Nông dân phát triển kinh tế từ internet

Cập nhật: 26-05-2015 | 09:02:53

Thực hiện Chương trình số 26 -Ctr/TU của Tỉnh ủy về chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với chế biến giai đoạn 2011-2015, thời gian qua, việc triển khai thực hiện nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KHCN) của các ngành và địa phương ở nông thôn đã mang lại kết quả tốt.

 Anh Huỳnh Văn Mười bên mô hình nuôi thỏ Newzealand của gia đình Ảnh: H.PHẠM

Giúp nông dân có nhiều thông tin

Thực hiện Dự án “Nhân rộng mô hình điểm truy cập thông tin KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn tại một số xã của TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, TX.Thuận An, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên và TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương” do Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN (TTTH-TTKHCN) tỉnh thực hiện đã giúp cho người dân ở nông thôn có điều kiện tiếp cận với KHCN thông qua internet.

Ông Trần Trọng Tuyên, Giám đốc TTTH-TTKHCN tỉnh cho biết, mục đích của dự án này giúp người dân (chủ yếu là nông dân) nắm bắt được những thông tin KHCN mới để áp dụng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; đồng thời nắm bắt nhanh chóng những thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản làm ra, từ đó định hướng sản xuất phù hợp với quy hoạch và nhu cầu của thị trường. Dự án được triển khai từ năm 2011 và đến nay đã phát huy được hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc triển khai các điểm truy cập thông tin KHCN tại các địa phương đã cung cấp thông tin đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu thông tin của nông dân ở cơ sở như: Nuôi trồng và chế biến thủy sản, kinh tế trang trại, máy móc, thiết bị, công nghệ sau thu hoạch… đã giúp cho nông dân được tiếp cận kiến thức mới, từ đó áp dụng vào sản xuất.

Từ mô hình nuôi thỏ Newzealand áp dụng phương pháp mới, kinh tế của gia đình anh Huỳnh Văn Mười (khu phố Đông, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An) đã được cải thiện đáng kể. Anh Mười chia sẻ: “Lần đầu đụng đến máy tính tôi cứ lóng nga lóng ngóng không biết gì hết. Qua hướng dẫn của cán bộ chuyên ngành và Hội Nông dân phường tôi đã biết sử dụng internet để kiếm thông tin. Từ khi biết sử dụng máy tính, việc chăn nuôi của gia đình khá lên. Khi thấy con thỏ có dấu hiệu lạ là lên internet tìm hiểu để trị bệnh trước nên hầu như không có thiệt hại”. Anh Mười còn sử dụng internet để tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp, phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình. Nhờ đó, anh đã thực hiện mô hình kết hợp giữa nuôi thỏ, cá tai tượng, gà thả vườn để tận dụng thức ăn thừa, phân thỏ làm thức ăn cho chăn nuôi.

Đưa nông nghiệp phát triển bền vững

Ngoài việc tìm kiếm thông tin KHCN và các mô hình sản xuất trên internet, nhiều hộ nông dân trong tỉnh còn cải tiến những ứng dụng KHCN phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Ông Lê Hoàng Châu, chủ vườn cây ăn trái ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng cho biết, tuy có hơn 15 năm kinh nghiệm trồng trọt nhưng hiệu quả vườn cây nhà ông những năm trước vẫn chưa cao. Qua tìm hiểu thông tin về các tiến bộ KHCN trên internet, ông đã áp dụng và thấy hiệu quả rất cao; theo đó ông đã cải thiện hệ thống tưới nước tự động để điều tiết lượng nước vừa đủ cho từng loại cây, so với cách tưới trước đây thì tiết kiệm lượng nước rất nhiều.

Ông Châu chia sẻ: “Trước đây, khi cây bị bệnh tôi thường phun thuốc bảo vệ thực vật không theo liều lượng. Từ khi tìm hiểu thông tin về biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, tôi đã sử dụng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm vừa bảo vệ môi trường”. Nhờ đó, những năm gần đây, các sản phẩm từ vườn cây ăn trái của ông đã được nhiều thương lái thu mua tận vườn, trong đó có cả thương lái từ miền Bắc thu mua quýt đường với số lượng lớn và thường xuyên.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, ngoài việc tham gia các hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm, nhiều nông dân trong tỉnh còn đưa thông tin sản phẩm của mình lên các trang thông tin mua bán điện tử để giới thiệu sản phẩm, tìm đối tác tiêu thụ.

Có thể nói, việc áp dụng các tiến bộ KHCN cho cây trồng, vật nuôi thông qua các dự án, mô hình dùng công nghệ thông tin để truyền tải trong thời gian qua đã giúp các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh từng bước ổn định, phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, sản xuất hàng hóa có giá trị cao và bảo đảm vệ sinh môi trường.

 

 HOÀNG PHẠM

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên