Thành công trên vùng đất mới

Cập nhật: 27-04-2015 | 09:22:28

 Xuất thân từ những vùng miền khác nhau nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty Gốm sứ Đại Hồng Phát và anh Lưu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng lại có điểm chung là rời mảnh đất phồn hoa Sài Gòn để về Bình Dương lập nghiệp. Sự lựa chọn đó đã giúp họ nhanh chóng gặt hái thành công trên vùng đất mới.

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân đã thành công trên đất Bình Dương. Ảnh: K.VINH

Người Sài Gòn lập nghiệp trên đất gốm

Xuất thân từ một gia đình không có truyền thống kinh doanh nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Vân vẫn quyết đeo đuổi đam mê từ thuở bé. Cho đến năm 1998, chị Vân vẫn hoạt động trong ngành cung cấp vật liệu xây dựng và máy móc phục vụ cho ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Lúc ấy, các ngành công nghiệp nhẹ bắt đầu nở rộ tại Bình Dương với rất nhiều khách hàng tìm đến đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất. Cũng từ nhu cầu bán máy móc phục vụ cho ngành gốm, chị Vân phải lập xưởng cho chạy thử máy để khách kiểm tra trước khi mua. Nhưng chính chị cũng không ngờ rằng, từ những ngày tháng cho vận hành thử máy ấy, Công ty Đại Hồng Phát đã cho ra đời những mẻ gốm đầu tiên, bán được ra thị trường. Đến đầu năm 2009, một khách hàng ở châu Âu đã cam kết bao tiêu sản phẩm của Đại Hồng Phát dài hạn.

Anh Lưu Trí (bên phải) luôn sâu sát với công việc tại công ty. Ảnh: K.VINH

Có nhà máy, có công nhân và đầu ra nhưng để gốm làm ra bắt mắt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, chị Vân phải bỏ ra số tiền rất lớn để thuê chuyên gia ngành gốm từ Đài Loan về Việt Nam đào tạo nhân sự, tổ chức điều hành kinh doanh, sản xuất. Gốm sứ Đại Hồng Phát cũng phát triển theo một hướng riêng biệt, chủ yếu là theo hướng tiêu dùng. Cho đến nay, Đại Hồng Phát đã tạo ra hàng ngàn mẫu sản phẩm khác nhau và tung ra thị trường hàng triệu sản phẩm gốm sứ đặc trưng, có màu men bóng mượt.

Gốm sứ Đại Hồng Phát đã xuất hàng ngàn lượt hàng sang các nước châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Trong khi đó, thị trường nội địa cũng là một kênh bán hàng quan trọng mà Đại Hồng Phát đã chinh phục được khách hàng với các sản phẩm bắt mắt, gần gũi với các gia đình. Hiện nay, ước tổng tài sản của gốm sứ Đại Hồng Phát khoảng 10 triệu đô la Mỹ. Đỉnh cao xuất khẩu của doanh nghiệp này là vào năm 2008, Đại Hồng Phát khi ấy đạt đỉnh với tổng giá trị xuất khẩu 5 triệu đô la Mỹ. Trong những năm gần đây, dù ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tình hình chung nhưng Đại Hồng Phát vẫn đạt doanh thu tốt, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.

Cho đến nay, sau nhiều năm lèo lái doanh nghiệp thẳng tiến trên thương trường đầy sóng gió gặp không ít khó khăn, thất bại nhưng cũng nhiều thắng lợi, chị Vân vẫn tâm đắc với quyết định chọn Bình Dương làm nơi lập nghiệp. Chị cho biết, về Bình Dương, về đất gốm gặp nhiều thuận lợi bởi ở đây lực lượng lao động có tay nghề cao nhiều, lại được đàn anh đi trước hướng dẫn tận tình nên công ty có cơ hội phát triển. Ngoài ra, động lực lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, vươn lên trở thành một trong những công ty gốm sứ hàng đầu Việt Nam như hiện nay phải kể đến sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương; trong đó phải kể đến các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp rất hiệu quả của tỉnh.

Lưu Trí “không giống ai”

Cái sự “không giống ai” của Lưu Trí, Giám đốc Công ty Nghệ Năng lại khiến nhiều người nể phục. Bắt đầu từ chuyện của anh khi còn ở tuổi 17 đầy nhiệt huyết và đang làm thợ ăn công nhật cho một vài cửa hiệu cơ khí ở TP.Hồ Chí Minh. Gia đình nghèo khó nên mới 14 tuổi, Lưu Trí đã phải chạy vạy khắp nơi để học nghề cơ khí. Nghề của anh lúc đó cũng không ai mê, vì là nghề sửa chữa quạt điện, bảo trì mô tơ… Nhưng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, từ chỗ là một công nhân làm thuê cho Công ty Pouyen (TP.Hồ Chí Minh), Lưu Trí đã mạnh dạn mở công ty, thành lập nhà xưởng tại Bình Dương để tạo dựng thương hiệu Nghệ Năng. Đó là một quyết định có đôi phần mạo hiểm, vì không ai nghĩ Nghệ Năng sẽ phát triển được ở Bình Dương.

Anh Trí nhớ lại, lúc đó anh phải vay mượn, thuyết phục bạn bè đầu tư vốn để mở xưởng ở Bình Dương. Dù rất khó khăn nhưng anh vẫn kiên trì với con đường đã chọn là về Bình Dương gây dựng sự nghiệp. Anh cho rằng, Bình Dương ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư đến làm ăn nên sẽ có nhiều cơ hội mở ra. Nếu thành công ở Bình Dương thì việc mở rộng nhà máy, quan hệ kinh doanh sẽ gặp nhiều thuận lợi.

Giờ đây, Công ty Nghệ Năng đã xây dựng thành công hệ thống thương mại rộng khắp tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… Riêng thị trường quạt công nghiệp, hiện Nghệ Năng cung cấp cho khoảng 50 đại lý và các KCN trên toàn quốc. Doanh số trung bình của công ty đạt khoảng 40 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2014, trước tình hình thị trường ngày càng khó khăn, để giảm lượng hàng tồn kho, Nghệ Năng đã áp dụng chương trình tư vấn miễn phí và ưu đãi giảm giá cho khách hàng. Cùng với chính sách nói trên, Nghệ Năng còn đưa ra các chính sách hậu mãi tốt nhằm thu hút khách hàng. Nhờ vậy, thương hiệu quạt công nghiệp Nghệ Năng được nhiều khách hàng biết đến và dần trở thành thương hiệu mạnh của Việt Nam.

Cũng nhờ liên tục nghiên cứu và áp dụng những thành quả vào sản xuất mà Nghệ Năng đã đạt những giải thưởng danh giá. Năm 2007, đề tài cải tiến khoa học kỹ thuật cho sản phẩm hút bụi trong ngành may mặc xuất khẩu đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo. Năm 2008, công ty được trao bằng chứng nhận thương hiệu uy tín TRUSTED BRAND; danh hiệu cúp vàng sản phẩm, dịch vụ xuất sắc. Năm 2009, Nghệ Năng tiếp tục nhận cúp vàng sản phẩm quạt hút ngược áp.

Từ nghèo khổ đi lên và từng làm công nhân nên Giám đốc Công ty Nghệ Năng Lưu Trí luôn quan tâm chăm lo đời sống công nhân lao động. Hiện công ty có gần 100 công nhân, lương bình quân đạt hơn 5 triệu đồng/ người/tháng. Ngoài các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nghỉ phép năm, phụ cấp tăng ca, khám sức khỏe định kỳ..., công ty còn có các chế độ khuyến khích tinh thần công nhân như chuyên cần, trách nhiệm, phụ cấp công tác, hỗ trợ lương cho cán bộ làm công tác công Đoàn. Đặc biệt, Nghệ Năng còn có các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ kỹ thuật CNC (điều khiển bằng máy tính), sản xuất các bộ phận kim khí (hay bằng vật liệu khác) phức tạp - bộ phận quyết định sự tồn tại và đi lên của công ty, tiến tới tự động hóa quá trình sản xuất công nghệ với sự chính xác và chất lượng cao. Hàng năm, công ty còn trích ra từ 40 - 60 triệu đồng để đào tạo, khen thưởng công nhân lao động.

Cùng chọn Bình Dương làm đất khởi nghiệp, điểm chung giữa anh Lưu Trí và chị Nguyễn Thị Hồng Vân chính là khả năng nhìn nhận đúng cơ hội phát triển doanh nghiệp trên vùng đất mới. Sự thành công của họ cũng chính là hiện tại và tương lai của hàng ngàn giấc mơ khởi nghiệp khác trên đất lành Bình Dương.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên