Hoạt động khuyến công: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nông thôn

Cập nhật: 26-07-2019 | 08:02:28

Thời gian qua, hoạt động khuyến công của Sở Công thương đã phát huy vai trò là “bà đỡ” cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, hoạt động này đã và đang tích cực hỗ trợ DN đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, phát triển công nghiệp phụ trợ...

 Vận hành máy quang phổ phát xạ phân tích thành phần kim loại tại Doanh nghiệp cơ khí Kim Chung. Ảnh: TIỂU MY

 Hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển

Bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc DN cơ khí Kim Chung (TX.Tân Uyên), cho biết được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công của Sở Công thương, DN mạnh dạn đầu tư máy móc nhằm chủ động nguồn sản phẩm cung cấp cho thị trường, tránh phụ thuộc vào các DN bên ngoài. Việc làm này đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt sản xuất không gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe và tạo thu nhập ổn định cho lao động.

Sau khi đầu tư máy quang phổ phát xạ phân tích thành phần kim loại Model: PDA-MF mới 100%, DN quản lý được chất lượng sản phẩm, hạn chế sản phẩm hỏng do không đủ thành phần kim loại theo yêu cầu của đơn vị đặt hàng, từ đó sẽ tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho người lao động. Việc trang bị máy quang phổ phát xạ phân tích thành phần kim loại Model PDA-MF, sản xuất bởi hãng Shimadzu (Nhật Bản) giúp DN quản lý, ổn định thành phần chất lượng sản phẩm đúc đồng đều trước và trong khi sản xuất, đáp ứng nhu cầu khách hàng; đồng thời tạo điều kiện để DN mở rộng sản xuất trong giai đoạn hiện nay.

Trước đây, khi chưa có máy quang phổ phát xạ phân tích thành phần kim loại, DN Kim Chung phải đem sản phẩm ra bên ngoài để thí nghiệm. Sau khi đầu tư máy phân tích nói trên, DN chủ động với kết quả phân tích thành phần kim loại của sản phẩm do kiểm soát được chất lượng sản phẩm đầu vào. Trang bị máy phân tích giúp DN tiết kiệm thời gian, giảm chi phí thuê bên ngoài phân tích thành phần của sản phẩm, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm… từ đó tăng năng suất, sức cạnh tranh của DN trên thị trường.

Bà Châu cho biết thêm, trong thời gian tới DN Kim Chung tiếp tục quan tâm xây dựng thương hiệu, chú trọng chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Việc DN đầu tư máy móc thiết bị mới nhằm hoàn thiện thêm công đoạn sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, trong đó có công đoạn kiểm tra thành phần kim loại trước khi đúc.

Ghi nhận thực tế cho thấy, để phát triển ổn định các DN cần nắm bắt được nhu cầu của thị trường; đồng thời phải tăng hàm lượng công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.

Sớm gỡ khó về vốn

Hiện nay, phía đối tác đang tạo nhiều cơ hội cho các DN phụ trợ trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, song phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ nước ta đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại. Trong khi đó, nguồn kinh phí khuyến công trong nước còn ít, chủ yếu từ ngân sách Nhà nước.

Ghi nhận cho thấy, hiện phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong cả nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại. Điều đáng nói, các địa phương chưa huy động được nguồn lực tài chính của các tổ chức tham gia vào hoạt động khuyến công, chính vì thế nguồn vốn hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Là công ty nhỏ, vốn điều lệ ít nhưng DN cơ khí Kim Chung có những đối tác lớn từ Mỹ, Nhật. Bà Châu cho biết, hiện DN đang tiếp cận dự án đến 600.000 tấn sắt/năm. DN đang đàm phán để được liên kết sản xuất cho dự án này. Tuy nhiên, phía đối tác đang băn khoăn về đề nghị của DN vì đối tác đang lo chất lượng sản phẩm không đồng đều. Về phía DN, nếu tham gia dự án này thì phải đầu tư hệ thống dây chuyền 30 tỷ đồng và nâng cấp nhà xưởng.

Theo bà Châu, khó khăn của DN Kim Chung hiện nay là việc huy động được vốn để đầu tư, đáp ứng yêu cầu về công nghệ, bảo đảm năng suất ổn định khi có hợp đồng. Một khó khăn nữa là chính sách tài chính của ngân hàng thay đổi thường xuyên, khiến DN không có thời gian chuẩn bị khi vay vốn.

Ông Phạm Thanh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp Sở Công thương, cho biết để gỡ khó cho DN công nghiệp nông thôn, trong thời gian tới trung tâm sẽ hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm mới và có lợi thế… Trung tâm cũng hỗ trợ các đềán chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh...

 Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BTC ngày 28-3-2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công, từ năm 2019 kinh phí hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị cho các DN tăng lên 300 triệu đồng/ DN (tăng 100 triệu đồng so với trước đây); hỗ trợ về mô hình trình diễn kỹ thuật tăng lên 1 tỷ đồng/mô hình (tăng 500 triệu đồng so với trước đây).

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên