Từ những điều tâm huyết...

Cập nhật: 27-08-2012 | 00:00:00

Qua 9 câu hỏi khá “đặc” chất liệu về lịch sử Đảng bộ và người Bình Dương, những người tham gia cuộc thi tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương giai đoạn 1975-2010 không chỉ thể hiện tốt những kiến thức và am hiểu về lịch sử mà còn có sự quan tâm sâu sắc đến những tồn tại đang diễn ra trong xã hội. Đó là vấn đề về phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, trật tự an toàn xã hội... 

Ban tổ chức trang trọng lưu lại những bài thi đoạt giải trong cuộc thi 

Ảnh: Đình hậu

“Một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay”

Nói về vấn đề này, cô Đỗ Ngọc Thu, cán bộ hưu trí, đảng viên Chi bộ khu phố 6, phường Phú Cường, TP.TDM, mạnh dạn đề xuất: “Trong công tác xây dựng Đảng, phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, dám nhìn thẳng và sự thật, đánh giá đúng sự thật, chọn cán bộ phải có đức có tài, đồng thời kiên quyết loại trừ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, gây mất đoàn kết nội bộ, kèn cựa địa vị...”. Dù bận rộn với công việc nương rẫy nhưng anh Trần Ngọc Hải, ở tổ 10, ấp 3, xã Tân Long (Phú Giáo) rất quan tâm đến xây dựng Đảng. Theo anh, để nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng cần chỉ ra tiêu cực. Giải pháp mà anh đề xuất là cần phải đẩy mạnh công tác dân vận để phát huy sức mạnh từ lòng dân.

Cô giáo Chung Thị Hạnh, trường Tiểu học Phú Long, TX.Thuận An thì cho biết, việc đẩy mạnh học tập và làm theo lời Bác đã và đang gặt hái được nhiều thành quả trong quá trình thay đổi tư tưởng, nhận thức của mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên. Vì thế, theo cô cần “tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, công nhân, nông dân”, “phải quyết tâm chỉnh đốn Đảng, mạnh dạn loại trừ những cán bộ, đảng viên cơ hội, vụ lợi”.

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường

Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất đó chính là cải thiện và bảo vệ môi trường, hệ lụy của phát triển các khu, cụm công nghiệp (KCN). Hầu hết các ý kiến đều thừa nhận: “KCN là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp (CN), tăng khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển CN, đẩy mạnh xuất khẩu”. Tuy nhiên thời gian qua, phát triển các KCN, người dân phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải và khí thải CN làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hệ thống nước mặt, nước ngầm hiện nay. “Cho nên, điều tâm huyết chúng tôi gửi tới lãnh đạo tỉnh là có biện pháp nào mà khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động bắt buộc là doanh nghiệp phải tự xây dựng cho mình hệ thống xử lý nước thải đạt chất lượng trước khi thải ra ngoài môi trường để góp phần phát triển KCN mà môi trường sống vẫn được trong sạch, giữ gìn sức khỏe của mọi người”, chị Nguyễn Thụy Minh Hà, Chi đoàn cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh; anh Trần Thanh Thế Hiển, Bí thư Đoàn trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương; cô Chung Thị Hạnh, trường Tiểu học Phú Long, TX.Thuận An; Nguyễn Văn Phương, đường tạo lực 5, khu phố 1, phường Phú Hòa, TP.TDM... đều có chung một đề xuất.

Cùng chung ý kiến đó, chị Nguyễn Thị Minh Quý, Thư viện tỉnh bày tỏ suy nghĩ: “Định hướng cho phát triển công nghiệp ở Bình Dương trong nhiệm kỳ 2010-2015 là “phát triển nhanh và bền vững”, nhưng nhanh và bền vững thường khó đi chung với nhau, nhất là trong kinh tế. Nếu được chọn thì tôi sẽ chọn phát triển ổn định và bền vững”. Hay anh Mai Phúc Hậu, chuyên viên kinh doanh quốc tế Zenith Label (Việt Nam) cảm thấy vui sướng và tự hào tham dự cuộc thi. Cuộc thi đã giúp anh có thêm nhiều kiến thức quý báu về quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương Bình Dương trong suốt 35 năm qua. Với vai trò là một chuyên viên kinh doanh quốc tế cho công ty nước ngoài, anh sẽ ra sức học tập, lao động và giới thiệu vẻ đẹp, tiềm năng, thế mạnh của Bình Dương cho bạn bè, đối tác trong, ngoài nước được biết đến, giúp cho Bình Dương luôn đứng đầu về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, thế nhưng thu hút đầu tư nhất thiết phải tính đến bảo vệ môi trường.

Theo đà phát triển của công nghiệp, vấn đề nhà giữ trẻ cho công nhân cũng nhận được nhiều kiến nghị. Các ý kiến cho rằng “khi doanh nghiệp đến đầu tư tại Bình Dương cần phải có một quy định nào đó diện tích xây dựng nhà giữ trẻ cho con em công nhân, lãnh đạo tỉnh cần có chế độ hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp tạo quỹ đất, hỗ trợ vốn và con người, miễn thuế... Làm được như vậy, con em công nhân mới được thụ hưởng đời sống tốt đẹp như bao trẻ em khác ở địa phương”, chị Nguyễn Thụy Minh Hà một lần nữa đề xuất giải pháp.

Chiêu mộ nhân tài, nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội

Đất muốn có ngàn hoa trổ thì phải có những người nông phu giỏi, tương tự tỉnh nhà muốn phát triển cần phải chú trọng thu hút và trọng dụng nhân tài. Nói như anh Trần Ngọc Hải, nông dân huyện Phú Giáo thì “chiêu mộ” nhân tài bên ngoài, cùng lúc đào tạo nhân tài bên trong được ngang tầm hoặc cao hơn, giáo dục cho tuổi trẻ hôm nay thực sự am hiểu về lịch sử địa phương, khi thành danh hết lòng cống hiến cho quê hương trong thời kỳ xây dựng và phát triển không ngừng. Cô Đỗ Ngọc Thu thì cho rằng “thu hút nguồn lực cán bộ trẻ trong và ngoài tỉnh, đào tạo và bố trí họ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước... là điều quan trọng và bức thiết phải làm vì chỉ có như thế mới tập trung và khơi gợi sự sáng tạo, đóng góp trí tuệ không ngừng của thế hệ trẻ đối với tỉnh nhà”.

Và để nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, môi trường giáo dục, đào tạo phải được nâng cao về chất lượng đầu vào và đầu ra; đồng thời chú ý tạo sân chơi lành mạnh và rèn luyện thể chất cho thế hệ trẻ. Về vấn đề này, cô Chung Thị Hạnh, tiếp tục đề xuất: “Các địa phương cần xây dựng được các sân chơi lành mạnh cho thế hệ trẻ, ít nhất phải xây dựng được 1 nhà hát hay sân vận động”. Còn anh Nguyễn Văn Phương, phường Hòa Phú, TP.TDM kiến nghị: “Cần tổ chức thêm các câu lạc bộ, đội nhóm trao đổi kinh nghiệm sống, lao động sản xuất giúp thanh niên thấy nhiệm vụ của mình trong cuộc sống hiện nay”.

Những vấn đề nổi cộm của xã hội cũng được chị Phạm Thị Phượng, Phòng Giáo dục - Đào tạo TX.Thuận An hết sức quan tâm, cụ thể về đầu tư trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục, bởi trên thực tế giáo dục chưa phát triển kịp với nhu cầu học tập của con em người dân địa phương và lao động nhập cư. Bên cạnh đó, du lịch làng nghề tỉnh nhà còn nhiều bất cập, lãnh đạo tỉnh cần từng bước sắp xếp lại quy mô làng nghề, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn, hỗ trợ làng nghề tìm thị trường, mở showroom trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Cô Đỗ Ngọc Thu còn quan tâm đến việc thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nhất là nhà ở cho sinh viên, công nhân, người lao động có thu nhập thấp và nên chăng, giảm bớt thủ tục hành chính gây phiền hà, giảm thiểu tai nạn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.

Điều tâm huyết nhất ở những bài dự thi đó là cảm nhận sâu sắc về sự lãnh đạo tài tình, khôn khéo của Đảng bộ tỉnh và những đóng góp của nhân dân Bình Dương qua những chặng đường lịch sử. Nói như cô Phạm Thị Phương: “Trong khi cả nước còn loay hoay với mô hình khu chế xuất, rối rắm về quy chế và chính sách thì Bình Dương đã đi đầu trong phát triển khu CN. Khi cả nước theo Bình Dương phát triển các KCN nhưng chủ yếu bằng vốn Nhà nước thì Bình Dương đã mạnh dạn cho ra đời những KCN vốn liên doanh giữa Nhà nước và tư nhân, sau đó là các KCN hoàn toàn do tư nhân đầu tư”. Sự đột phá đó chính là một trong những minh chứng sống động cho sự chuyển mình, khẳng định uy thế và thương hiệu Bình Dương trong lòng bạn bè trong và ngoài nước.

Từ những giá trị và ý nghĩa lớn lao đó, hơn ai hết là những đảng viên, đoàn viên, công nhân viên chức, học sinh sinh viên, những người con đang lao động, học tập, sinh sống tại Bình Dương cần phải hiểu được truyền thống lịch sử của Đảng bộ tỉnh, đồng thời có trách nhiệm tuyên truyền hiểu biết của mình về lịch sử vẻ vang này nhằm nhắc nhở, động viên mọi người biết trân trọng, giữ gìn và phát huy thành quả, góp phần xây dựng, phát triển Bình Dương thành địa phương giàu đẹp, văn minh, hiện đại, cùng cả nước đạt tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.

Đọng lại sau những trăn trở, nghĩ suy cho cuộc sống chính là tình yêu, lòng tự hào, hãnh diện về vùng đất giàu truyền thống anh hùng và trí tuệ của đất và người Bình Dương gợi cho mỗi chúng ta nhiều suy nghĩ về thái độ sống và trách nhiệm với thời cuộc. Ý nghĩa và giá trị của cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương giai đoạn 1975-2010” chính là như thế!

NGỌC TRINH - KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=460
Quay lên trên