Dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh đô thị: Góp phần phát triển đô thị hiện đại, thân thiện môi trường

Cập nhật: 19-03-2015 | 08:17:26

Sáng qua (18-3), ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc để nghe đơn vị tư vấn là Tổ chức hợp tác quốc tế (JICA, Nhật Bản) cùng các bên liên quan là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC), Công ty Liên doanh Becamex Tokyu báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh Thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên.

 Tuyến xe buýt nhanh đô thị đầu tiên của Bình Dương và cả nước do Công ty Liên doanh Becamex Tokyu vận hành Ảnh: G.NGUYỄN

Theo JICA, Dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh Thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên có 2 dự án thành phần gồm: Dự án xe buýt nhanh trong đô thị (BRT) và Dự án xây dựng phát triển khu vực xung quanh ga Suối Tiên. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho 2 dự án này là 3.511 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản. Mục đích của dự án này là hình thành trục đô thị với các đô thị hạt nhân nhờ phát triển đô thị lấy giao thông công cộng (TOD) làm trung tâm nhằm chuyển đổi phương thức giao thông từ phương tiện xe máy cá nhân sang phương tiện xe buýt công cộng chất lượng cao thông qua hệ thống nhà chờ, bãi đổ và giữ xe để từng bước chuyển đổi thói quen đi lại. Đến khi người dân đã quen với BRT thì phát triển lên TOD cùng với lộ trình phát triển đô thị, dịch vụ chất lượng cao dọc tuyến. Hiệu quả mang lại khi chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng ước tính tiết kiệm 3.000 đồng/người/ngày chi phí nhiên liệu và tiết kiệm thời gian tương đương 500 đồng/người/ ngày. Bên cạnh đó, Nhà nước còn tăng được nhiều nguồn thu thuế: Thuế thu nhập cá nhân, thuế nhu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cùng với sự gia tăng về giá trị bất động sản…

Hiệu quả

Đóng góp ý kiến cho dự án này tại cuộc họp, ý kiến của ông Lê Văn Rum,Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết mục đích của dự án là hình thành trục đô thị - đô thị hạt nhân nhờ phát triển TOD góp phần chuyển đổi phương thức giao thông bằng phương tiện cá nhân (xe máy) sang phương tiện công cộng. Từ đó, hình thành trục đô thị dựa vào mạng lưới giao thông công cộng để tập trung và phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Ông Sakai Yoichiro, Giám đốc điều hành Tập đoàn Tokyu tại Việt Nam, thành viên đoàn khảo sát JICA, cho biết lộ trình phát triển đô thị dọc tuyến BRT trải qua 3 giai đoạn tương ứng với các mốc thời gian năm 2020, 2030 và 2040 với mật độ dân số tương ứng gồm: Thời kỳ ổn định dân số dọc tuyến từ Thành phố mới Bình Dương đến ga Suối Tiên bằng cách vận hành mạng lưới và phát triển hệ thống nhà ga, nhà chờ; tăng tốc phát triển BRT bằng làn xe chuyên dụng, góp phần hình thành hạt nhân đô thị Bình Dương đa chức năng, tập trung các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có số dân ban ngày là 400.000 người; kéo dài đường sắt đô thị (MRT) cùng với việc nâng cao chất lượng, mật độ dân cư dọc tuyến, trở thành cứ điểm của ngành công nghiệp, văn phòng tiêu chuẩn cao, chức năng nghiên cứu và phát triển…

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Bình Dương là tỉnh duy nhất trong cả nước sử dụng tốt vốn vay ODA”

Đây là kết quả đã được công bố nên Bình Dương mạnh dạn đề nghị Chính phủ xem xét hình thức vay vốn ODA để tiếp tục đầu tư bằng hình thức PPP. Do xe buýt nhanh không nằm trong danh mục công trình xã hội bức xúc nên các vấn đề liên quan phải được bàn bạc, giải quyết dứt điểm để đơn vị tư vấn phân tích, đánh giá toàn diện và có tính thuyết phục cao.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy từ nay đến thời kỳ ổn định dân số dọc tuyến (năm 2021), nhu cầu giao thông công cộng bằng BRT là 23.255 lượt hành khách/ngày; đến năm 2030 là 52.500 lượt hành khách/ ngày và năm 2040 là 84.995 lượt hành khách/ngày. Đây là kết quả nghiên cứu ở mức trung bình; nếu thúc đẩy tốt việc tập trung dân số nhờ các chính sách triển khai TOD hay thu hút công nghiệp có giá trị gia tăng cao thì lượng khách sẽ tăng cao hơn.

Trên cơ sở phân tích kinh tế của dự án, JICA đưa ra kết quả so sánh: Trường hợp không triển khai BRT thì người dân phải sử dụng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy với thời gian di chuyển trung bình mỗi ngày là 30 phút, chi phí tương ứng khoảng 18.000 đồng, chưa kể kinh phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; trường hợp thực hiện dự án thì thời gian di chuyển sẽ giảm trung bình 5 phút/người nhờ hạn chế tình trạng kẹt xe, kẹt đường và chi phí cũng giảm 3.000 đồng/người/ngày. Như vậy, nếu triển khai thực hiện dự án, mỗi ngày sẽ tiết kiệm cho xã hội 30 tỷ đồng. Hơn thế nữa, tỷ lệ hoàn vốn của dự án theo tiêu chuẩn trung bình thực hiện bằng vốn vay ODA là 12% thì dự án này có tỷ lệ hoàn vốn đến 53%. Dự án thật sự có ý nghĩa xã hội và kinh tế to lớn cho Bình Dương.

Công trình “đẻ” nguồn vốn

Theo JICA, tổng chiều dài tuyến từ Thành phố mới Bình Dương đến ga Suối Tiên là 30,8km với 15 trạm dừng, nếu giá vé trung bình là 10.500 đồng/12km đầu và 522 đồng cho mỗi km tiếp theo thì đến năm 2040 nguồn thu từ vé là 343 tỷ đồng. Đây là kết quả âm duy nhất đến 5,9%, nhưng vẫn phải thực hiện để thu hút khách. Còn lại, các yếu tố như đầu tư ban đầu, thu thuế từ các hoạt động liên quan và phát triển đô thị dọc tuyến… đều cho kết quả rất tốt với khả năng hoàn vốn lên đến 53%. Kết quả nổi bật khi thực hiện dự án này là giúp địa phương tăng thu mỗi năm trung bình 573,8 tỷ đồng.

Đơn vị tư vấn còn đưa ra ví dụ điển hình tại Jakarta (Indonesia). Trước năm 2004, vấn nạn kẹt xe là vấn đề nhức nhối của Chính phủ nước này, không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn kéo theo vấn đề môi trường, khí thải. Năm 2004, nước này đưa vào vận hành 12 tuyến BRT có tổng chiều dài 148km, với lượng hành khách tham gia đến năm 2012 là 350.000 hành khách/ngày đã cơ bản giải quyết ách tắc giao thông. Từ đó, nước này tiếp tục phát triển thêm loại hình giao thông đường sắt MRT dự kiến hoàn thành vào năm 2018.

Dự án đầu tiên, tiêu biểu của cả nước

Ông Phạm Ngọc Thuận, Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho biết trước khi trình dự án, công ty đã có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn và đã nhiều lần đặt câu hỏi trực tiếp: “Nếu UBND tỉnh chấp thuận và trình lên Chính phủ đề nghị bảo lãnh vốn vay ODA nhưng không được bảo lãnh thì đơn vị tư vấn sẽ phải làm gì và được phía bạn cam kết, Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ đứng ra thuyết phục vì đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát triển nhanh đô thị theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường; qua đó góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam cùng phát triển”. Về mặt kỹ thuật, ga Suối Tiên sẽ như một cái “phểu” để thu hút khách từ TP.HCM về Bình Dương, như vậy sẽ thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị khu vực TX.Dĩ An cùng chùm đô thị dọc tuyến từ Dĩ An về Thành phố mới Bình Dương.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đơn vị tư vấn vì dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh, phù hợp với quy hoạch chung của vùng. Ông cũng yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục làm rõ các vấn đề “lợi và bất lợi” trong việc thực hiện dự án làm căn cứ để Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hy vọng, đây là dự án xe buýt nhanh đô thị đầu tiên, tiêu biểu của cả nước được thực hiện bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) theo Nghị định 15 của Chính phủ.

 GIA NGUYỄN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên