Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV:

Thành phố thông minh mang nhiều lợi ích đến nhân dân

Cập nhật: 28-03-2016 | 06:36:54

Hôm nay (28-3), Hội thảo quốc tế “Thành phố thông minh - Smart City” diễn ra tại Thành phố mới Bình Dương tập trung những chuyên gia hàng đầu về công nghệ thành phố thông minh và những giải pháp bền vững của Intel, IBM, Philips, NXP… Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện bao gồm: Hội thảo, triển lãm công nghệ và cuộc thi lập trình. Đây là một trong những hoạt động đầu tiên để lắng nghe những ý kiến chia sẻ từ các chuyên gia, nhà khoa học, các công ty công nghệ và đặc biệt là lãnh đạo của thành phố Eindhoven (Hà Lan) với hơn 20 năm kinh nghiệm phát triển Mô hình hợp tác “ba nhà” (Triple Helix) và xây dựng Thành phố thông minh. Nhân dịp này, phóng viên Báo Bình Dương có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC).

 Nỗ lực phát triển

- Đầu tiên, xin ông cho biết ý tưởng khởi nguồn từ đâu, cũng như các bước đi đầu tiên để xây dựng đề án Bình Dương tiến tới thành phố thông minh?

- Từ năm 2014, UBND tỉnh Bình Dương và Becamex IDC đã có những bước tiếp cận thành phố Eindhoven, Tập đoàn Brainport (Hà Lan). Ngày 15-1-2015, trong chuyến đi của lãnh đạo thành phố Eindhoven đến thăm Bình Dương, lãnh đạo 2 bên đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ tăng cường mối quan hệ hữu nghị và mở rộng các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Cũng trong dịp này, thông qua sự chỉ đạo và chứng kiến của lãnh đạo 2 bên, Becamex IDC và Brainport đã ký Biên bản ghi nhớ về việc tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài giữa 2 tập đoàn.

 Bình Dương đang hướng đến thành phố thông minh. Trong ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI

Sau đó, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của thành phố Eindhoven, Đại sứ quán Hà Lan, phía Eindhoven đã cử một nhóm chuyên gia sang Việt Nam từ tháng 7-2015 để nghiên cứu, tìm hiểu, đề xuất đề án và hỗ trợ Bình Dương xây dựng một mô hình thành phố công nghiệp hiện đại, bền vững. Qua đó, từng bước hoạch định đưa Bình Dương thành thành phố thông minh trong tương lai dựa trên lịch sử và kinh nghiệm phát triển của thành phố Eindhoven và Tập đoàn Brainport.

Ý tưởng chủ đạo đến từ việc thành phố Eindhoven cách đây hơn 20 năm chỉ là vùng đất phát triển công nghiệp nhỏ lẻ và truyền thống, vì không có những lợi thế vốn có của các thành phố khác như sân bay, cảng biển... Tuy nhiên, sau đó họ đã mạnh dạn đưa ra một mô hình phát triển mới gọi là Triple Helix (3 vòng xoắn). Trên nền tảng công nghệ, họ từng bước xây dựng thành phố Eindhoven không chỉ là một nơi đáng làm việc, mà là một nơi đáng sống. Cần nhấn mạnh thêm rằng, thành phố Eindhoven hiện nay lọt vào danh sách một trong những thành phố thông minh nhất thế giới và Thị trưởng thành phố Eindhoven hiện là đương kim Chủ tịch Diễn đàn các thành phố thông minh trên thế giới (ICF).

- Được biết, định hướng sắp tới Bình Dương sẽ phát triển theo hướng bền vững, tập trung các ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy khởi nghiệp. Xin ông cho biết đâu là lý do mà chúng ta phải làm điều này?

- Toàn cầu hóa và số hóa đang định hướng cho những thay đổi này với tốc độ kỷ lục. Điều đó có thể xem là một nguy cơ nhưng cũng chính là cơ hội mà nó có thể mang đến cho chúng ta. Thế giới ngày nay đòi hỏi doanh nghiệp, Chính phủ, các tổ chức giáo dục, nhà nghiên cứu và người dân cần có sự thông minh, ứng phó và khả năng thích ứng với những thay đổi. Bình Dương là một tỉnh có truyền thống phát triển công nghiệp, chúng ta đã đạt được những thành quả quan trọng trong ngành công nghiệp. Tuy nhiên, đã đến lúc phải phát triển thêm một tầm cao mới. Trong tương lai gần, công nghiệp lạc hậu, thâm dụng lao động sẽ dịch chuyển và được thay thế bằng một nền sản xuất công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khuyến khích khởi nghiệp.

Ngoài ra, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển nhanh, hội nhập sâu rộng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà nước ta tham gia và sự dịch chuyển đầu tư trong khu vực. Các công ty công nghệ ngày nay bắt đầu nhắm tới Việt Nam không chỉ để thành lập các cứ điểm sản xuất, mà còn xem xét để xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) và cơ sở dữ liệu (Data Base Center) như Samsung, Panasonic, Nissan… và gần đây là Apple. Một trong những mô hình phát triển mà thành phố Eindhoven đã áp dụng thành công đó là mô hình kết hợp “Ba nhà”.

Mô hình “Ba nhà” rất phù hợp

- Như vậy, có thể nói việc áp dụng thành công mô hình kết hợp “Ba nhà” sẽ giúp Bình Dương hướng đến thành phố thông minh trong tương lai. Xin ông cho biết thêm về mô hình này?

Quan hệ “Ba nhà” (Triple Helix) là một thuật ngữ được sử dụng khi thảo luận chính sách đổi mới - sáng tạo. Nó đề cập đến 3 lực lượng tham gia chính gồm: Nhà doanh nghiệp - cộng đồng doanh nghiệp hay chủ sở hữu của các đổi mới - sáng tạo; Viện nghiên cứu, trường đại học - tổ chức tạo ra tri thức, hỗ trợ cho quá trình đổi mới - sáng tạo với các kiến thức và ý tưởng mới và Chính phủ, nhà chức trách hỗ trợ quá trình đổi mới thông qua kinh phí của Nhà nước hoặc hỗ trợ kỹ thuật. Ba lực lượng này tạo ra một thế chân vạc, trong đó họ cần hợp tác chặt chẽ với nhau để tăng cường hệ thống đổi mới, sáng tạo. Mô hình kiềng ba chân ba nhà được xem như là một mô hình mẫu mà nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng thành công như ở Hà Lan, Phần Lan.

- Các nhân tố cốt lõi của mô hình kết hợp “Ba nhà” là gì, thưa ông?

- Chúng tôi vừa xây dựng Đề án phát triển Mô hình hợp tác “Ba nhà” và sắp trình lên các cấp lãnh đạo tỉnh, đồng thời chờ đợi sự góp ý của chuyên gia, doanh nghiệp, nhân dân... Trong đề án này, các định hướng phát triển tầm nhìn xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2016- 2021 phải phù hợp trong 4 lĩnh vực: Con người, công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư. Các yếu tố này không chỉ đóng vai trò đơn lẻ, mà còn đóng góp cho một Bình Dương sáng tạo hơn và mạnh mẽ hơn.

Đầu tiên, trọng tâm của lĩnh vực con người là lực lượng lao động, việc làm, giáo dục, kỹ năng và “sự phù hợp” giữa con người và công việc. Những dự án trong lĩnh vực này phải thực hiện cùng với các thị trường lao động, cải thiện giáo dục, phát triển các kỹ năng và thúc đẩy tinh thần kinh doanh. Sự quan tâm đặc biệt được dành cho định hướng nghề nghiệp với thế hệ trẻ trong lĩnh vực kỹ thuật, khuyến khích học tập “suốt đời” và thu hút lực lượng lao động tri thức quốc tế đến làm việc.

Tiếp đến, cần phải phát triển tri thức và công nghệ. Những dự án trong lĩnh vực công nghệ nhằm mục đích tăng cường và thu hút các hoạt động nghiên cứu, phát triển và khuyến khích sự đổi mới, hợp tác và chuyển giao tri thức. Điều quan trọng là liên kết công nghệ mới với những ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển.

Một nhân tố khác không kém phần quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp. Bình Dương sẽ sớm củng cố hoạt động kinh doanh hiện tại và tạo ra những loại hình kinh doanh mới. Đó là mục đích của các dự án trong lĩnh vực cộng đồng doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh nhất định sẽ thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng uy tín và thương hiệu Bình Dương.

Cuối cùng là cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư. Đây là những tiền đề, điều kiện tiên quyết để định vị cho một địa phương hấp dẫn. Với cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh thuận lợi, một môi trường sống thoải mái và an toàn sẽ thu hút được ngày càng nhiều dự án công nghiệp công nghệ cao vào tỉnh. Từ đó, nhà đầu tư cũng như người dân có khả năng tiếp cận dễ dàng các tiện ích thiết yếu cho cuộc sống.

- Rõ ràng, mô hình “Ba nhà” rất mới mẻ không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Vậy theo ông, đâu là chìa khóa để dẫn đến thành công?

- Sự hợp tác đóng vai trò rất quan trọng. Đó chính là sự phối hợp, kết hợp linh hoạt giữa các công ty, học viện nghiên cứu và tập đoàn với các cấp chính quyền Trung ương, vùng miền và địa phương. Thêm vào đó, giữa các doanh nghiệp với trường đại học có vai trò dẫn đầu và chịu trách nhiệm cho từng phân khúc thuộc lĩnh vực riêng của mình.

Điều quan trọng là cần nhận thức được loại hình hợp tác “Ba nhà” này dựa trên sự tự nguyện và sự năng động. Tất cả các bên hữu quan đóng góp vào chương trình nghị sự chung bằng cách chia sẻ những mối quan tâm riêng biệt, kiến thức, các tư tưởng và tầm nhìn của họ về sự phát triển trong tương lai. Đổi lại, họ có thể tham gia vào các dự án đặc biệt, mà qua đó giúp các tổ chức của họ đạt được một vị thế cạnh tranh hơn cả trong và ngoài khu vực.

Trong quá trình thực hiện vận dụng mô hình “Ba nhà”, Hội đồng cố vấn cũng có vai trò đặc biệt quan trọng. Hội đồng cố vấn “Ba nhà” sẽ là các đại diện hữu hình và là các đại sứ cho sự hợp tác, phổ biến rộng rãi và tạo ra những điều kiện thích hợp cho sự phát triển xa hơn. Hội đồng cố vấn sẽ đưa ra những hình mẫu cụ thể để các bên có liên quan cùng làm việc với nhau nhằm thực hiện tham vọng chung của sự hợp tác “Ba nhà”. Trong quá trình thực hiện, các thành viên có thể được thay thế, bổ sung, mở rộng hơn nữa để tạo ảnh hưởng, hỗ trợ và cam kết trong khu vực.

Tăng cường thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao là một trong những mục tiêu quan trọng hướng đến thành phố thông minh. Trong ảnh: Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore. Ảnh: XUÂN THI

Vì sao Bình Dương cần triển khai thành phố thông minh?

- Xây dựng Bình Dương thành một thành phố công nghiệp hiện đại, một nơi không chỉ để làm việc mà còn là nơi đáng sống, thực chất chính là kiến tạo một đô thị thông minh Bình Dương trong tương lai gần. Xin ông cho biết, những giá trị cơ bản của một thành phố thông minh?

- Đứng về mặt kỹ thuật, một thành phố thông minh tập hợp dữ liệu từ các thiết bị thông minh và mạng cảm biến nhúng trong kết cấu hạ tầng, lưới điện, các tòa nhà và các tài sản khác. Còn về mặt xã hội thì thành phố thông minh là nơi phải được áp dụng công nghệ một cách thông minh để trở thành một nơi đáng sống, làm việc, học hành và vui chơi. Thực tế, không có thành phố thông minh mà chỉ có con người thông minh. Thành phố thông minh liên quan đến sử dụng công nghệ một cách thông minh. Tuy nhiên, việc nắm bắt và sử dụng công nghệ mới là yếu tố làm nên thành phố thông minh, chứ không phải bản thân công nghệ đó.

- Tại sao chúng ta phải hướng đến mục tiêu thành phố Bình Dương thông minh, thưa ông?

- Theo những nghiên cứu, thống kê mới nhất, càng ngày có càng nhiều dân số trên thế giới đang sống tại các thành phố và nền kinh tế bị điều khiển bởi họ. Hơn một nửa dân số thế giới hiện đang sống trong hoặc xung quanh các đô thị thành phố. Đến năm 2050, Liên hiệp quốc dự kiến sẽ có 2,5 tỷ người di chuyển đến sống tại các đô thị lớn. Đồng thời, theo Ủy ban Kinh tế toàn cầu và khí hậu, các đô thị - thành phố lớn thường là nguồn tác động lớn nhất đến vấn đề môi trường. Do đó, những nỗ lực để giảm bớt tác động đó có thể là khoản lợi lớn. Bình Dương là một thành phố trẻ, năng động. Chính vì thế, việc phát triển thành phố thông minh sẽ tạo một không gian sống, một môi trường khởi nghiệp lý tưởng cho hàng triệu người.

Giải quyết được những thách thức môi trường cũng là một lý do chính tại sao các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ - nơi có dân số đông và nền kinh tế đang phát triển là nơi nắm bắt được các khái niệm thành phố thông minh nhanh nhất. Ngoài ra, nhiều thành phố trên thế giới cũng đang tìm cách cải thiện cơ sở hạ tầng bằng các công nghệ thông minh. Tuy nhiên, việc này sẽ tốn kém và gian nan trong một môi trường đã được xây dựng sẵn hoặc không hoạch định trước.

Có thể nói, Bình Dương là một thành phố mới, chưa có những hạn chế nên có thể tích hợp công nghệ thông minh vào sự phát triển ngay từ đầu với chi phí thấp hơn. Trong một thành phố thông minh, thông tin dữ liệu cần được tự do lưu chuyển và thật may mắn khi cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản, đường truyền cáp quang của Bình Dương được chuẩn bị tốt, tạo điều kiện dễ dàng cho những phát triển sau này. Việc trở thành một thành phố thông minh sẽ giúp Bình Dương thu hút những doanh nghiệp mới, các cư dân đến sinh sống và làm việc, tạo một sự phát triển bền vững cho thành phố Bình Dương trong tương lai.

- Xin ông cho biết một vài bước đi cần thiết trước mắt để xây dựng thành phố thông minh Bình Dương?

- Theo Đề án thành phố thông minh mà chúng tôi xây dựng dựa theo sự tư vấn của thành phố Eindhoven, chúng ta có thể khởi đầu bằng cách xây dựng nhận thức giữa chính quyền, lãnh đạo tỉnh Bình Dương để thuyết phục một nhóm rộng của người dân về sự cần thiết để chuyển đổi hướng tới xây dựng một thành phố thông minh cho tỉnh Bình Dương nói chung trong dài hạn và cụ thể hơn là Thành phố mới Bình Dương trong trung hạn.

Tiếp theo, phải xác định đối tác và xây dựng mối hợp tác - liên kết. Bước đầu tiên là xây dựng một tổ hợp liên kết các đối tác có kinh nghiệm và có thể hỗ trợ giúp dự án của chúng ta. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ lớn chính là các đối tác chính. Đây là nơi chúng ta bắt đầu định hướng để hướng tới các xác định đối tác như IBM, Philips, Intel, VNPT/ VNTT và một số đối tác khác.

Phối hợp với các công ty công nghệ tổ chức những cuộc thi thành phố thông minh thường niên có sự tham dự của Bình Dương để giúp chúng ta xây dựng một kế hoạch chi tiết. Điều này sẽ giúp chúng ta phát triển nội lực để tự triển khai dự án chúng ta một cách độc lập trong tương lai. Chúng ta cần có sự hiểu biết sâu sắc về các nguyên tắc và làm thế nào để chúng ta có thể học hỏi tốt hơn thông qua những cuộc thi như thế này. Về lâu dài, chúng ta sẽ thuyết phục họ làm đối tác để bắt đầu sử dụng thành phố mới Bình Dương như một phòng thí nghiệm sống.

Bước tiếp theo của đề án là tổ chức một hội nghị thành phố thông minh để đánh dấu sự bắt đầu dự án Thành phố thông minh và có ý định tạo ra nhận thức chung trong cộng đồng và các bên liên quan trong dự án tại Việt Nam. Hội nghị này cũng được sử dụng để chia sẻ và chuyển các thông điệp về ước vọng và định hướng của Bình Dương trong một góc nhìn mang tầm quốc tế rộng lớn hơn. Chúng ta có thể xây dựng một lộ trình cho sự chuyển đổi Bình Dương trở thành một thành phố thông minh. Chỉ có sự tham gia sâu rộng như vậy mới tạo ra tầm nhìn quốc tế để Bình Dương sớm đạt những mục tiêu đầy tham vọng trong chiến lược xây dựng một thành phố thông minh.

- Xin cảm ơn ông!

Sớm xây dựng và định vị thương hiệu

 Việc xây dựng và định vị thương hiệu Bình Dương là rất quan trọng. Việc này cũng như sự hợp tác “Ba nhà” đóng góp vào việc nâng cao sự nhận diện về thành phố thông minh trong tỉnh, khu vực, cũng như sự nhìn nhận của quốc gia, của cộng đồng quốc tế về Bình Dương. Sự nhìn nhận về Bình Dương khi đó sẽ như là một tỉnh công nghệ, sáng tạo và là cái nôi sản xuất. Điều này sẽ hỗ trợ cho các lĩnh vực công nghiệp mà Bình Dương quan tâm cũng như việc thu hút đầu tư và nguồn lao động tri thức đến Bình Dương. Đồng thời, nó còn có thể góp phần vào các tham vọng riêng của từng đối tác. Bởi lẽ, khi thương hiệu thành phố thông minh Bình Dương được xây dựng thành công, các đối tác cũng sẽ được hưởng lợi ích. Ở một góc độ khác, việc xây dựng và định vị thương hiệu sẽ giúp cho toàn bộ dự án hình thành thành phố thông minh nhận được sự cam kết thực hiện và hỗ trợ nghiêm túc từ các đối tác.

Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu nghiêm túc, bài bản sẽ cho thấy tầm nhìn, tiềm năng to lớn và sự phát triển trong tương lai của tỉnh. Do đó, thương hiệu có thể hỗ trợ cho việc thu hút đầu tư, kinh doanh các khu công nghiệp, các dự án khu dân cư, phát triển thành phố mới... Nó sẽ mang đến cho Bình Dương một vị thế mạnh mẽ hơn với các tỉnh lân cận, với Chính phủ và các mối quan hệ quốc tế.

Ngoài ra, tầm quan trọng về việc xây dựng và định vị thương hiệu cũng cho thấy, đây là điều cốt yếu để cân bằng giữa các tham vọng và kết quả. Hiệu ứng “Câu chuyện thành công với những bước đi nhỏ” là cần thiết để hỗ trợ cho một hành trình đầy tham vọng lâu dài. Đồng thời, chất lượng, thương hiệu và những hiệu ứng truyền thông từ nó trên các phương tiện thông tin đại chúng là rất cần thiết để đạt được một sự khởi đầu tốt cho cả quá trình hình thành thành phố thông minh. Chính vì thế, có thể một lần nữa khẳng định, việc sớm xây dựng và định vị thương hiệu thành phố thông minh Bình Dương là rất cần thiết.

 

KHÁNH VINH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên