Kinh doanh qua mạng: Quản lý ra sao? - Kỳ 2

Cập nhật: 18-11-2017 | 08:49:19

Kỳ 2: Cần quản lý hiệu quả

Hiện nay, việc thu thuế bán hàng qua mạng đang được dư luận rất quan tâm. Các ngành chức năng cũng đang có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này nhằm tạo sự công bằng cho mọi loại hình kinh doanh.

 “Nóng” chuyện thu thuế

Thời gian gần đây, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện thu thuế bán hàng qua mạng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau khi cơ quan chức năng tiến hành động viên các cá nhân bán hàng qua mạng kê khai nộp thuế, họ đều tìm mọi lý do minh chứng doanh số không quá 100 triệu mỗi năm để không phải nộp thuế (Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, chỉ các cá nhân hoạt động thương mại kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế). Trong đề xuất quản lý nguồn thu từ kinh doanh qua mạng/bán hàng online, Bộ Tài chính đang đưa ra quan điểm nếu hàng hóa bán qua mạng có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ bị thu thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 1%. Bộ đề xuất không thu thuế đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng/lần, nhưng một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày thì cũng bị đánh VAT và thuế thu nhập cá nhân…

 

 Một tài khoản kinh doanh qua mạng. Ảnh: TIỂU MY

Ghi nhận cho thấy, trước thông tin về đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều tài khoản trên facebook, zalo… cộng đồng bán hàng qua mạng không công khai về mức giá sản phẩm, số lượng hàng bán ra. Mới đây, chủ một tài khoản bán hàng xách tay có cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.Thủ Dầu Một đang rất băn khoăn, chưa phân định rõ việc đăng ký, kê khai thuế và việc nộp thuế, cũng như quy định về việc xác định thu nhập và các khoản thuế phải nộp. Nói về dự luật thuế của Bộ Tài chính, hầu hết các chủ tài khoản facebook cho biết làm sao để khẳng định rằng cứ bán hàng 1 triệu đồng phải đóng thuế là công bằng? Thực tế cũng chỉ ra nhiều chủ bán hàng qua mạng không hợp tác với cơ quan thuế, họ sẽ đưa ra các giao dịch ảo hoặc giấu kín giao dịch. Tức là có bán, có mua nhưng việc chuyển tiền lại trực tiếp cho nhau, cơ quan thuế khó kiểm soát được giao dịch thành công để tính thuế.

Nhiều chủ tài khoản facebook cũng đặt vấn đề, làm sao các nhà quản lý có thể truy xuất giá hàng hóa chính xác từ người bán; cụ thể đối với các mặt hàng được xách tay về, ngành chức năng truy xuất giá hàng hóa ra sao? Thêm vào đó, nếu các cửa hàng nhanh tay điều chỉnh mức giá bán ra về dưới con số 1 triệu đồng, ví dụ như 999.000 đồng, 990.000 đồng…; thậm chí người bán hàng trên mạng bán hàng không công khai, bán hàng qua messenger riêng tư thì ngành thuế không thể kiểm soát nổi. Bên cạnh đó, hiện nay, để nắm bắt cơ hội kinh doanh, nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện cả mua bán trực tiếp và cả online. Như vậy, việc nộp thuế theo hình thức thuế khoán cho hộ kinh doanh cá thể (nghĩa là không có sổ sách kế toán) thì hình thức thu thuế sẽ như thế nào?

Theo nhiều chủ cửa hàng vừa kinh doanh truyền thống vừa kinh doanh online (có cửa hàng bày bán sản phẩm) trên địa bàn tỉnh, hiện nay họ đã phải đóng thuế môn bài, rồi tiền thuê cửa hàng. Hàng năm, lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra họ lại phải chịu thêm thuế bán hàng sản phẩm trên 1 triệu đồng là không hợp lý.

Giải pháp cần đồng bộ

Các chuyên gia cho rằng, đề xuất về phương án tính thuế với người bán hàng trên mạng của dự luật vừa được Bộ Tài chính đưa ra là không khả thi, bởi bán hàng bằng phương thức quảng cáo trên facebook, mạng xã hội không có hóa đơn, chứng từ áp dụng cho trường hợp không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ và mã số thuế cụ thể của cá nhân, tổ chức… Do vậy, cơ quan thuế rất khó để có thể xác định được đâu là các giao dịch có trị giá trên 1 triệu đồng. Chưa kể, với cách tính thuế như vậy thì người kinh doanh sẽ tìm cách né thuế một cách dễ dàng, bằng cách chuyển từ các giao dịch bán hàng sang thành chuyển tiền cho người thân.

Đại diện Phòng Tổng hợp - Nghiệp vụ - Dự toán Cục Thuế tỉnh nhìn nhận, việc quản lý thuế hiện nay đối với loại hình kinh doanh qua mạng gặp nhiều khó khăn, như khó xác định chính xác người nộp thuế, doanh thu phát sinh, nắm bắt quy mô hoạt động kinh doanh, nắm bắt toàn bộ quá trình giao dịch… Được biết, hiện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp rà soát hoạt động mua bán qua kênh online trên địa bàn để tìm ra phương án hướng dẫn các cá nhân đang có hoạt động kinh doanh chủ động thực hiện đăng ký thuế theo mẫu quy định.

Đề xuất giải pháp thu thuế, luật sư Thái Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương cho rằng, trong khi chờ đợi văn bản hướng dẫn cụ thể các ngành chức năng nên có những biện pháp khuyến khích bán hàng qua mạng tự nguyện nộp thuế và các ngành chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ để đưa ra phương án tối ưu nhằm quản lý hình thức kinh doanh này. Đối với địa bàn Bình Dương, việc tìm ra các chủ tài khoản cũng không quá phức tạp như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Đồng quan điểm này, các chuyên gia cũng chỉ rõ rằng các ngành chức năng, cơ quan thuế cần tích cực tuyên truyền người kinh doanh trên mạng đến để được hướng dẫn đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, đăng ký thuế, kê khai các mặt hàng kinh doanh, doanh thu bán hàng, phương thức thanh toán… Kết hợp cùng kết quả làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển kèm thu hộ, ngành thuế có thể sàng lọc ra được các cá nhân bán hàng qua mạng thuộc diện phải nộp thuế môn bài. Trong quá trình lưu kho, lưu thông hàng, cơ quan quản lý thị trường nên tăng cường kiểm tra đột xuất để làm rõ nguồn gốc hàng hóa và giá trị hàng hóa. Nếu người nộp thuế không tự giác, khi bị phát hiện, dù chỉ một lần, đối tượng kinh doanh phải bị xử lý nặng. Có như thế mới thúc đẩy những người kinh doanh qua mạng tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Còn khi người kinh doanh nộp thuế đầy đủ, ngành chức năng có thể đứng ra bảo hộ đây là địa chỉ kinh doanh uy tín thì đương nhiên họ sẽ có uy tín hơn, khách tới nhiều hơn. Điều này cũng được hiểu, bên cạnh thu thuế thì cơ quan chức năng phải bảo đảm cho người kinh doanh qua mạng khả năng cạnh tranh tốt. Có như vậy, những người kinh doanh qua mạng sẽ sẵn sàng nộp thuế.

Về phía khách hàng, cơ quan chức năng cần có biện pháp khuyến khích người dân không thanh toán tiền mặt khi mua hàng qua mạng. Cần làm cho khách hàng nhận thức rõ khi thực hiện việc trả tiền qua tài khoản thì nếu xảy ra kiện cáo họ có thể cung cấp bằng chứng cho cơ quan chức năng để được bảo hộ.

Theo Sở Công thương, trong khi chờ đợi hướng dẫn từ Bộ Công thương, sở đang phối hợp với các ngành chức năng tìm ra những phương án để phòng chống thất thu thuế đối với mô hình bán hàng qua mạng, bảo đảm sự công bằng cho các hình thức kinh doanh hiện nay và bảo vệ người tiêu dùng.

 Theo luật sư Thái Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, nguyên tắc Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, dù là hình thức kinh doanh nào; đó là quyền và nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào. Song hiện nay, việc quản lý loại hình thương mại điện tử còn nhiều vấn đề. Đã đến lúc chúng ta cần có những quy định chặt chẽ với hình thức kinh doanh này nhằm bảo đảm nguồn thu thuế cho Nhà nước và tạo ra môi trường công bằng, bình đẳng với những loại hình kinh doanh khác.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên