Ngành gỗ Bình Dương: Nỗ lực về đích trước kế hoạch

Cập nhật: 10-07-2018 | 07:47:58

6 tháng qua, các doanh nghiệp (DN) thành viên Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) đã thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh đạt 85% kế hoạch năm 2018. Điều đáng phấn khởi nữa là, đơn hàng từ nay đến cuối năm của các DN khá dồi dào, tin tưởng sẽ về đích sớm kế hoạch năm.

 

 

 Hoạt động sản xuất tại một công ty gỗ ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 3. Ảnh: P.V

Đơn hàng dồi dào

Theo BIFA, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các DN trong hiệp hội 6 tháng cuối năm 2018 sẽ có thuận lợi là đơn hàng từ các khách hàng truyền thống ổn định. Dự kiến năm 2018, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong hiệp hội tiếp tục ổn định.

Trong 6 tháng qua, thị trường xuất khẩu chính của các thành viên BIFA là Mỹ chiếm 40%, Liên minh châu Âu 20%, Nhật 10%, Hàn Quốc 10%. Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA, cho biết đến thời điểm này, hầu hết các DN trong hiệp hội đã ký được hợp đồng sản xuất, xuất khẩu đến tháng 9-2018. Thời gian qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Bình Dương… đã tích cực hỗ trợ các DN thành viên. BIFA cũng chủ động kết nối giữa các hội viên nhằm trao đổi thông tin thị trường, phổ biến và cập nhật chính sách pháp luật, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề, cải tiến quy trình sản xuất...; cùng với đó là các dự án hỗ trợ của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) với dự án Score, Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) về dự án FLEGT… đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN chế biến gỗ Việt Nam. Các DN gỗ cũng mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa từ các nước Mỹ, Đức, Italia… nhằm nâng cao năng suất lao động và bảo đảm chất lượng ổn định, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Ông Thanh cho biết, các DN gỗ trong tỉnh đã rất nỗ lực thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối khách hàng, tham gia các hội chợ đồ gỗ lớn trên thế giới. Mới đây, đoàn DN gỗ của Bình Dương đã tham dự Hội chợ triển lãm đồ gỗ Thượng Hải (Trung Quốc) 2018. Đây chính là cơ hội để ngành gỗ cả nước định hình thị trường xuất khẩu gỗ trong tương lai và nhận diện các đối thủ chính của ngành gỗ trong nước trên thị trường quốc tế.

Nâng cao hiệu quả quản trị DN

Ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty gỗ Kim Thành A, chia sẻ ngành gỗ trong nước đang đứng tốp 5 trên thị trường quốc tế, nhưng không vì thế mà các DN lơ là, chủ quan. Các nước tham gia xuất khẩu gỗ đều có những lợi thế và khó khăn nhất định. Có đi tham gia triển lãm, các sự kiện về ngành gỗ mới thấy ngành gỗ của nước ta còn rất nhiều hạn chế. Chẳng hạn các DN gỗ của Italia rất giỏi về công nghệ, họ liên kết với nhau rất chặt chẽ tạo thành chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm gỗ toàn cầu. Còn ngành gỗ của Trung Quốc có lợi thế máy móc, dây chuyền sản xuất tốt, thị trường xuất khẩu rộng lớn, chiếm tới 60 - 70% thị phần xuất khẩu toàn cầu… 

Lãnh đạo BIFA cho biết, nhiều đơn hàng lớn đang dịch chuyển về Việt Nam, nhưng chủ yếu lại vào tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, Nhà nước cần có giải pháp kịp thời, hiệu quả giải quyết tốt vấn đề này, nhằm tránh thua thiệt cho các DN trong nước. Nếu không xử lý tốt vấn đề này, Mỹ sẽ áp dụng các chính sách chống phá giá, ảnh hưởng lớn đến các đơn hàng tại Việt Nam.

 Theo ông Kim, một khó khăn đối với DN gỗ trong nước nữa là kỹ năng quản trị DN tuy đã được các DN chú trọng đầu tư cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách so với các nước có ngành gỗ phát triển, nên chưa nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Thanh nhìn nhận, khó khăn đối với các DN gỗ vẫn còn không ít, do đa phần là DN nhỏ, yếu về tài chính, máy móc nên nhiều đơn hàng rơi vào tay các DN nước ngoài. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu vẫn đang gây không ít áp lực cho các DN. Hiện nay, nguyên liệu gỗ nhập khẩu phục vụ cho sản xuất của các DN gỗ trong nước chiếm đến 90%. Điều đáng nói, giá nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất của các DN từ đầu năm đến nay tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Đối với nguồn nguyên liệu trong nước cũng đang được nhiều DN nhắm đến, nhưng nguồn cung không đủ cầu, bên cạnh đó còn nhiều bất cập khác.

Hiện nay, các DN gỗ tại Bình Dương đang tập trung cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác quản trị sản xuất và quản trị DN, áp dụng các phương thức quản trị sản xuất hiện đại, tiên tiến của các quốc gia phát triển nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu chi phí, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Có thể thấy, việc tích cực tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm tầm quốc tế thời gian qua giúp các DN gỗ trong tỉnh tích lũy thêm kinh nghịêm, thấy được hạn chế của ngành gỗ trong nước để có giải pháp phù hợp phát triển ngành gỗ ổn định và bền vững trong thời gian tới.

 PHÙNG HIẾU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên