Tăng cường kiểm tra, xử lý hàng gian, hàng giả

Cập nhật: 27-12-2017 | 08:38:33

Người dân luôn mong muốn được sử dụng các loại hàng tiêu dùng sạch, an toàn được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng hàng ngoại đội lốt hàng Việt xảy ra nhiều trên thị trường đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bản tỉnh giai đoạn 2017-2020 được Sở Công thương tổ chức mới đây.

Nhiều mặt hàng trong nước bị xâm phạm

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Trưởng ban Quản lý chợ Thủ Dầu Một, nhiều người tiêu dùng Việt Nam hiện còn khá mơ hồ trong việc phân biệt thương hiệu Việt và thương hiệu nước ngoài, ngay cả cơ quan chức năng cũng chưa quy định rạch ròi về việc này. Hơn nữa, hàng ngoại đội lốt hàng Việt được nhập khẩu, thậm chí gia công sản xuất tại Việt Nam một cách tinh vi thì rất khó có thể kêu gọi người tiêu dùng tin, ủng hộ hàng Việt, chọn mua hàng Việt.

Đoàn kiểm tra liên ngành xử lý trường hợp giả nhãn hiệu bóng đèn Điện Quang. Ảnh: TRÚC HUỲNH

Bà Hương cho biết, hiện tại các chợ có nhiều hàng nông sản đội lốt hàng Việt. Điều đáng nói, nhiều khoai tây, cà rốt… nhập khẩu có chứa dư lượng hóa chất độc hại có thể gây hại cho sức khỏe được bày bán nhiều; có những sản phẩm khác có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Hiện nay, nhiều người dân rất thích sử dụng nông sản sản xuất trong nước, nắm bắt được thực tế này nhiều loại hàng ngoại nhập đã được “phù phép” chuyển thành hàng Việt. Cụ thể như khoai tây được thương lái nhập từ Trung Quốc về Đà Lạt rồi tiến hành “hóa trang” phủ lớp đất đỏ lên củ khoai, biến thành khoai Đà Lạt, rồi được vận chuyển xe hàng từ Lâm Đồng về chợ tiêu thụ, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Hay như việc doanh nhân Hoàng Khải bán khăn lụa “Made in China” cắt mác, bán với mác “Made in Vietnam” gần đây đã khiến nhiều người tiêu dùng trong nước thực sự bị sốc…

Ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết, cũng như hàng nông sản, tại các chợ và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn dễ bắt gặp những sản phẩm xâm phạm quyền thương hiệu, không rõ nguồn gốc. Bị nhái nhiều nhất là các nhãn, mác thuộc ngành hàng may mặc. Chẳng hạn như vụ áo lót phụ nữ cắt mác Trung Quốc sau đó gắn mác Việt Nam bị công an kinh tế tỉnh phát hiện tại siêu thị Big C năm 2014 đã gây nên luồng phản đối mạnh mẽ trong dư luận. Hay như vụ việc Công ty Vinamit bị xâm phạm quyền thương hiệu… “Những vụ việc lấy thương hiệu của doanh nghiệp uy tín, cố tình lập lờ để kiếm lợi bất chính đang diễn ngày càng nhiều. Do vậy, người dân muốn mua hàng sản xuất trong nước cũng chưa chắc đã mua được đúng hàng Việt”, ông Bán nói.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Dầu Tiếng cho rằng, hiện nay một số mặt hàng sản xuất trong nước chất lượng chưa cao, cùng với đó hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn được bày bán nhiều nơi trên thị trường… đang ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi trong mua sắm hàng Việt. Do vậy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nhận thức đúng và tin tưởng khả năng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, cũng cần xử lý nghiêm những trường hợp gian lận thương mại để bảo vệ uy tín thương hiệu Việt.

Theo các chuyên gia, hiện nay hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng được bày bán trên thị trường với nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau. Để giải quyết tình trạng này, trước hết khi tổ chức các hội chợ hàng Việt, các phiên chợ hàng Việt, ngành chức năng và doanh nghiệp phải quan tâm đến chất lượng hàng hóa, hạn sử dụng hàng hóa; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm, kiên quyết người kinh doanh, sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng.

Về tình trạng hàng nông sản nhập ngoại bị đội lốt hàng Việt hoặc bị người bán lập lờ xuất xứ hàng hóa, bà Phan Thị Hồng, ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một cho biết, do thiếu các văn bản quy định rõ ràng về mặt pháp lý nên đã gây ảnh hưởng dây chuyền đến khâu quản lý tại mỗi địa phương, quản lý chợ. Bởi hàng hóa khi về các chợ nhỏ lẻ thì không có đầy đủ chứng cứ để chứng minh nên cơ quan chức năng không thể xử lý được, trong khi đó tại các chợ đầu mối, số lượng nông sản ngoại nhập không rõ chất lượng vẫn nhập về ồ ạt và khi về đến các chợ trên địa bàn tỉnh thì nó lại dễ dàng trở thành hàng Việt. Vì vậy, việc lập lại trật tự kinh doanh đối với hàng nông sản cần phải bắt đầu từ khâu nhập hàng, vận chuyển cho đến kinh doanh trên thị trường. Còn người tiêu dùng có quyền biết sản phẩm mà mình mua có xuất xứ từ đâu để có quyết định lựa chọn. Trên thực tế, người tiêu dùng không thể tự kiểm chứng được điều này. Do đó đòi hỏi các ngành chức năng cần có sự vào cuộc quyết liệt để chấn chỉnh kịp thời.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên