Bình Dương mùa trái ngọt

Cập nhật: 30-04-2015 | 10:05:00

Bình Dương thu hút các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ vì quỹ đất dồi dào, gần TP.Hồ Chí Minh mà còn bởi tấm lòng rộng mở chào đón những ai muốn làm bạn với “Người đẹp Bình Dương”! Đó là kết quả tất yếu của phương châm “trải chiếu hoa” mời gọi các nhà đầu tư của lãnh đạo tỉnh Sông Bé trước đây và Bình Dương sau này...

 Một góc KCN Việt Nam - Singapore I. Ảnh: P.V

Vạn sự khởi đầu nan

Con đường 13 nhỏ hẹp, buồn vắng năm xưa, giờ đã thành đại lộ Bình Dương do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV (Becamex IDC) đầu tư xây dựng là ấn tượng đầu tiên minh chứng cho sự đổi thay ở vùng đất này. Trên chiếc xe ca sang trọng, tiện nghi của Becamex IDC đưa đoàn nhà báo chúng tôi về thăm Bình Dương, bất chợt, tôi nhớ lại câu nói của một chuyên gia kinh tế cách đây gần 20 năm: Sông Bé dám làm và dám “ẩu”, nhưng cũng nhờ cái “ẩu” dễ thương đó mà có Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 1…

Còn nhớ vào năm 1993- 1994, ngành kinh tế chủ lực của địa phương khi đó chỉ trông chờ vào cây cao su, cây điều và mặt hàng may mặc. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND phải “động não” tìm lối ra, làm sao phát huy được thế mạnh về đất đai, lao động theo hướng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thời đó, cả nước chưa có KCN, chỉ có khu chế xuất 100% vốn nước ngoài ở TP.Hồ Chí Minh. Nhà nước cũng chưa có quy chế cho các KCN. Trong khi đó, Sông Bé được giao 180 ha đất của Quân đoàn 4 ở khu vực Sóng Thần để phát triển kinh tế, muốn vậy, phải có 40 tỷ đồng cho Quân đoàn 4 di chuyển và cần 100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tìm đâu ra số tiền đó ở một tỉnh nghèo? Vạn sự khởi đầu nan! Tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp lập dự án đầu tư, đơn vị nào nhận làm sẽ được giao đất, có thu tiền sử dụng đất. Vậy là KCN Sóng Thần 1 ra đời, mở lối cho các KCN sau này bằng vốn đầu tư trong nước. Rồi điểm nhấn sau đó phải kể đến là việc hình thành KCN Việt Nam - Singapore (VSIP), liên doanh giữa Việt Nam và Singapore do Becamex IDC làm đại diện liên doanh. Mối lương duyên này đã đưa Bình Dương vươn lên tầm cao mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mùa trái ngọt

Vùng đất anh dũng kiên cường trong kháng chiến với địa danh Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Chiến khu Đ, Tam giác sắt… giờ được lấp đầy bởi các KCN với tổng diện tích khoảng 9.500 ha. Còn nhớ, năm 1997, khi Thủ tướng hai nước Việt Nam - Singapore xúc xẻng đất đầu tiên trong ngày động thổ xây dựng VSIP 1 và phía ta góp 49% vốn, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Becamex IDC - chủ đầu tư phía Việt Nam, tâm sự: ““Chạy” đủ tiền góp xong 49% vốn cũng cực lắm, nay thì yên tâm rồi! Trong tương lai, khi hoàn chỉnh, đây sẽ là một KCN sạch, hiện đại, phát triển các ngành kỹ thuật cao như sản xuất linh kiện điện tử, chất phụ gia… Giá trị tổng sản lượng công nghiệp sẽ đạt 1 tỷ USD/ năm; kim ngạch xuất khẩu 750 triệu USD/năm…”.

Ước muốn đó của ông Tổng Giám đốc Becamex IDC đã thành hiện thực. Giờ đây, VSIP I không chỉ lấp đầy với các nhà xưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà còn được mở rộng với VSIP II, rồi vươn ra “nối vòng tay lớn” tại các tỉnh Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, sắp tới sẽ đến Nghệ An, quê hương của Bác Hồ, tạo công ăn việc làm cho người nghèo nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Bằng nội lực, Becamex IDC còn xây dựng các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3, rồi Thới Hòa, Bàu Bàng. Trong năm 2014, Bình Dương có 27/29 KCN hoạt động, lấp đầy 65% diện tích cho thuê ở các KCN, đưa kim ngạch xuất khẩu tăng 17,5% so cùng kỳ.

Cùng với phát triển kinh tế, Bình Dương chú trọng cải cách hành chính và bảo đảm an sinh xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống người dân. Tòa nhà Trung tâm Hành chính tập trung trong Thành phố mới Bình Dương mới được đưa vào hoạt động, tập trung các cơ quan, đoàn thể, thực hiện cơ chế một cửa, giảm phiền hà, được người dân đồng tình, khen ngợi. Cải cách hành chính mạnh mẽ cũng chính là góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết êm đẹp vấn đề an sinh xã hội. Năm 2013, Bình Dương được Bộ Nội vụ xếp hạng 3/63 tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số cải cách hành chính.

Mới đây, trong buổi làm việc với đoàn nhà báo, Báo Nhân Dân phía Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Từ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết: “Tại cuộc hội thảo vừa qua, Bình Dương có 9 vấn đề được hội nghị đánh giá rất cao. Đó là vấn đề tư duy chiến lược để phát triển kinh tế; phát triển theo hướng hội nhập và thu hút các nhà đầu tư; lựa chọn ưu tiên để phát triển kinh tế như KCN kết hợp với dịch vụ chất lượng cao; đột phá trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông…”. Song, ấn tượng và tâm đắc nhất với tôi là sự đột phá trong tư duy để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ chất lượng cao nhằm cải thiện cuộc sống của con người, hướng tới con người, vì an sinh xã hội.

Điều này chúng tôi tận mắt trông thấy ở Khu đô thị mới Hòa Lợi, với khu nhà ở xã hội 2.500 căn, diện tích 30m2, giá bán tầm 100 - 140 triệu đồng, tạo điều kiện an cư lập nghiệp cho lao động nghèo và người thu nhập thấp. Trong tương lai, Becamex IDC tiếp tục xây dựng để có 64.700 căn và gần 140.000 dân được sống trong những căn nhà mới yên vui. Họ sẽ là cư dân đô thị của thành phố sầm uất, hiện đại không thua kém TP.Hồ Chí Minh láng giềng. Các con đường Phạm Ngọc Thạch, 7A, tuyến xe buýt nhanh Becamex - Tokyu, 7 tuyến đường nối Thành phố mới Bình Dương với TP.Thủ Dầu Một sẽ nối liền những bờ vui. Một ngày không xa, mạng lưới giao thông hiện đại của Bình Dương sẽ kết nối với TP.Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thu hút nhiều hơn sinh viên trong nước và quốc tế vào các trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Đại học Việt - Đức; thêm nhiều người được chữa bệnh ở Bệnh viện 1.500 giường, Mỹ Phước… Lớp trẻ Bình Dương sẽ được trang bị kiến thức mới, sáng tạo, năng động và ngày càng hội nhập sâu vào thế giới phẳng, thế giới một nút nhấn…

Trở lại Bình Dương trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, non sông liền một dải, càng thấy tự hào trước sự thay da đổi thịt của vùng đất cách mạng gian khó năm xưa. Có biết bao những người con ngã xuống cho ngày toàn thắng, cho cây trĩu quả, lúa mượt đồng, cho sự nhộn nhịp của các KCN tại Bình Dương hôm nay. Bình Dương đang vào mùa trái ngọt. Đó là thành tựu đáng tự hào, là hệ quả tất yếu của cuộc đấu tranh kiên định để giữ gìn sự đoàn kết của Đảng bộ, của chính quyền Sông Bé hôm xưa và Bình Dương hôm nay; là sự đột phá dám làm, dám chịu trong tư duy để đưa Bình Dương trở thành tỉnh có nền kinh tế công nghiệp - dịch vụ chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Đi trên đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13) hôm nay, qua những con đường trải nhựa rộng mở rực rỡ sắc hoa dưới nắng vàng, có dịp gặp lại những người anh, người em, đồng nghiệp, bạn bè từng động viên, giúp đỡ trong những ngày đầu về làm phóng viên thường trú tại Sông Bé, trong tôi dậy lên biết bao ân tình. Giờ đây, những tên đất, tên người thân quý ấy là kỷ niệm không quên trong cuộc đời làm báo của tôi. Như một nhà thơ đã viết: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn...

Nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, Bình Dương đang trên đà vươn xa theo tầm cao công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch được xác định là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tính đến năm 2014 là 60,8% - 36,2% - 3%; GDP bình quân đầu người hiện đã đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm.


Bút ký của LIÊN NGA (HƯƠNG LIÊN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên