Chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho học sinh

Cập nhật: 22-08-2019 | 05:36:49

 Năm học mới đã bắt đầu, đây cũng là thời điểm bệnh tay chân miệng (TCM) có điều kiện lây lan nhiều nếu không may có học sinh bị bệnh. Vì thế, nhà trường và phụ huynh cần tăng cường và chủ động hơn nữa việc phòng bệnh cho các em.

 Thường xuyên rửa tay cho trẻ nhỏ để phòng bệnh tay chân miệng

 Ca bệnh giảm

TCM là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh TCM xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt trẻ em dưới 5 tuổi thường có tỷ lệ mắc cao hơn.

Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, phụ trách khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết so với cùng kỳ năm 2018, hiện nay số ca bệnh TCM trên địa bàn tỉnh có giảm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.851 ca bệnh TCM (so với cùng kỳ năm 2018 là 2.337 ca, giảm khoảng 20% ca bệnh), không có ca tử vong. Theo bác sĩ Mỹ, mặc dù ca bệnh đã giảm đáng kể, tuy nhiên việc phòng bệnh cho trẻ không được lơ là, chủ quan; đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, khi các em học sinh đã trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè. Đây là điều kiện lây truyền bệnh TCM khá thuận lợi nếu không may có học sinh bị bệnh đi học, mang theo mầm bệnh đến trường và lây cho các bạn trong lớp, trong trường.

Phòng bệnh TCM cho trẻ là một trong những hoạt động luôn được ngành y tế quan tâm, thực hiện thường xuyên. Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, ngành cũng rất tích cực phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo trong việc tăng cường công tác truyền thông, giám sát tại các trường học, đặc biệt là các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học trên địa bàn.

Rửa tay để phòng bệnh

Tuần qua, chị Nguyễn Thị Thanh ở TP.Thủ Dầu Một và chồng phải thay nhau nghỉ làm để ở nhà chăm đứa con nhỏ bị bệnh TCM. Chị Thanh cho biết đứa con nhỏ của chị gần 3 tuổi đang đi học mẫu giáo thì cô giáo gọi điện cho ba mẹ rước về vì cháu có biểu hiện nóng sốt. Hôm sau chị đưa cháu đến bác sĩ khám thì phát hiện bị bệnh TCM. Để cách ly không làm lây bệnh cho các bạn trong lớp, chị phải cho cháu nghỉ học ở nhà.

Trẻ mắc bệnh TCM không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn ảnh hưởng đến việc học tập do trẻ phải nghỉ học để cách ly nguồn lây bệnh cho các bạn trong lớp. Không những thế, những gia đình không có người trông coi trẻ, ba hoặc mẹ của trẻ còn phải nghỉ làm để ở nhà chăm sóc trẻ.

Vì thế, theo bác sĩ Mỹ phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Để phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi đến trường, mỗi trường học phải có chỗ rửa tay cho trẻ hợp vệ sinh. Trẻ trước và sau khi ăn, trước và sau khi đi vệ sinh cần được rửa tay sạch sẽ với xà bông diệt khuẩn. Đối với các trường học mầm non, mẫu giáo, sàn nhà, các dụng cụ học tập, đồ chơi của trẻ nhỏ... phải được vệ sinh, chùi rửa thường xuyên bằng các chất tẩy rửa thông thường.

TCM là một trong những bệnh đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Khi trẻ bị bệnh bác sĩ chỉ điều trị hỗ trợ và tăng cường sức khỏe bằng chế độ ăn, uống hợp lý. Thế nên, các bác sĩ luôn khuyến cáo phòng bệnh bằng cách vệ sinh là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ trước căn bệnh dễ lây lan này. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu như sốt, nổi bọng nước ở tay, chân, miệng cần nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ để được tư vấn, khám và điều trị bệnh kịp thời.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên