Bảo hiểm y tế, còn tình trạng người nghèo bù cho người giàu

Cập nhật: 08-11-2013 | 00:00:00
“Nếu cứ giữ cách thực hiện như hiện nay thì chẳng khác gì người nghèo đóng bảo hiểm y tế để bù đắp cho người giàu” - đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nói như vậy tại buổi báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế sáng 8-11.

 Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai 

Bà Trương Thị Mai - ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - đã trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012.

Cấp trùng 800.000 thẻ bảo hiểm y tế

Báo cáo giám sát cho thấy giai đoạn 2009-2012, tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 58,2% (2009) lên 66,8% (2012). Như vậy, sau 4 năm thực thi luật, đã có thêm 8,6% dân số tham gia bảo hiểm y tế, tương đương 9,24 triệu người, bình quân tăng 2,8%/năm.

Theo bà Trương Thị Mai, trong điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam, với mức thu nhập bình quân đầu người là 1.749 USD/người/năm (2012), việc đạt được tỉ lệ gần 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế là sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, một nghiên cứu xã hội cho biết hơn 50% số người hưởng lương hiện nay đang tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc sẽ không tham gia bảo hiểm y tế nếu pháp luật quy định tham gia là tự nguyện. Điều này xuất phát từ nguyên nhân vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, tiêu cực trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Bà Trương Thị Mai cho biết kết quả giám định bảo hiểm y tế cho thấy có tình trạng lạm dụng cả về phía cán bộ y tế cũng như người có thẻ.

Những vi phạm phổ biến đó là lạm dụng xét nghiệm, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, kê đơn thuốc ngoài danh mục cho phép, kê khống tiền thuốc, bệnh nhân nằm ghép nhưng vẫn thanh toán mỗi người/ giường bệnh, lập hồ sơ bệnh án khống (như làm giả kết quả xét nghiệm), sử dụng chung xét nghiệm ở một số bệnh viện để thanh toán với quỹ bảo hiểm y tế; có nơi cán bộ y tế ở bệnh viện sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người thân để làm thủ tục lấy thuốc ở bệnh viện; người có thẻ lạm dụng thông qua việc cho mượn thẻ, đi khám nhiều nơi trong ngày (nhất là các bệnh mãn tính), cho thuê thẻ và thuê người bị bệnh mãn tính đi khám chữa bệnh để lấy thuốc (theo kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có trường hợp thẻ bảo hiểm y tế ở tỉnh Đồng Nai được sử dụng 157 lần khám chữa bệnh trong năm).

Đến nay, số kết dư quỹ bảo hiểm y tế gần 13.000 tỉ đồng chưa được phân bổ cho các tỉnh có quỹ kết dư, gây thắc mắc với các địa phương có kết dư quỹ khám chữa bệnh.

 “Tình trạng trùng thẻ bảo hiểm y tế ở những người do ngân sách Nhà nước hỗ trợ xảy ra tại nhiều tỉnh (cá biệt có người nhận được 4-5 thẻ). Giai đoạn 2009-2012, qua rà soát tại 42 tỉnh, thành phố đã phát hiện gần 800.000 thẻ cấp trùng, với số tiền ngân sách phân bổ khoảng 342 tỉ đồng” - bà Mai nói.

Cần quy định người có thẻ BHYT được khám ở tất cả cơ sở y tế

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phản ánh: ngành y tế hiện nay vẫn tồn tại tình trạng quá tải, 2-3 người bệnh phải nằm 1 giường. Quá tải bệnh viện là vấn đề kéo dài nhiều năm nhưng chưa được khắc phục làm bệnh nhân rất khổ sở. Đề nghị phải dành kinh phí để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới.

Theo đại biểu Nghĩa, một mặt cần tăng cường cải cách hành chính. Hiện chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa cao, thủ tục rườm rà khiến số người mua bảo hiểm tự nguyện còn thấp. “Cần quy định người có thẻ thì được đến tất cả các cơ sở y tế để khám chữa bệnh mà không cần làm các thủ tục rườm rà, mất thời gian” - ông Nghĩa đề nghị.

Riêng phần kết dư quỹ bảo hiểm y tế, theo quy định thì số tiền kết dư phải được dành phân bổ cho địa phương đầu tư, nâng cấp trang thiết bị khám chữa bệnh, nhưng thực tế phần kết dư lại được nộp về trung ương để phân bổ cho địa phương bội chi quỹ.

Theo nhiều đại biểu, đây là chuyện bất hợp lý vì các tỉnh nghèo, vùng sâu vùng xa thường có số kết dư nhiều, trong khi các tỉnh thành phố lớn - nơi có thu nhập bình quân cao hơn - lại liên tục bội chi. “Nếu cứ giữ cách thực hiện như hiện nay thì chẳng khác gì người nghèo tham gia đóng bảo hiểm y tế để bù đắp cho người giàu” - đại biểu Huỳnh Nghĩa bức xúc.

Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đồng tình: “Số tiền kết dư này cần đầu tư cho địa phương nâng cấp trang thiết bị y tế, vừa nâng cao tính chủ động cho địa phương, khuyến khích địa phương mở rộng người tham gia bảo hiểm y tế”.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) yêu cầu ngành y tế sớm có biện pháp chấn chỉnh, nâng cao y đức của đội ngũ cán bộ, cải tiến tất cả các thủ tục rắc rối không cần thiết để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy nhiều tỉnh miền núi và Tây nguyên có số kết dư quỹ bảo hiểm y tế khá cao, có tỉnh kết dư hàng trăm tỉ đồng. Đây là địa bàn gần đạt 100% dân số có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, do dân cư phân tán, giao thông khó khăn, xa bệnh viện, ít kỹ thuật y tế hiện đại nên người dân dù có bệnh cũng ít tiếp cận dịch vụ y tế dẫn đến quỹ bảo hiểm kết dư lớn.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số tỉnh bội chi quỹ bảo hiểm y tế. Năm 2010 có 14 tỉnh, năm 2011 có 24 tỉnh và năm 2012 còn 10 tỉnh bội chi, có tỉnh bội chi liên tục quỹ bảo hiểm từ khi thực hiện đến nay và thường xuyên nhận hỗ trợ từ quỹ dự phòng trung ương. Điều này cho thấy sự không hợp lý khi tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn lại nhận trợ cấp cho việc thâm hụt quỹ bảo hiểm y tế của mình từ việc điều tiết kết dư của các tỉnh miền núi khó khăn.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=348
Quay lên trên