Ngành y tế Bình Dương đi lên từ gian khó- Bài cuối

Cập nhật: 30-04-2015 | 08:51:19

Bài cuối: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Từ lâu, tỉnh đã có chủ trương xã hội hóa (XHH) y tế để huy động tư nhân tham gia đầu tư trên lĩnh vực y tế và cùng chung tay với y tế công lập chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân. Với vai trò chủ đạo, hệ thống y tế công lập luôn được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển về mọi mặt và đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân…

Những năm gần đây, y tế công lập đã được tỉnh đầu tư phát triển mọi mặt nhằm chăm sóc ngày càng tốt hơn sức khỏe cho nhân dân. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh và ngành y tế tham gia lễ động thổ khởi công xây dựng BVĐK tỉnh 1.500 giường

Hiệu quả từ XHH

Cùng với chính sách thu hút, mời gọi đầu tư của tỉnh, lĩnh vực y tế cũng có nhiều nét đổi mới thông qua chính sách XHH. Công tác XHH rất được tỉnh và ngành y tế quan tâm. Từ năm 2000, trên địa bàn tỉnh đã có thêm một số cơ sở khám chữa bệnh (KCB) ngoài công lập ra đời, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, như: Bệnh viện Phụ sản bán công, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tư nhân Bình Dương và các phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân khác. Ngành y tế cũng đã xây dựng đề án XHH về công tác y tế, đã được UBND tỉnh phê duyệt và đang từng bước triển khai có hiệu quả. Hệ thống y tế ngoài công lập hình thành ngày càng nhiều tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác chăm sóc và bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Có thể thấy, XHH y tế luôn được lãnh đạo tỉnh, ngành y tế quan tâm, trong đó đặc biệt là phát triển hệ thống y tế ngoài công lập. Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành y tế, hệ thống y tế ngoài công lập của tỉnh ngày càng phát triển so với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực. Tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 517 cơ sở hành nghề y tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trong đó: 10 BVĐK tư nhân, 30 phòng khám đa khoa tư nhân, 328 phòng khám chuyên khoa, 6 phòng xét nghiệm, 7 phòng chẩn đoán hình ảnh, 68 phòng chẩn trị y học cổ truyền và 64 cơ sở dịch vụ y tế. Các bệnh viện, phòng khám này được đầu tư khá quy mô, hoạt động hiệu quả.

Bác sĩ (BS) Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Với thời gian phục vụ linh hoạt, một số bệnh viện, phòng khám tư nhân còn được Bảo hiểm xã hội đồng ý cho tham gia khám bảo hiểm y tế nên đã đáp ứng nhu cầu KCB của người dân, đặc biệt là đối tượng công nhân lao động…”. BS Huỳnh Thanh Hà cho rằng, hệ thống y tế ngoài công lập có vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện đội ngũ cán bộ trong hệ thống y tế ngoài công lập có 1.448 người, chiếm 21,26% tổng số cán bộ y tế của toàn ngành, đặc biệt là chiếm khoảng 50% tổng số BS/vạn dân của toàn ngành. Một số cơ sở KCB ngoài công lập như: Bệnh viện Phụ sản bán công, BVĐK tư nhân Bình Dương, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc… đã được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, chất lượng phục vụ cao. Từ đó, các cơ sở KCB ngoài công lập đã đáp ứng tốt nhu cầu KCB của người dân, đặc biệt là đối tượng công nhân lao động, góp phần quan trọng giảm tải cho hệ thống y tế công lập.

Đầu tư phát triển y tế công lập

Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, cuối năm 2014, ngành đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh khởi công mới BVĐK tỉnh 1.500 giường, với quy mô về cơ sở hạ tầng, cùng các dịch vụ khám, chẩn đoán và thực hiện các nghiệp vụ chữa trị chuyên sâu công nghệ cao. Bên cạnh đó, ngành y tế và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng đang xây dựng mới Bệnh viện lao và bệnh phổi, tích cực chuẩn bị các bước để sớm khởi công các dự án đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Phục hồi chức năng.

Các cơ sở KCB tuyến huyện, xã cũng được đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị y tế, từng bước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phục vụ nhân dân. Đặc biệt, ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, các bệnh viện đã được đầu tư xây dựng kiên cố, đưa vào áp dụng nhiều trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao phục vụ tốt công tác KCB, như chụp CT Scanner, máy oxy cao áp, máy tạo nhịp tim tạm thời trong cấp cứu tim mạch, đặt stent mạch vành, máy chụp MRI… Nhiều bệnh viện còn được đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, KCB và phòng bệnh. Từ đó, chất lượng hoạt động của các đơn vị đã được nâng cao, hiệu quả công việc được phát huy hơn, cơ bản đáp ứng nhu cầu KCB, phòng chống dịch, nâng cao sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

Công tác chỉ đạo tuyến và Đề án 1816 của Bộ Y tế cũng được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Nhiều kỹ thuật mới từ các đơn vị tuyến Trung ương, các đơn vị tuyến tỉnh chuyển giao nhiều kỹ thuật cho tuyến dưới. Từ đó, chất lượng y tế trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế tỉnh nhà cũng được nâng lên đáng kể. Tính đến cuối năm 2014, toàn ngành có 6.182 cán bộ y tế, trong đó công lập 3.505 người, ngoài công lập 1.448 người, y tế ngành 606 người và y tế doanh nghiệp 649 người. Tỷ lệ BS/vạn dân là 6,6 người; 100% Trạm Y tế có BS phục vụ; 100% Trạm Y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 100% khu ấp có nhân viên y tế hoạt động.

Để có đủ nguồn nhân lực phục vụ trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh, tỉnh và ngành y tế rất quan tâm đến việc đào tạo, thu hút nhân lực. Theo đánh giá của ngành y tế, nguồn nhân lực y tế hàng năm đều tăng, nhưng so với mức tăng dân số của tỉnh thì vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ, cũng như chưa đáp ứng theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài chính sách thu hút nhân lực, tỉnh và ngành y tế cũng rất quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo theo địa chỉ và thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương khác đến công tác lâu dài trong ngành y. Ngành y tế còn thực hiện nhiều chế độ khác nhằm bảo đảm nguồn nhân lực, như: chế độ thu hút đối với viên chức y tế về công tác ở các xã thuộc vùng khó khăn; hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học…

Để phát huy những thành tựu đã đạt được cũng như tiến tới chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn, BS Huỳnh Thanh Hà cho biết, trong những năm tới, ngành y tế Bình Dương sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt việc “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”, luân chuyển cán bộ y tế tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng KCB; tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Quy hoạch phát triển sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020”. Ngành cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành, bổ sung các văn bản chỉ đạo về phát triển cơ sở vật chất, nguồn nhân lực y tế, các chế độ chính sách đãi ngộ đối với ngành y tế, những văn bản chỉ đạo các ban ngành phối hợp cùng ngành y tế để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Củng cố, phát triển hệ thống y tế công lập và ngoài công lập, y tế ngành; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở y tế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện đề án bảo đảm nguồn nhân lực y tế tỉnh Bình Dương, hiện ngành y tế đang gửi đi đào tạo hơn 70 cán bộ sau đại học, 200 người có trình độ đại học ở hệ điều trị và dự phòng. Dự kiến, trong 2 năm 2015 và 2016, sẽ cử đi đào tạo tại nước ngoài 5 cán bộ y tế chuyên ngành điều trị...

HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết
Tags
y tế

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên