Đến thăm Bệnh viện Quân đoàn 4 (BV4) trên địa bàn TX.Dĩ An vào một ngày đầu năm Quý Tỵ 2013, chúng tôi đã cảm nhận được không khí làm việc hăng say của đội ngũ y, bác sĩ nơi đây. Bắt đầu một ngày làm việc mới, thượng tá - bác sĩ (BS) Phạm Khắc Triệu, Chính ủy BV4 cùng các y, bác sĩ khác đi kiểm tra tình hình ở các khoa phòng trong chiếc áo blouse trắng. Một lúc sau, anh vội vàng thay bộ quân phục xanh vì “phải ra ngoài giải quyết công việc khác”. Thượng tá - BS Triệu cho biết, không chỉ có mình anh, mà toàn thể Ban lãnh đạo BV đều trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. “Nói phải đi đôi với làm, anh em mới đồng cảm và chia sẻ. Hiện tại, đội ngũ cán bộ nhân viên của BV4 có 380 người, trong đó có 250 quân nhân. Những y, bác sĩ BV4 trong một lần đi khám bệnh từ thiện cho bà con ở Định Quán, Đồng Nai
Dù là ngày cuối tuần, nhưng lịch mổ của trung úy - BS trẻ Vũ Tiến Sơn như kín mít cả ngày. Vừa hoàn thành một ca mổ, sự căng thẳng vẫn còn hiện trên khuôn mặt, nhưng BS Sơn vẫn cười tươi khi chúng tôi hỏi về nghề nghiệp của mình. Sinh năm 1985, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, BS Sơn về đầu quân cho BV4. Ba năm gắn bó với BV4, BS Sơn đã xem BV4 là “ngôi nhà thứ 2” của mình, bởi thời gian trực ở BV của BS Sơn thường nhiều hơn ở nhà. “Bố em là một BS quân y, từ nhỏ em đã quen với hình ảnh của bố trong 2 màu áo và luôn mong muốn được trở thành một BS quân y như bố mình. Bây giờ, em đã thực hiện được điều đó, vừa được khoác trên mình chiếc áo xanh màu lính, vừa được làm nghề y mà mình yêu thích. Bố em thường dạy, khi làm việc phải xem bệnh nhân như người nhà, phải luôn học tập và đem những kiến thức mình đã học để phục vụ cho bệnh nhân được tốt hơn”, BS Sơn chia sẻ. Học nghề y trong môi trường quân đội, vì thế, ngay từ những ngày đầu trên giảng đường, ngoài chuyên môn, BS Sơn đã được các thầy truyền dạy về y đức và rèn luyện về tính kỷ luật quân đội. BS Sơn cho biết thêm: “Cái khác của một thầy thuốc quân y là tinh thần sẵn sàng chiến đấu và nhận bất cứ nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành tốt. Lúc đầu mới vào nghề, đôi khi mình cũng thấy mệt mỏi, khó khăn vì áp lực công việc quá lớn. Nhờ sự động viên, giúp đỡ kịp thời của Ban lãnh đạo BV4 nên tư tưởng của em bây giờ đã vững vàng hơn…”.
Đến BV4, chúng tôi đã gặp rất nhiều thầy thuốc quân y nữ. Thiếu tá - điều dưỡng trưởng khoa khám bệnh Nguyễn Thị Thảo là một trong số đó. Khoa khám bệnh là một trong những khoa có cường độ làm việc cao, bởi lượng bệnh nhân đến khám bệnh hàng ngày rất đông. Trung bình một ngày, khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng 1.300 - 1.400 lượt người đến khám bệnh, khám sức khỏe. Vì thế, việc sắp xếp, bố trí nhân lực sao cho phù hợp nhằm phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất luôn được điều dưỡng Thảo quan tâm chú ý.
Với cương vị là điều dưỡng trưởng khoa, điều dưỡng Thảo tiếp nhận công việc, phân công công việc rõ ràng, chia khu vực quản lý cụ thể cho từng đồng chí điều dưỡng trong khoa phù hợp với năng lực của họ. Trong thời gian làm việc, điều dưỡng Thảo thường xuyên đi kiểm tra xem mức độ hoàn thành công việc của điều dưỡng, nhắc nhở chấn chỉnh kịp thời. Điều dưỡng Thảo chia sẻ: “Vừa làm hai nhiệm vụ, đặc biệt đối với phụ nữ càng vất vả hơn, nhưng mình vẫn làm được vì sau lưng luôn có các đồng chí, đồng nghiệp và gia đình hỗ trợ. Trong công việc, phải làm xong công việc, làm hết trách nhiệm của mình và phải luôn đặt y đức lên hàng đầu. Mình luôn động viên anh chị em trong khoa rằng, mọi việc cố gắng thêm một chút thì bệnh nhân sẽ được nhờ…”.
HỒNG THUẬN