Cao điểm sốt xuất huyết: Người dân cần chủ động phòng, chống

Cập nhật: 21-09-2018 | 05:21:22

Tháng 8 và những ngày đầu tháng 9 vừa qua, thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản, phát triển nhanh và truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) trong cộng đồng. Theo đánh giá của ngành y tế, đây là thời điểm cao điểm SXH trong năm, tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, năm nay số ca bệnh SXH ghi nhận đã giảm đáng kể…

Giảm so với cùng kỳ

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, số ca mắc và ca tử vong trong năm nay so với cùng kỳ năm trước đều giảm. Từ đầu năm đến hết tháng 8, toàn tỉnh ghi nhận 3.858 ca SXH, có 2 ca tử vong (năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận 5.355 ca SXH, có 3 ca tử vong). Riêng tháng 8 (từ ngày 1-8 đến 31-8-2018), toàn tỉnh ghi nhận 839 ca (năm 2017, ghi nhận 1.147 ca). Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết những địa phương có số ca bệnh tập trung cao, gồm: TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát. Đây là những địa phương có sự phát triển mạnh về công nghiệp, có nhiều lao động ngoài tỉnh đến đây sinh sống, làm việc. “Trong các ca bệnh nghi nhận được, cho thấy SXH ở người ngoài tỉnh xuất hiện nhiều hơn ở người dân địa phương. Điều đáng nói là những người lao động ngoài tỉnh đa số chưa có miễn dịch với SXH nên dễ mắc bệnh. Bắt đầu vào chu kỳ mùa mưa là cao điểm của bệnh SXH, do nước ứ đọng nhiều nơi, môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản, phát triển. Trong khi đó, người dân còn khá chủ quan, không nghĩ rằng mình vô tình nuôi muỗi trong nhà, trong các vật dụng chứa nước trong và xung quanh nhà…”.

Người dân cần chủ động, tự giác lật đổ, súc rửa các vật dụng chứa nước để muỗi không có nơi sinh sản, phát triển gây bệnh sốt xuất huyết

Là một trong những địa phương có ca bệnh SXH cao nhất, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TX.Thuận An ghi nhận 848 ca SXH (so với cùng kỳ năm 2017 là 1.787 ca). Riêng tháng 8, TX.Thuận An ghi nhận 208 ca, đứng đầu các địa phương trong tỉnh về ca bệnh SXH. 2 ca tử vong cũng được ghi nhận trên địa bàn; trong đó 1 ca ghi nhận từ tháng 1-2018 và một ca mới ghi nhận vào cuối tháng 8 vừa qua. Theo y sĩ Nguyễn Chí Linh, cán bộ chuyên trách chương trình SXH, Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế TX.Thuận An, riêng các tuần đầu tháng 9, trên địa bàn thị xã ghi nhận 130 ca SXH. Các phường có số ca mắc cao như: Bình Hòa, Thuận Giao, Bình Chuẩn, Lái Thiêu, An Phú. Đến nay, trung tâm đã phối hợp Trạm Y tế phường xử lý 230/242 ổ dịch SXH phát hiện, đạt tỷ lệ 95%.

Cần chủ động phòng chống

Công tác phòng chống SXH luôn được ngành y tế quan tâm thực hiện thường xuyên. Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, cho biết để chủ động phòng chống, ngay từ đầu năm, ngành y tế đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị về vật tư, hậu cần; tổ chức tập huấn thường xuyên cho cán bộ y tế về giám sát, xử lý, điều trị bệnh SXH; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức ra quân “Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, truyền thông phòng chống bệnh SXH, tay chân miệng và bệnh do vi rút Zika”… Về giám sát, ngành cũng đã tăng cường giám sát trong hệ thống điều trị và ngoài cộng đồng. Khi phát hiện ca bệnh, xử lý nhanh ổ dịch; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi; tuyên truyền các biện pháp để người dân cùng ngành y tế tham gia diệt lăng quăng, diệt muỗi tại cộng đồng.

Chiều 18-9, Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một phối hợp với Trạm Y tế phường Hòa Phú tổ chức phun hóa chất dập 2 ổ dịch nhỏ trên địa bàn khu phố 2, phường Hòa Phú. Anh Võ Trường An, cán bộ phụ trách chương trình SXH, Trạm Y tế phường Hòa Phú, cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn phường ghi nhận 85 ca SXH (riêng tháng 8 có 21 ca). Các ca bệnh chủ yếu tập trung ở những khu nhà trọ. Anh An chia sẻ: “Nhiều nơi, sau khi phát hiện ca bệnh, chúng tôi đã đến nắm thông tin, tuyên truyền người dân về cách diệt lăng quăng, ngủ mùng kể cả ban ngày để phòng chống SXH nhưng nhiều người vẫn chưa có ý thức tự giác. Bởi hôm sau chúng tôi đến, họ vẫn chưa súc đổ bình bông, các vật dụng chứa nước quanh nhà vẫn có lăng quăng. “Không có lăng quăng không có SXH”, diệt lăng quăng rất đơn giản, mọi người chỉ cần súc đổ bình bông, các vật dụng chứa nước quanh nhà thường xuyên thì sẽ diệt được lăng quăng, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trước bệnh SXH ”.

SXH hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Nhiều người vì chủ quan, vì thờ ơ với công tác phòng, chống nên đã “rước bệnh” đến với gia đình mình, lây truyền bệnh trong cộng đồng. Do đó, để chủ động phòng chống, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tự giác tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng, dọn dẹp vệ sinh môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ ở gia đình mình. Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ khuyến cáo: “Để giảm nơi muỗi sinh sản, hàng tuần, người dân nên dọn dẹp vệ sinh, diệt lăng quăng ở những nơi chứa lăng quăng trong nhà, như: Bể cá, bình bông bằng cách bỏ ít muối hoặc xà bông vào trong nước. Bà con nên chú ý ngủ mùng ngay cả ban ngày, vì Bình Dương là tỉnh nằm trong khu vực nhiệt đới, đang lưu hành bệnh SXH. Bên cạnh đó, có thể dùng các biện pháp hỗ trợ khác như: Xịt muỗi, xoa kem chống muỗi cắn, vợt muỗi... để bảo vệ mình không bị muỗi chích. Điều cần chú ý đó là, cần theo dõi, phát hiện sớm những ca bệnh, sốt cao đột ngột để đưa người bệnh đến cơ sở y tế kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra”.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên