Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội

Cập nhật: 27-12-2014 | 10:04:06

 Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA), hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, FTA cũng ẩn chứa nhiều thách thức đòi hỏi các DN phải vượt qua, biến thách thức thành cơ hội.

 FTA Việt Nam - EU là cơ hội để doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Thái Bình Shoes (TX.Dĩ An) Ảnh: P.LÊ

 Cơ hội lớn

EU là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, đặc biệt là những nhóm hàng da giày, dệt may và nông thủy sản. Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết tháng 11-2014 thị trường xuất khẩu (XK) của các nhóm hàng này tại EU có tốc độ tăng khá cao; trong đó ngành thủy sản đạt 1,29 tỷ đô la Mỹ (tăng 23,7%), hàng dệt may đạt gần 3 tỷ đô la Mỹ (tăng 23%), dày dép đạt gần 3,24 tỷ đô la Mỹ (tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2013).

Đánh giá về những thuận lợi của Hiệp định FTA Việt Nam - EU, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương, nói các nước EU có nền công nghiệp phát triển tương đối cao trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật như năng lượng, dầu khí, công nghệ chế tạo máy... FTA sẽ giúp cho DN hai bên học hỏi kiến thức để cùng phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời cũng tạo cơ hội cho Việt Nam tranh thủ tiếp thu công nghệ tiên tiến của EU trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm 2014, hoạt động XK của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Cụ thể, XK của tỉnh đạt kim ngạch hơn 17,74 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,5% so với năm 2013 và vượt 1% so với kế hoạch cả năm; trong đó kim ngạch XK khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,4% và chiếm 82% tổng kim ngạch XK của toàn tỉnh. Có 17/19 nhóm hàng XK chủ yếu tăng so với năm trước, trong đó có 12 nhóm hàng kim ngạch XK tăng trên 10%; tập trung vào một số mặt hàng chính là giày dép, hàng dệt may, sản phẩm gỗ… Lãnh đạo Sở Công thương cho rằng XK năm 2014 của tỉnh có nhiều thuận lợi là do giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn lao động tương đối ổn định; các thị trường XK chính đang dần hồi phục; nhiều nhà nhập khẩu có xu hướng chuyển đơn hàng sang Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tuấn Xô, Chủ tịch Hiệp hội XK Bình Dương, Giám đốc ICD TBS, cho biết FTA Việt Nam - EU khi được ký kết sẽ tạo nhiều cơ hội XK cho DN Bình Dương nói riêng và DN Việt Nam nói chung. FTA Việt Nam - EU sẽ đơn giản hóa về thủ tục hải quan, giảm thuế, thông thoáng trong quá trình kiểm tra hàng hóa như giấy chứng nhận, quyền sở hữu trí tuệ, chất lượng hàng hóa; tạo điều kiện xuất, nhập hàng nhanh, không tiêu tốn nhiều thời gian cho DN cũng như chi phí.

Còn theo ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư trăn, cá sấu Ngọc Sơn, hiện nay nhiều công ty của EU chọn Việt Nam, coi đây là địa điểm đầu tư tốt. Các công ty của Việt Nam thường thiếu bí quyết, công nghệ và vốn - những yếu tố sẵn có ở các công ty của EU với tiềm lực quốc tế lớn mạnh. Mặt khác, chi phí lao động của EU khá cao; trong khi đó cơ cấu chi phí của các công ty Việt Nam khá hấp dẫn, các lợi thế của Việt Nam khá đa dạng, chất lượng lao động cũng như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn so với những nước khác trong khu vực. Do vậy, hợp tác giữa EU và Việt Nam là một quan hệ mang lại nhiều lợi ích, giúp các công ty của Việt Nam tiếp cận tri thức, phương thức sản xuất hiện đại của phương Tây và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, khi hàng hóa của EU XK sang Việt Nam tăng lên, sẽ tạo sự cạnh tranh trong thị trường nội địa. Điều này có lợi cho người tiêu dùng Việt Nam khi được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt với giá cả cạnh tranh.

Chủ động vượt qua thách thức

Bên cạnh những cơ hội mà FTA mang lại thì các DN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi DN phải tìm hiểu kỹ, qua đó đề ra chiến lược hoạt động sản xuất phù hợp, tập trung đầu tư công nghệ hiện đại, tạo chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn của EU.

Ông Phạm Tuấn Xô cho biết tính pháp lý của Việt Nam chưa đủ cặn kẽ để đương đầu với những rào cản tinh vi của những nước phát triển thuộc EU. Hiện nay cơ sở pháp lý của chúng ta đang từng bước hoàn thiện. Việc đáp ứng đủ tiêu chuẩn và bộ quy tắc ứng xử của EU khi XK hàng hóa vào thị trường này cũng là những thách thức cho DN, do đó DN cần phải vượt qua những thách thức này để đón lấy cơ hội. DN cũng cần phải quan tâm đầu tư tốt hơn cho vấn đề chất lượng hàng hóa (có phòng thí nghiệm không để bị ô nhiễm các chất độc hại, phòng kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi cho xuất), sở hữu trí tuệ, chống trợ giá (cần minh bạch hóa giá thành để không mắc bẫy chống phá giá); vấn đề kiểm định (Việt Nam còn yếu trong vấn đề này, không đủ mạnh như các nước tiên tiến châu Âu); vấn đề môi trường xanh (DN có nơi xử lý chất thải bảo đảm môi trường) để hàng hóa được XK thuận lợi.

Khi Việt Nam và EU ký kết hiệp định, các DN Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn trên sân nhà. Hàng hóa của EU vào Việt Nam sẽ dễ dàng hơn và sẽ rẻ hơn (do không phải chịu thuế nhập khẩu), điều này sẽ thu hút người tiêu dùng vì chất lượng sản phẩm và giá cả. Thách thức này cũng là cơ hội để các DN chú trọng đầu tư chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Sơn, Việt Nam vẫn là nước phát triển chủ yếu về nông nghiệp, vì vậy đòi hỏi chúng ta phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đầu tư trang thiết bị máy móc công nghệ hiện đại, thu hút nhân lực và tài lực. Thế nhưng, sản xuất của các DN nhỏ và vừa vẫn còn manh mún, công nghệ sản xuất hiện đại thì hạn chế; đặc biệt hiện nay hạn chế về vốn đang là khó khăn nhất mà DN nhỏ và vừa đang gặp phải. Để DN phát triển, thâm nhập tốt hơn thị trường khó tính này, Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN, đặc biệt là về vốn. Lúc đó sẽ là cơ hội để DN mở rộng và phát triển sản xuất.

Theo các chuyên gia, trên cơ sở nhận diện những cơ hội và thách thức từ FTA Việt Nam - EU, Nhà nước cần có những bước đi, những chính sách hợp lý trong quá trình đàm phán, ký kết cũng như khi thực hiện FTA Việt Nam - EU để có thể tối đa hóa những lợi ích mà hiệp định mang lại cho DN nói riêng và Việt Nam nói chung và tối thiểu hóa những thách thức mà hiệp định này mang lại, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nền kinh tế Việt Nam.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên