Phòng bệnh cho trẻ mùa nắng nóng

Cập nhật: 05-05-2015 | 08:30:00

Thời tiết nắng nóng thường làm xuất hiện một số bệnh, nhất là đối với trẻ em. Để giúp các bậc phụ huynh lưu ý phòng bệnh cho trẻ, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh.

 Thời tiết nắng nóng trẻ nhập viện gia tăng

 - Thưa bác sĩ, mùa nắng nóng trẻ thường mắc những bệnh gì?

- Thời tiết nắng nóng đã tạo điều kiện cho vi trùng, ký sinh trùng, virus phát triển. Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ từ 6 tháng trở lên, kháng thể từ mẹ truyền sang con đã giảm sút nên sức đề kháng của trẻ kém, trẻ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, các bệnh truyền nhiễm khác

- Xin bác sĩ cho biết rõ hơn về những bệnh mà trẻ thường mắc vào mùa nắng nóng?

- Các bệnh trẻ thường mắc phải như:

Bệnh về đường tiêu hóa: Tiêu chảy cấp, ngộ độc thức ăn. Trẻ ói nhiều lần, tiêu phân lỏng tóe nước hoa cà hoa cải nhiều lần hoặc phân lỏng có máu, trẻ có thể có sốt cao, có thể có tình trạng cơ thể mất nước nhiều như quấy khóc, vật vã, đòi uống nước liên tục hoặc trẻ lừ đừ, hôn mê, mắt trũng, môi khô, dấu véo da mất chậm…

Bệnh ngoài da như: sẩn ngứa, chóc lở…

Bệnh về đường hô hấp như:

+ Viêm đường hô hấp trên: Viêm họng, viêm Amydal, viêm tai giữa cấp, viêm xoang…

+ Viêm đường hô hấp dưới như: Viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen phế quản. Trẻ ho nhiều, thở nhanh, thở co lõm lồng ngực, có thể có sốt, biếng ăn. Tình trạng nặng hơn làm trẻ suy hô hấp như tím tái, có cơn ngưng thở dài..

- Các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết, bệnh viêm màng não, viêm não…

- Xin bác sĩ cho lời khuyên giúp các bậc phụ huynh phòng bệnh cho trẻ?

- Để phòng bệnh trong mùa nắng nóng, các bậc phụ huynh nên:

Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ: Tạo thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, bỏ thói quen ngậm tay. Đây là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu giúp trẻ tránh được tác nhân gây bệnh từ môi trường.

Ăn uống hợp vệ sinh: Các bậc phụ huynh cần chọn thực phẩm tươi sống, bảo quản và chế biên thức ăn hợp lý, hạn chế cho trẻ em ăn hàng rong, uống nước không gắn nhãn mác.

Tạo môi trường sống sạch sẽ: vệ sinh nhà sạch sẽ, thoáng mát, đồ chơi của trẻ cần thường xuyên rửa sạch bằng xà bông.

Cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám bệnh khi trẻ có một trong các biểu hiện sau:

+ Sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên.

+ Ho nhiều, thở nhanh, thở mệt.

+ Ói nhiều, ói ra máu, tiêu phân lỏng nhiều lần hoặc phân lỏng có máu đỏ, phân màu đen như bã cà phê.

+ Nổi nốt đỏ trong lòng bàn tay, bàn chân, gối mông, vết loét trong miệng…

ĐỨC LÊ (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên