Thực trạng mất vệ sinh từ thức ăn đường phố: Cần những giải pháp chấn chỉnh

Cập nhật: 08-05-2012 | 00:00:00

Thức ăn đường phố (TAĐP) có mặt hầu như ở mọi ngã đường, được nhiều người sử dụng bởi sự thuận tiện của nó. TAĐP không bảo đảm vệ sinh là mối nguy đối với sức khỏe người sử dụng. Vẫn biết là thế nhưng vì cái lợi trước mắt mà nhiều người không quan tâm đến vấn đề này, TAĐP vẫn tồn tại và phát triển...

Dạo quanh các điểm bán TAĐP chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh mất vệ sinh. Có rất nhiều điểm bán hàng, từ nơi bày bán, đến nước rửa tô dĩa, giấy lau... đều tiềm ẩn những nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là chưa kể đến những mối nguy từ các loại nguyên liệu để chế biến nên món ăn ở những nơi này có nguồn gốc ở đâu, khâu chế biến có bảo đảm vệ sinh hay không mà người tiêu dùng chưa tận mắt chứng kiến. 

Nhiều loại thức ăn được bày bán ngay bên cạnh thùng đựng rác và cống rãnh thoát nước tại khu vực đường vào chợ Bình Điềm

Một số điểm bán thức ăn sáng trên đường Thích Quảng Đức, phường Phú Hòa (TX.TDM) luôn đông khách bởi món ăn khá phong phú, giá cả lại mềm. Từ bún bò, bò kho, đến bún riêu, hủ tiếu, bún thịt nướng, bánh canh, cơm tấm... đều có đủ. Mỗi tô giá chỉ từ 15.000 - 17.000 đồng. Bên cạnh những thức ăn đã nấu chín là những thức ăn sống, như thịt bò, rau sống. Trong khi đó, bàn tay thoăn thoắt của bà chủ quán hết bốc bún lại bốc thịt, rau sống cho vào tô, nhưng không hề đeo găng tay gì cả. Không biết trước đó, bà chủ đã rửa tay sạch sẽ hay chưa, nhưng nhìn cảnh chín - sống lẫn lộn như thế cũng đủ mất vệ sinh rồi. Vậy mà khách vẫn vô tư ăn vì “ở đâu bán mà chẳng thế” và “lâu nay vẫn ăn vậy nhưng có thấy gì đâu”.

Tại khu vực đầu đường vào chợ Bình Điềm, nhiều người thường bày bán mít cắt miếng, khoai lang luộc, bắp luộc, bánh cam, bánh thuẫn, trái cây... ngay bên cạnh mấy hàng cá và thùng đựng rác. Trước đó là rãnh thoát nước luôn trong tình trạng hôi tanh vì chủ yếu là nước làm cá của các hàng cá ở cạnh đó thải ra. Vậy mà người mua vẫn mua, dù đôi khi phải đưa tay lên che mũi vì mùi hôi từ dưới cống bốc lên ở một nắp cống thoát nước cũng ở ngay cạnh đó.

Cảnh tượng không lấy gì làm sạch sẽ này là chuyện thường ngày vẫn diễn ra trên nhiều tuyến đường và khu vực chợ mà ai trong chúng ta cũng có dịp bắt gặp. Tuy nhiên, TAĐP được bày bán... nhộn nhịp nhất có lẽ là trước cổng các khu công nghiệp, những nơi có đông công nhân lao động. Tại khu vực đối diện cổng vào Khu công nghiệp VSIP trên địa bàn TX.Thuận An, vào mỗi buổi sáng trước khi vào ca, công nhân lao động thường dừng xe lại đây mua vội đồ ăn sáng mà không hề quan tâm đến vấn đề vệ sinh. Nhiều món thường được người bán cho sẵn vào hộp, bịch xốp, như: bún gạo xào, bánh ướt, xôi, sữa đậu nành, đậu xanh... nhưng cũng có nhiều thứ để trần trên một cái mâm, rổ, như: bánh tiêu, khoai lang, khoai mì, bắp luộc... trong khi đó xe cộ lưu thông trên đường này liên tục. Bụi đường, khói xe cứ thế theo cơn gió tấp vào những món ăn này. Chị Trần Thị Diệu, một công nhân ở khu công nghiệp này đang mua một hộp bún gạo xào với giá 10.000 đồng, nói: “Công nhân như tụi em thường hay mua đồ ăn ở đây vừa rẻ, vừa tiện đường. Ở đây có đủ món ăn sáng, hôm nay ăn món này thì mai chọn món khác cho đỡ ngán, còn vấn đề vệ sinh thì chẳng mấy khi quan tâm”. Cũng giống như Diệu, nhiều người khác khi được hỏi mua đồ ăn ở đây có sợ mất vệ sinh hay không đều lắc đầu. Ai cũng tranh thủ “ăn cho xong” để kịp giờ làm, nên thức ăn đó có bảo đảm vệ sinh hay không thì chỉ người bán mới biết.

Theo thống kê, đối tượng bán TAĐP chủ yếu là lao động nghèo, trình độ học vấn còn thấp. Họ thường bày bán thức ăn ngay trên lòng, lề đường, thậm chí bên cạnh các cống rãnh, bãi rác, nhà vệ sinh... và người bán thường dùng tay bốc thức ăn cho khách. Đồ gói, đựng thức ăn thì đủ loại, từ giấy báo, sách vở học sinh đã qua sử dụng cho đến... lá chuối. Nguy hiểm hơn đối với người tiêu dùng là hầu hết nguồn nước sử dụng chế biến TAĐP đều không bảo đảm. Trong thời gian qua, đã có nhiều khách hàng bị ngộ độc thực phẩm khi ăn TAĐP... Điều này cho thấy, TAĐP luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại đối với sức khỏe người sử dụng. Biết là thế, nhưng vẫn còn người mua thì vẫn còn người bán và TAĐP vẫn hiện diện trong thực đơn hàng ngày của rất nhiều người.

BS. Lê Thị Kim Loan (chi cục VSATTP): Vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng đối với sức khỏe

Nhanh, tiện, rẻ là đặc điểm chính của các loại thức ăn đường phố (TAĐP). Tuy nhiên, nếu ăn phải TAĐP không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ (BS) Lê Thị Kim Loan, Chi cục VSATTP xung quanh vấn đề này...

- BS đánh giá như thế nào về việc thực hiện VSATTP tại các hàng, quán TAĐP trên địa bàn tỉnh? Trong thời gian qua, việc quản lý, kiểm tra VSATTP đối với TAĐP được thực hiện như thế nào, thưa BS?

- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26 xã, phường, thị trấn điểm về TAĐP. Trong năm 2011, công tác xây dựng mô hình điểm về TAĐP đã được triển khai đồng bộ tại 26 xã, phường, thị trấn trọng điểm này. Cụ thể, việc ký cam kết thực hiện ATTP với chính quyền địa phương đạt 100% (7.703/7.703 cơ sở); đối tượng trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm được tập huấn kiến thức về VSATTP đạt 90% (7.996/8.884 người); đối tượng trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm được khám sức khỏe định kỳ hàng năm đạt 80% (7.107/8.884 người).

Đối với mô hình TAĐP nhỏ lẻ, không cố định, kinh doanh tự phát, điều kiện kinh tế khó khăn... được giao cho chính quyền địa phương cấp xã, phường quản lý. Biện pháp chủ yếu trong việc thực hiện VSATTP cho đối tượng này là tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức: tập huấn, truyền thanh, phát tờ rơi, kiểm tra, giám sát... Đặc biệt, việc ký cam kết thực hiện ATTP đã tác động tích cực đến việc thay đổi nhận thức chấp hành quy định về VSATTP của nhóm đối tượng kinh doanh TAĐP. Việc tổ chức khám sức khỏe, tuyên truyền, tập huấn miễn phí của một số địa phương cũng là một biện pháp tích cực nhằm nâng cao sự hiểu biết, ý thức chấp hành về VSATTP của người kinh doanh TAĐP. 

- Việc phát triển các loại hình TAĐP là một nhu cầu tất yếu của xã hội bởi sự thuận tiện đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, TAĐP luôn tiềm ẩn những mối nguy tới sức khỏe người sử dụng. Vậy, theo BS, những mối nguy đó là gì?

- Người sử dụng TAĐP có thể gặp những mối nguy về vệ sinh từ nhiều nguồn khác nhau, như: từ nguyên liệu tươi sống, từ nước và nước đá, từ chế biến và xử lý, từ vận chuyển, bảo quản thực phẩm đã chế biến, từ nơi bán hàng, trang thiết bị và dụng cụ nấu nướng, từ người chế biến, bán hàng, từ điểm bán hàng TAĐP, từ phòng ăn uống, từ xử lý chất thải và kiểm soát trung gian truyền bệnh...

- Người tiêu dùng sử dụng TAĐP nếu không bảo đảm VSATTP, thường gặp phải những bệnh gì, thưa BS? BS có cảnh báo gì đối với người tiêu dùng về vấn đề này không?

- Một trong những mục tiêu bảo đảm VSATTP là kiểm soát ô nhiễm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do vi sinh, hóa chất, vật lý và bệnh lây truyền qua thực phẩm, như: tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, thương hàn, tiêu chảy, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, viêm gan siêu vi A, E...

Người tiêu dùng thông thái là người biết mua, ăn uống cái gì và ở đâu. Người tiêu dùng biết thế nào là thực phẩm vệ sinh an toàn và thực phẩm không vệ sinh an toàn để quyết định mua, ăn uống ở quán nào. Thế nên, cần tổ chức giáo dục ở trường học về VSATTP. Người nội trợ cũng cần được quan tâm giáo dục, tuyên truyền về ATTP. VSATTP giữ vị trí rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Thực hiện VSATTP là trách nhiệm của chúng ta, thực hiện 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm là món quà quý báu mà người nội trợ dành cho những người thân yêu trong gia đình và những người cùng thưởng thức các món ăn mình vừa chế biến, góp phần nâng cao sức lao động, phòng chống bệnh tật và đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mỗi gia đình.

- Xin cảm ơn BS!

HỒNG THUẬN (thực hiện)

 

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên