranh sơn mài chùa Một Cột của Công ty Sơn mài Thanh Long ở Tân An, TP.Thủ Dầu Một... Sản phẩm của các DN nông thôn đã được thị trường nội địa, cũng như các thị trường nổi tiếng khó tính như Mỹ, Pháp…ưa chuộng, đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu của địa phương.

Sự đóng góp của các DNCNNT, DNVVN cho sự phát triển kinh tế của Bình Dương rất đáng trân trọng. Song khối này do quy mô sản xuất nhỏ, lẻ nên chưa có công nghệ xử lý chất thải, thiết bị an toàn lao động, năng lực quản lý, năng suất lao động chưa cao. Đa số chưa có máy móc, công nghệ hiện đại nên chất lượng sản phẩm chưa có giá trị cao, chưa tạo được mối liên kết giữa các DN cùng ngành và với các DN lớn. Với những khó khăn đó mà nhiều DN bỏ qua các hợp đồng lớn đầy tiếc nuối.

Bước qua khủng hoảng kinh tế, một số DNCNNT đã “rơi rụng” dần. Đặc biệt, trong lộ trình hội nhập các DN đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường, đặc biệt là đối với các sản phẩm mang tính truyền thống văn hóa dân tộc. Nhưng DNCNNT cũng sẽ phải đối đầu với thử thách cạnh tranh khắc nghiệt hơn. Để tồn tại và phát triển, DNCNNT cần cố gắng hơn nữa để làm mới, nâng tầm DN. Song song đó, các DN rất cần những chính sách vĩ mô đầu tư phát triển CNNT một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện phát triển mạnh các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề truyền thống gắn liền với nông thôn theo hướng xuất khẩu, kết hợp với việc phát triển tiềm năng du lịch của địa phương.

 B.ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=176
Quay lên trên