Chỉ số cơ sở hạ tầng trong PCI năm 2017: Bình Dương được đánh giá rất cao

Cập nhật: 05-04-2018 | 08:27:34

Theo công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 vừa qua, Bình Dương tiếp tục đứng đầu cả nước về chất lượng cơ sở hạ tầng (CSHT), với 62,3% doanh nghiệp được tham gia khảo sát đã chọn Bình Dương. Đây là lời khẳng định mạnh mẽ của Bình Dương trong bản đồ thu hút đầu tư của cả nước; đồng thời cũng cho thấy chủ trương đúng đắn của các thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ khi chọn CSHT làm “xương sống” để phát triển kinh tế địa phương.

 Các chỉ số thuyết phục

Chỉ số CSHT là một chỉ tiêu được đánh giá độc lập và không nằm trong 10 chỉ tiêu thành phần của PCI, bởi do đây là lĩnh vực vốn không hoàn toàn thuộc thẩm quyền quyết định của lãnh đạo địa phương và nhiều chỉ tiêu đo lường nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền tỉnh. Tuy nhiên, đây là một chỉ tiêu đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để tham khảo trước khi đưa ra quyết định đầu tư và có quan hệ tương quan thuận chiều với chất lượng điều hành kinh tế. Chỉ số này được xem xét, đánh giá trên cơ sở 4 chỉ tiêu thành phần liên quan đến chất lượng CSHT ở các địa phương, bao gồm: Mức độ sẵn có và chất lượng của các khu công nghiệp (KCN); hệ thống đường giao thông về độ bao phủ đường trải nhựa và các chi phí gián tiếp phát sinh từ đó; chi phí và độ tin cậy của dịch vụ viễn thông và năng lượng; khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin tại địa phương.

Các nhà đầu tư đánh giá rất cao cơ sở hạ tầng của Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI

Đối với nhà đầu tư, chất lượng CSHT luôn là kim chỉ nam cho mọi quyết định rót vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất tác động đến chất lượng hàng hóa, giá thành sản phẩm, lợi nhuận… Chỉ số CSHT trong PCI được xây dựng dựa trên kết quả điều tra cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng CSHT tại các địa phương và những dữ liệu thống kê đã được công bố. Trong PCI năm 2017, có đến 62,3% doanh nghiệp khi được tham gia khảo sát đã chọn Bình Dương là địa phương có chất lượng CSHT tốt nhất trong cả nước, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghiệp.

Sớm xác định được tầm quan trọng của CSHT trong việc đổi mới, phát triển nền kinh tế, trong nhiều năm qua, Bình Dương đã chú trọng đầu tư phát triển CSHT kỹ thuật, hạ tầng các khu công nghiệp; coi đây là nhiệm vụ, mục đích và là nền tảng để thu hút đầu tư, phát triển đô thị và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đến nay, về hạ tầng khu - cụm công nghiệp, toàn tỉnh có 28 KCN với diện tích hơn 10.560 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt mức cao và 10 cụm công nghiệp với diện tích 707,8 ha. Dự kiến, đến năm 2020, Bình Dương sẽ hình thành 34 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh vốn đầu tư trong và ngoài nước phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị trong thời gian tới.

Về hạ tầng viễn thông, hạ tầng thông tin di động cũng được Bình Dương đầu tư phát triển mạnh với gần 2.000 trạm thu phát sóng; mạng cáp quang được trang bị đến hầu hết các khu dân cư, đô thị và trung tâm các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong khi đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng cho cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được nâng cấp, mở rộng và đã kết nối 173 điểm cho các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Ngoài ra, việc Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những tỉnh có kinh tế phát triển nhanh, năng động và có tiềm lực kinh tế của vùng nên có điều kiện thuận lợi tiếp cận công nghệ hiện đại và nguồn vốn đầu tư lớn. Về hạ tầng giao thông đường bộ, các tuyến giao thông quan trọng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của tỉnh như Phạm Ngọc Thạch, ĐT744, Mỹ Phước - Tân Vạn… đã được tỉnh quan tâm đầu tư, mở rộng. Các công trình này đã và đang tạo nên một hệ thống giao thông mang tính kết nối cao với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tăng cường phát triển hạ tầng

Với nền kinh tế phát triển ổn định, dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu đầu tư cho CSHT ở nước ta vô cùng lớn. Nếu giai đoạn 2011-2015, số tiền nước ta bỏ ra hàng năm cho CSHT là 12,6 tỷ USD thì trong giai đoạn 2016-2020, con số này tăng lên gấp đôi, đến 24 tỷ USD. Duy trì phát triển CSHT trở nên quá sức cho Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh thâm hụt ngân sách, áp lực giảm nợ công và nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) suy giảm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng đánh giá, ngân sách chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu vốn hàng năm để phát triển CSHT. Trong thời gian qua, Bình Dương cũng vấp phải những khó khăn chung của cả nước trong việc tìm vốn để phát triển CSHT. Tuy nhiên, tỉnh vẫn nỗ lực vượt khó để tiếp tục kiến tạo hạ tầng, vững bước phát triển.

Đánh giá về chất lượng CSHT của Bình Dương, lãnh đạo Hiệp hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam cho rằng Bình Dương là tỉnh có môi trường đầu tư tốt, hạ tầng các KCN hiện đại, có sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh đã tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Bình Dương tăng mạnh trong thời gian qua. Riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp Đài Loan, khi tìm hiểu môi trường đầu tư của Bình Dương đều rất an tâm và tin tưởng để đầu tư vào đây. Trong thời gian tới, sẽ còn có nhiều doanh nghiệp Ðài Loan sang Việt Nam đầu tư, trong đó Bình Dương là địa điểm được ưu tiên hơn cả.

Tổng lãnh sự Singapore tại TP.Hồ Chí Minh Leow Siu Lin chia sẻ, nhiều nhà đầu tư Singapore sau khi tìm hiểu về môi trường đầu tư tại Việt Nam đã quyết định chọn Bình Dương là điểm đầu tư. Bình Dương là tỉnh phát triển nhanh và mạnh về công nghiệp, hạ tầng các KCN được đầu tư xây dựng hiện đại, đồng bộ nên hầu hết các doanh nghiệp đều rất hài lòng và yên tâm khi đầu tư tại đây.

Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên đầu tư các dự án giao thông mang tính liên kết vùng nhằm kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, tỉnh tiếp tục đầu tư đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến Bàu Bàng để tạo sự kết nối với các đô thị phía bắc của tỉnh và sớm đưa dự án tuyến xe buýt nhanh đi vào hoạt động; cùng với đó nghiên cứu đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong từng đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung.

 Vì sao cơ sở hạ tầng không được tính điểm thành phần?

Chỉ số CSHT không được tính vào điểm PCI - PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, do những lợi thế vị trí địa lý mang tính tự nhiên, điều kiện hạ tầng ban đầu khác nhau, không nằm trong khả năng kiểm soát của chính quyền địa phương, không thể thay đổi trong ngày một ngày hai do đòi hỏi nguồn lực lớn, chiến lược phát triển tổng thể cấp Trung ương. Một số tỉnh ở vùng sâu, vùng xa vì thế sẽ rất khó bắt kịp được với các địa phương khác. Nhưng mối quan hệ giữa CSHT và chất lượng điều hành kinh tế địa phương có sự tương quan. Thường là các địa phương có chất lượng điều hành tốt có xu hướng có CSHT chất lượng cao hơn.

Các địa phương có hiệu quả kinh tế tốt cũng có xu hướng có CSHT chất lượng tốt, thuận lợi cho doanh nghiệp cũng thường đứng ở mức trên trung bình trong Bảng xếp hạng PCI. Đây là lý do các tỉnh ở tốp đầu PCI năm 2017 tiếp tục có mặt ở tốp các địa phương đứng đầu Bảng xếp hạng về chất lượng CSHT năm 2017.

Cải thiện lớn nhất được ghi nhận trong PCI năm 2017 là ở chỉ số thành phần khu, cụm công nghiệp. Năm 2017, 46% doanh nghiệp trả lời hài lòng về chất lượng khu, cụm công nghiệp, so với 41% vào năm 2016. Gần 100% doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI hiện có thể tiếp cận các dịch vụ điện thoại và điện với giá phải chăng...

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên