Thanh Tuyền kỳ vọng thêm “mùa trái ngọt”

Cập nhật: 16-08-2018 | 08:34:00

 Huyện Dầu Tiếng đã có chủ trương phát triển xã Thanh Tuyền thành vùng chuyên canh cây măng cụt nhằm phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, tạo thương hiệu sản phẩm măng cụt và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Chủ trương này đang được huyện Dầu Tiếng, xã Thanh Tuyền tích cực thực hiện.

Măng cụt “mở đầu câu chuyện”

Chúng tôi đến xã Thanh Tuyền trong cơn mưa đầu tháng 8 nặng hạt. Con đường dẫn vào khu vực cầu Xuy-nô trong đã xuất hiện những vườn cây trái ven sông Sài Gòn xanh um, tràn đầy sức sống. Hiện đã là thời điểm kết thúc mùa măng cụt tại xã Thanh Tuyền nhưng dư âm của mùa vụ vẫn còn đọng lại với nhiều câu chuyện thú vị xung quanh vườn cây ăn trái nơi đây. Năm nay, tuy măng cụt Thanh Tuyền bị giảm năng suất bởi những cơn mưa “trái mùa” nhưng bù lại giá măng cụt đầu mùa có thời điểm ở mức cao, trên 70.000 đồng/kg. Người trồng măng cụt ở Thanh Tuyền càng tin tưởng vào một sự đổi đời từ đặc sản măng cụt…

Người dân xã Thanh Tuyền chăm sóc vườn măng cụt. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Theo Hội Nông dân xã Thanh Tuyền, măng cụt có mặt tại Thanh Tuyền từ hơn 20 năm trước. Ban đầu một số hộ trong xã “trồng măng cụt cầu may”, bởi lúc bấy giờ chưa ai dám chắc măng cụt lại hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất ven sông Sài Gòn này. Sau một thời gian, nhiều gia đình trong xã nhận ra cây măng cụt rất phù hợp với đất Thanh Tuyền nên mạnh dạn đầu tư trồng loại cây này. Thanh Tuyền được thiên nhiên ưu ái, đất phù sa bồi đắp phì nhiêu, ít bị lũ lụt, ngập úng; thiên thời, địa lợi, cây măng cụt cứ thế phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điều đáng mừng hơn, măng cụt Thanh Tuyền liên tục giành giải cao ở nhiều hội thi trái cây khu Đông Nam bộ trong thời gian qua. Đây chính là cơ sở để huyện Dầu Tiếng quyết tâm xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể măng cụt Thanh Tuyền và là tiền đề cho dự án Phát triển du lịch sinh thái gắn liền với cây ăn trái của xã Thanh Tuyền sớm thành công.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền, cho biết địa phương ít có lợi thế để phát triển công nghiệp, do vậy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là điều kiện để phát triển kinh tế địa phương. Hiện Thanh Tuyền có hơn 1.000 ha đất trồng lúa và cây cao su. Trong khi cây lúa cho năng suất thấp, cao su lại phập phồng với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, chính vì thế cây măng cụt được nhiều nông dân trong xã lựa chọn. Hiện diện tích cây măng cụt của xã đạt hơn 215 ha. Phần lớn diện tích măng cụt tại đây đang được sự hỗ trợ theo Quyết định 45 của UBND tỉnh về việc phát triển các vườn cây trái đặc sản trên địa bàn tỉnh.

Nếu như cách đây hơn 10 năm, xã Thanh Tuyền mới có vài hộ nông dân trồng thử nghiệm cây măng cụt thì nay đã có hơn 200 hộ tham gia. Những nông dân tiêu biểu phát triển cây măng cụt ở Thanh Tuyền có thể kể đến như các ông Nguyễn Văn Tỵ, Trần Văn Sáu, Lê Văn Mé, Nguyễn Văn Trí… với quy mô mỗi gia đình trồng từ 1 ha trở lên.

Chờ “trái ngọt” từ du lịch

 Xã Thanh Tuyền nằm ở phía Nam của huyện Dầu Tiếng, dọc theo sông Sài Gòn khoảng 12km, là tâm điểm giữa Địa đạo Củ Chi và hồ Dầu Tiếng. Ngoài ra, địa bàn xã Thanh Tuyền còn có tuyến đường bộ và đường thủy chạy song song với nhau tạo sự thuận lợi về giao thông. Đặc biệt, thiên nhiên ưu ái ban tặng cho mảnh đất này những vùng đất phù sa bồi đắp khá phì nhiêu, ít bị lũ lụt, ngập úng, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, nhất là trồng cây ăn quả. Nắm bắt lợi thế đó, huyện Dầu Tiếng đã có chủ trương phát triển xã Thanh Tuyền thành vùng chuyên canh cây măng cụt nhằm phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, tạo thương hiệu sản phẩm măng cụt và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2025, du lịch sẽ trở thành thế mạnh của vùng đất cao su bạt ngàn này. Thanh Tuyền là địa phương được chọn là một trong những điểm nhấn du lịch sinh thái rất quan trọng của huyện Dầu Tiếng, cùng với dự án phát triển du lịch sinh thái, bán hoang dã núi Cậu - Dầu Tiếng (dự án đang được Công ty TNHH Xuân Cầu triển khai với quy mô hơn 1.000 ha, vốn đầu tư gần 1. 200 tỷ đồng).

Khu du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái Thanh Tuyền chính là một trong điểm dừng chân lý tưởng của tour du lịch sông nước, sinh thái ven sông Sài Gòn - từ TX.Thuận An dọc theo sông Sài Gòn lên huyện Dầu Tiếng.

Theo lãnh đạo UBND xã Thanh Tuyền, hiện dự án phát triển du lịch sinh thái đang được địa phương tích cực triển khai. Trước mắt, huyện Dầu Tiếng đang đầu tư xây dựng 3 con đường bê tông ở khu vực cầu Xuy-nô trong dẫn vào các vườn cây ăn trái ven sông Sài Gòn. Cùng với đó, đề án Xây dựng nhãn hiệu tập thể măng cụt Thanh Tuyền đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, nhiều khả năng sẽ hoàn thành trước năm 2020. Người dân sống trong khu vực triển khai dự án đang rất háo hức, kỳ vọng dự án sẽ nâng cao mức sống người dân nơi đây

Ông Trương Văn Thương, ở ấp Lê Danh Cát, xã Thanh Tuyền, chia sẻ tuy gia đình ông có diện tích trồng cây ăn trái rất ít nhưng ông vẫn tin tưởng khi du lịch phát triển, gia đình ông sẽ có thêm cơ hội tăng thu nhập từ những dịch vụ liên quan tới du lịch. Hiện tại, huyện Dầu Tiếng đang khẩn trương cùng lúc hai nhiệm vụ: Vừa xây dựng nhãn hiệu tập thể măng cụt Thanh Tuyền, vừa xây dựng hạ tầng cơ sở xung quanh vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái. “Người dân ở khu vực này tin tưởng khi các dự án sớm hoàn thành, mọi người có thêm cơ hội cải thiện thu nhập, thay đổi bộ mặt nông thôn”, ông Thương nói.

Cơn sốt đất tại Bình Dương trong thời gian qua đã ít nhiều ảnh hưởng đến dự án Phát triển du lịch sinh thái của xã Thanh Tuyền. Một số hộ dân nằm trong dự án này cho rằng mức đền bù đất chưa thỏa đáng so với giá thị trường nên họ chưa bàn giao mặt bằng. Ông T.V.L., chủ một vườn cây ăn trái tại khu vực này, tâm tình việc làm đường bê tông dẫn vào các vườn cây ăn trái sẽ tạo điều kiện thuận lợi để du lịch nơi đây phát triển. Hiện nay, giá trị cây măng cụt ở khu vực cầu Xuy-nô trong còn bao hàm cả lợi ích về phát triển dịch vụ - du lịch trong tương lai. Theo ông L., nhiều năm qua các hộ dân ở khu vực này sẵn sàng hiến đất để làm đường, cơn “sốt đất” diễn ra trên diện rộng tại Bình Dương ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến quá trình giải tỏa đền bù tại khu vực này.

Chiến lược phát triển du lịch sinh thái của huyện Dầu Tiếng nói chung và xã Thanh Tuyền nói riêng là bước đi có tầm nhìn bao quát và nhắm đến mục tiêu đưa Thanh Tuyền trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Mục đích chiến lược này chính là giúp người dân khu vực có thêm nguồn thu nhập, giảm nghèo bền vững và tiến lên làm giàu ngay tại mảnh đất được sông Sài Gòn chắt chiu phù sa vun đắp. Để việc phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền sớm hoàn thành tiến độ, địa phương đang mong chờ sự đồng thuận và nhất trí từ số hộ dân trên địa bàn cùng hướng tới lợi ích lâu dài. 

 Dự án phát triển vùng cây ăn quả đặc sản xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2015-2018 đã từng bước hướng người dân sản xuất cây măng cụt theo đúng quy trình VietGAP, nâng cao chất lượng, bảo đảm sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, dự án đã chứng nhận được 6,6 ha măng cụt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của 9 hộ, đạt 220% so với mục tiêu dự án đề ra.

Trong thời gian tới, các hộ tham gia dự án tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ vật tư, hướng dẫn kỹ thuật để duy trì thực hiện quy trình VietGAP. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ làm cầu nối cho tổ liên kết về cơ sở thu mua sản phẩm, tổ chức mở bán măng cụt theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thanh Tuyền; hỗ trợ các hộ trồng măng cụt tham gia các hội thi trái cây ngon, giới thiệu, quảng bá sản phẩm măng cụt Thanh Tuyền...

 

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên