Vốn đầu tư tiếp tục “đổ” vào công nghiệp phụ trợ

Cập nhật: 19-04-2014 | 00:00:00

 Tăng vốn đầu tư

Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, quý I-2014 Công ty TNHH KyungBang Việt Nam, thuộc Tập đoàn KyungBang nổi tiếng của Hàn Quốc trong lĩnh vực dệt may đã được trao chứng nhận đầu tư tăng vốn thêm hơn 54,2 triệu USD để mở rộng sản xuất sợi cotton chất lượng cao tại KCN Bàu Bàng. Trước đó, Công ty TNHH KyungBang Việt Nam đã đi vào hoạt động với nhà máy sản xuất sợi giai đoạn một 40 triệu USD.

   Sản xuất sợi cotton chất lượng cao tại Công ty TNHH KyungBang Việt Nam góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dệt may. Ảnh: T.BÌNH

Việc Công ty TNHH KyungBang Việt Nam tăng vốn để nâng cao năng lực sản xuất sẽ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho ngành may mặc, một trong những ngành xuất khẩu chủ lực hiện nay của Việt Nam. Ngay tại Bình Dương, may mặc là 1 trong 3 ngành hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, lâu nay việc nguyên phụ liệu phục vụ ngành may mặc hầu hết phải nhập khẩu vì sản xuất trong nước chưa đáp ứng được. Do vậy, việc Công ty TNHH KyungBang Việt Nam đầu tư lớn có ý nghĩa tích cực, vừa cung cấp hàng chục ngàn tấn sợi cotton chất lượng cao phục vụ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho ngành dệt may tại Việt Nam, vừa góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dệt may.

Đầu tư vào công nghiệp phụ trợ trong năm 2014 tại KCN VSIP I, Công ty TNHH Wonderful Saigon Electrics (Nhật Bản) đã tăng vốn thêm 210 triệu USD để tăng năng lực sản xuất camera Module dùng cho điện thoại di động, sản xuất các loại bo mạch điện tử (PCB) dùng cho thiết bị mạng thế hệ sau. Tại các KCN khác, đầu tư vào công nghiệp phụ trợ còn có Công ty TNHH Tanaka Ai Việt Nam (Nhật Bản) đầu tư 20 triệu USD để sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành mỹ phẩm; Công ty TNHH Kawasaki Heat Metal Việt Nam (Nhật Bản) đầu tư 8 triệu USD để sản xuất các bộ phận kim loại có liên quan đến hệ thống xử lý nhiệt…

Tác động tích cực

Hiệu quả từ công nghiệp phụ trợ trong sản xuất công nghiệp là rất lớn. Công ty Suntech Vina (Hàn Quốc) đi vào hoạt động tại KCN Mỹ Phước 3 vào tháng 2-2013 với lĩnh vực sản xuất và chế tạo gương chiếu hậu cùng bộ phận sưởi gương chiếu hậu ô tô. Chỉ với 4 triệu USD vốn đầu tư nhưng hàng năm nhà máy sản xuất đạt khoảng 30 triệu sản phẩm để xuất khẩu sang Nga và các nước châu Âu. Không phải với vốn nhiều hay công nhân đông, nhà máy Công ty TNHH Kahoku Lighting Solutions Việt Nam (Nhật Bản) tại KCN Đồng An gần 1 năm đi vào hoạt động với vốn đầu tư chỉ với 2 triệu USD và 15 công nhân nhưng công ty đã sử dụng công nghệ cao để sản xuất bóng đèn đặc biệt dùng trong thiết bị y tế, hay các ngành sản xuất điện tử và ngành hàng không để xuất khẩu đi khắp thế giới.

Trong nguồn vốn FDI đầu tư hơn 728 triệu USD vào tỉnh quý I-2014, công nghiệp phụ trợ chiếm tỷ lệ cao và hầu hết đầu tư vào các KCN. Chỉ tính riêng các KCN VSIP với gần 441 triệu USD vốn FDI thu hút trong quý I thì phần lớn vốn đầu tư từ các dự án của các tập đoàn lớn tập trung vào các lĩnh vực điện tử công nghệ cao, dược phẩm, sản phẩm tiêu dùng cao cấp… với giá trị chiếm đến 89% tổng vốn thu hút được; trong đó nổi bật vẫn là các dự án công nghiệp phụ trợ.

Hàng loạt các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ là tín hiệu tốt bởi lẽ tầm quan trọng của công nghiệp phụ trợ không chỉ tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cao mà còn là điều kiện để thu hút đầu tư các ngành công nghiệp khác. Nói như ông Lee Kap Soo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KyungBang Việt Nam, với việc đầu tư nhà máy sản xuất nguyên liệu chính cho ngành dệt may tại Bàu Bàng, nơi đây sẽ phát triển mạnh mẽ và sẽ trở thành trung tâm của ngành dệt sợi Việt Nam.

Công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cho thấy, định hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ đang phát huy hiệu quả. Đầu tư vào công nghiệp phụ trợ hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh vấn đề hạ tầng KCN tốt và môi trường đầu tư thuận lợi, yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp quan tâm hàng đầu đó là nguồn nhân lực phục vụ công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ phải đáp ứng được yêu cầu mà nhà đầu tư đặt ra. Vấn đề này Bình Dương đang làm rất tốt và có nhiều lợi thế, chính vì vậy mà trong thời gian qua đầu tư vào công nghiệp phụ trợ tại Bình Dương đã được doanh nghiệp chú trọng.

 T.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=237
Quay lên trên