Sức bật mới cho xuất khẩu

Cập nhật: 26-03-2018 | 08:11:28

3 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của tỉnh ước đạt trên 16 tỷ 521 triệu USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trước những cơ hội từ các hiện định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia mang lại, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tạo sức bật mới cho xuất khẩu của tỉnh. 

Kim ngạch xuất khẩu tăng khá

Quý I-2018, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, điện tử duy trì mức tăng trưởng cao. Cụ thể, ngành gỗ KNXK ước đạt 921,2 triệu USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục dẫn đầu về KNXK của cả tỉnh. Các thị trường xuất khẩu gỗ chủ yếu của doanh nghiệp gỗ trong tỉnh như Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều đạt mức tăng trưởng tốt, đơn hàng xuất khẩu dồi dào. Riêng đối với thị trường Mỹ, do Chính phủ Mỹ ban hành chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp nhằm kích thích nền sản xuất trong nước tăng trưởng nên dự báo, trong thời gian tới các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gỗ sẽ chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp gỗ bản địa.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH quốc tế Chutex (Khu công nghiệp Sóng Thần II, TX.Dĩ An). Ảnh: XUÂN THI

Đối với ngành dệt may, KNXK trong quý I của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 781,2 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ngành hàng gốm sứ có KNXK ước đạt 43,4 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục đạt mức tăng trưởng ổn định về số lượng và giá trị xuất khẩu.

Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát (hoạt động trong ngành gỗ) cho biết, trong quý I-2018 tình hình xuất khẩu của công ty tiếp tục ổn định. Đến nay, công ty đã ký đơn hàng đến hết tháng 6-2018. Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long phấn khởi cho biết, 3 tháng qua xuất khẩu của công ty đạt hơn 1 triệu USD; lượng đơn hàng ổn định. Kết quả khả quan ngay từ đầu năm sẽ tạo điều kiện cho công ty hoàn thành tốt kế hoạch cả năm.

Cần tận dụng tốt cơ hội

Việc 11 thành viên đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đầu tháng 3 vừa qua được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá về phát triển toàn diện, từ việc cải cách thểchếtrong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh đến thu hút đầu tư, xóa bỏ rào cản thuế quan, mở rộng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu.

Đại diện Sở Công thương cho biết, đối với ngành hàng dệt may, trong bối cảnh CPTPP đã được ký kỳ vọng lượng đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng cao so với năm 2017 do những tách động tích cực từ các cam kết về thuế quan mang lại. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi về thuế quan, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện cụ thể về xuất xứ hàng hóa. Do đó, các doanh nghiệp phải có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp, đặc biệt là cần chủ động nâng cao tỷ lệ nội địa hóa hoặc tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên vật liệu tại các thành viên CPTPP nhằm đáp ứng được những điều kiện theo cam kết của hiệp định.

Về ngành hàng da giày, trong năm 2018, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, mặt hàng giày dép và túi xách của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh hiện nay. Riêng ngành gốm sứ, trong những năm gần đây, các sản phẩm gốm sứ của Bình Dương liên tục được cải tiến về công nghệ, chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm. Công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm cũng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm; nhiều sản phẩm gốm sứ của Bình Dương tham gia trưng bày tại các hội chợ, triển lãm quốc tế được các nhà phân phối nước ngoài đánh giá cao. Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực sẽ giúp các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh tiếp tục tăng trưởng cao.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, trong năm 2018, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được giảm ngay thuế suất về 0%. Bên cạnh đó, CPTPP được ký kết cũng sẽ góp phần tích cực vào sự tăng trưởng của ngành xuất khẩu da giày, túi xách trong năm nay. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng hiện nay, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn gặp khó khăn vì sản phẩm của họ chưa đạt đủ các tiêu chuẩn để được miễn thuế, như về nguyên liệu, chất lượng sản phẩm. Ông Vương Siêu Tín chia sẻ, năm 2018, các thị trường xuất khẩu chủ lực của mặt hàng gốm sứ trong nước sẽ phục hồi do sản phẩm gốm sứ của doanh nghiệp Trung Quốc giảm sức cạnh tranh, khách hàng đã và đang chuyển đơn hàng từ Trung Quốc qua Việt Nam.

Với những yếu tố thuận lợi nói trên, cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu của cả nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng đang được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong thời gian tới.

 PHƯƠNG LÊ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên