Viết nên những kỳ tích

Cập nhật: 14-12-2013 | 00:00:00

Bài 1: Tương Bình Hiệp - vùng đất anh hùng

Xã Tương Bình Hiệp (TP.TDM) xưa nay nổi tiếng cả trong và ngoài nước bởi nơi đây có nghề thủ công mỹ nghệ đã đi khắp năm châu bốn bể như sơn mài, gốm… Còn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ ác liệt, đây được xem là nơi thử thách của những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Nơi này đã ôm biết bao người con anh dũng vào lòng đất mẹ…

Kiên cường chiến đấu cho đến ngày toàn thắng

Ngày 28-4-2000, người dân Tương Bình Hiệp vô cùng phấn khởi khi được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là phần thưởng cao quý dành cho những đóng góp to lớn của nhân dân và lực lượng vũ trang xã. Thành tích vẻ vang ấy, ngoài sự chiến đấu oanh liệt của những cán bộ, chiến sĩ thì có cả những chiến công thầm lặng của những bà mẹ, những người chị chắt chiu từng hạt gạo, hạt muối để nuôi dưỡng cán bộ cách mạng.

Những năm qua, xã Tương Bình Hiệp luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Trong ảnh: Đại diện Đoàn Thanh niên xã và Mạnh Thường Quân thăm, tặng quà cho mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Năm

Theo lời kể của người dân địa phương, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Tương Bình Hiệp là địa bàn vô cùng ác liệt. Địch thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét để tiêu diệt lực lượng cách mạng, vì đây chính là khu đệm để chúng tiến đánh vùng Tam giác sắt - nơi lực lượng kháng chiến của miền Nam xây dựng thành một trong những cứ địa anh hùng. Thêm vào đó, xã Tương Bình Hiệp đất không rộng, địa hình lại trống trải và không liên hoàn nên phong trào cách mạng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng hàng ngày, hàng giờ, du kích và quần chúng nhân dân đã kiên cường bám trụ, biến từng vàm sông, khe suối, gốc cây, ụ đất thành chiến hào chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.

Nhân chứng sống cho một thời kỳ lịch sử còn lại chính là mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hít. Hai người con thương yêu của mẹ đã nằm lại nơi chiến trường ác liệt, mỗi khi nghĩ đến các anh là nước mắt mẹ cứ lăn dài… Nhớ thương là vậy nhưng mẹ vẫn rất đỗi tự hào về 2 người con của mẹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước.

Ông Nguyễn Văn Chánh, Bí thư Đảng ủy xã Tương Bình Hiệp, cho biết đền ơn đáp lại sự hy sinh mất mát to lớn đó, ngày nay Đảng bộ và nhân dân xã Tương Bình Hiệp luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Với mục tiêu bảo đảm gia đình chính sách, người có công có mức sống trung bình bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trong xã, xã luôn tạo mọi nguồn lực hỗ trợ các gia đình chính sách. Đối với những hộ gia đình chính sách khó khăn, địa phương xét hỗ trợ vốn khi họ cần vốn để sản xuất, kinh doanh; giới thiệu việc làm tại các công ty, xí nghiệp; cấp trang thiết bị nội thất cần thiết. Điều đáng mừng là đến nay, toàn xã đã cơ bản hoàn thành việc xây nhà tình nghĩa. Song song đó, mỗi dịp lễ tết, xã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa để thăm, tặng quà cho gia đình chính sách.

Xã vùng ven chuyển mình

Những cái tên như Làng sơn mài Tương Bình Hiệp, Lò lu Đại Hưng… đã đưa địa danh Tương Bình Hiệp vang xa cả trong và ngoài nước. Theo các tư liệu xưa, Làng sơn mài Tương Bình Hiệp hình thành từ đầu thế kỷ XVIII. Lúc đầu chỉ là một ngôi làng nhỏ chuyên làm tranh cổ phục vụ tín ngưỡng, truyền nghề theo phương thức cha truyền con nối; sau đó các thế hệ tiếp nối rồi kết hợp với các cư dân ở địa phương khác đến hội tụ làm ăn. Từ đó hình thành làng nghề với quy mô lớn, phát triển và nổi tiếng cho đến tận ngày nay.

Trong 2 cuộc kháng chiến, Tương Bình Hiệp có 1.224 người con tham gia kháng chiến, trong đó có 323 liệt sĩ. Toàn xã có 8 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 304 gia đình liệt sĩ, 66 gia đình có công với cách mạng, 19 thương binh và 6 bệnh binh. Hiện tại, xã chỉ còn 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống và 64 gia đình chính sách, có công cách mạng.

Những con số trên nghe chạnh lòng nhưng cũng rất đáng tự hào, minh chứng cho tấm lòng kiên trung của người dân Tương Bình Hiệp.

Theo những nghệ nhân cho biết, không phải ngẫu nhiên mà sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp lại nổi tiếng, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Để sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải mất thời gian từ 3 - 6 tháng. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, pha chế sơn, thực hiện cốt vóc, vẽ, cẩn, mài, đánh bóng… ước tính phải trải qua gần 25 công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn có kỹ thuật riêng, vừa tỉ mỉ lại vừa công phu, đòi hỏi sự kinh nghiệm, khéo léo, kiên nhẫn kết hợp với sự sáng tạo không ngừng. Mặc dù năm nay được xem là một năm “đại hạn” của sơn mài Tương Bình Hiệp khi nhiều người làm nghề không còn trụ được với nghề, nhưng đây cũng là một nghề đem lại đời sống ổn định cho dân. Theo ông Nguyễn Văn Chánh, mặc dù làng nghề không còn hưng thịnh như trước nhưng nó vẫn giải quyết lao động tại chỗ cho địa phương với mức thu nhập ổn định. Hiện tại, 30% dân số ở xã vẫn sống bằng nghề này.

Ông Nguyễn Văn Chánh cho biết thêm, đến thời điểm này xã Tương Bình Hiệp đã chuẩn bị mọi điều kiện để lên phường. Trong thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội của xã tương đối ổn định và có bước phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng thương mại, dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp. Hiện xã chỉ còn 16 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh.

Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, thương binh liệt sĩ, người nghèo được quan tâm thực hiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị ở các địa phương được củng cố, tăng cường; hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng lên. Hệ thống các công trình hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội được đầu tư tương đối đồng bộ, tiếp cận tiêu chí của một đô thị loại III. Phong trào giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị phát triển mạnh, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mỹ quan đô thị. Các tuyến giao thông nông thôn của xã đã được bê tông nhựa, bê tông xi măng ngày càng nhiều, tạo bộ mặt khang trang cho một xã vùng ven.

“Xã tiếp tục thúc đẩy và duy trì cơ cấu kinh tế đến năm 2015 theo hướng thương mại dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 48% - 45% - 7%. Bảo đảm 100% hộ dân được sử dụng nước sạch; xây dựng mới 1 trường trung học cơ sở, 1 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp mở rộng 1 trường mầm non”, ông Nguyễn Văn Chánh nói.

Bài 2: Phát huy truyền thống xây dựng quê hương giàu đẹp

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=236
Quay lên trên