Để ngành du lịch phát triển mạnh: Cần sự chung tay của Nhà nước và doanh nghiệp

Cập nhật: 27-02-2016 | 07:56:18
Tỉnh Bình Dương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch (DL) như có nhiều sông, hồ, làng nghề truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa… Thời gian qua, ngành DL của tỉnh đã có nhiều nỗ lực phát triển lĩnh vực này. Tuy vậy, để khai thác hiệu quả tiềm năng DL, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và các đơn vị lữ hành (ĐVLH).
Du khách tham quan sản xuất gốm truyền thống tại cơ sở sản xuất gốm Vạn Phúc (phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên). Ảnh: HOÀNG PHẠM
Nhiều nỗ lực

Năm 2015, ngành DL đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh. Công tác xúc tiến, quảng bá DL được ngành chức năng đẩy mạnh thông qua việc tham gia các sự kiện văn hóa, DL. Đặc biệt, tỉnh nhà đã duy trì và tổ chức thành công Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín năm 2015”, qua đó nhằm tiếp tục khẳng định thương hiệu “Vườn cây ăn trái Lái Thiêu” đến với du khách trong nước và quốc tế.

Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã phát triển thêm 37 cơ sở kinh doanh lưu trú DL (gồm 6 cơ sở hoạt động theo loại hình tổ chức, 31 cơ sở hoạt động theo loại hình hộ kinh doanh cá thể) với 799 phòng, vốn đăng ký kinh doanh là 122,27 tỷ đồng; đồng thời phát triển thêm 9 đơn vị kinh doanh lữ hành. Tổng lượt khách DL đạt 3,8 triệu lượt; doanh thu DL toàn tỉnh đạt hơn 900 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc đưa vào sử dụng chính thức Trang thông tin điện tử DL Bình Dương (www. dulichbinhduong.org.vn) đã phục vụ kịp thời nhu cầu của du khách về thông tin DL của tỉnh và góp phần tăng cường quảng bá DL của tỉnh Bình Dương đến với du khách trong và ngoài nước.

Tính đến nay, tỉnh Bình Dương có 12 di tích cấp quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh với đầy đủ loại hình: lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, làng nghề truyền thống, phong tục tập quán, lễ hội... đã tạo nên một sắc thái riêng của Bình Dương. Tuy vậy, thời gian qua, sự phối hợp giữa Nhà nước và các ĐVLH để phát triển DL cũng còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến việc chưa khai thác hết tiềm năng DL của tỉnh.

Theo Sở VH-TT&DL, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 ĐVLH quốc tế, 21 ĐVLH nội địa và 3 văn phòng đại diện công ty kinh doanh DL. Đây được coi là một thế mạnh để đưa khách DL đến Bình Dương. Tuy nhiên, khi đề cập đến các tour DL gắn với các địa điểm tham quan tại Bình Dương, các ĐVLH thường chỉ giới thiệu đến các địa điểm như vườn cây Lái Thiêu, Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam giác sắt, Khu DL Đại Nam, chùa Hội Khánh... và chủ yếu xây dựng các tour DL từ Bình Dương đến các điểm khác như Đà Lạt, Vũng Tàu, Phan Thiết...

Tăng cường quảng bá DL

Ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Giám đốc Bình Dương Travel cho biết: “Khi trao đổi với lãnh đạo các ĐVLH, họ đều nói Bình Dương ít có điểm DL; cùng với đó các tour DL chưa thật sự hấp dẫn. Tôi cho rằng, Bình Dương không thiếu các điểm DL, từ DL nghỉ dưỡng, tham quan, lịch sử cho đến DL về nguồn. Tuy nhiên, khi nhắc đến DL Bình Dương du khách chỉ biết đến Khu DL Đại Nam, vườn cây Lái Thiêu, Nhà tù Phú Lợi. Tiềm năng DL của Bình Dương lớn, có nhiều điểm tham quan hấp dẫn, nhưng công tác truyền thông xem ra chưa mạnh, chưa đi vào chiều sâu”.

Để ngành DL tỉnh nhà phát triển mạnh, bên cạnh sự nỗ lực của từng đơn vị, đại diện các ĐVLH cho biết họ rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn như hỗ trợ giá vé, mức vay ưu đãi để đầu tư phương tiện... Có như vậy, họ mới mạnh dạn triển khai những tour kết nối các điểm DL và đưa khách DL từ các tỉnh, thành đến Bình Dương. Các ĐVLH cũng cho rằng, ngành chức năng cũng nên chọn một số đơn vị lữ hành để triển khai thực hiện những mục tiêu phát triển DL đã đề ra. Có như vậy, việc quảng bá DL của tỉnh mới thật sự đi vào chiều sâu.

Bà Võ Thị Anh Xuân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở VH-TT&DL) nhìn nhận, hiện nay, đội ngũ hướng dẫn viên DL của tỉnh chưa mạnh, chủ yếu là nhân viên của các ĐVLH nên việc hướng dẫn cho khách tham quan chưa được tường tận. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hướng dẫn viên để cung cấp thông tin về những điểm DL của tỉnh; tăng cường quảng bá DL Bình Dương qua hội chợ, lễ hội tại các tỉnh, thành trong cả nước. Trung tâm cũng sẽ tiến hành biên soạn mới Cẩm nang DL Bình Dương, bản đồ DL Bình Dương, in ấn tập gấp song ngữ Việt - Anh về các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh... nhằm phục vụ công tác thông tin và tuyên truyền quảng bá DL của tỉnh nhà. Riêng việc hỗ trợ các ĐVLH trong phát triển DL, trung tâm sẽ trình lãnh đạo Sở VH-TT&DL để có biện pháp hỗ trợ tốt nhất.

Sở VH-TT&DL vừa tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Quy hoạch phát triển DL tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển DL vùng Đông Nam bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sở cũng phối hợp với Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án quy hoạch, đầu tư, cải tạo, khai thác cảng Bà Lụa thành cảng DL để mời gọi đầu tư, phục vụ cho phát triển tuyến DL đường sông trên sông Sài Gòn trong thời gian tới.


 HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên