Bảo đảm an toàn hệ thống công trình hồ thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa

Cập nhật: 17-09-2016 | 06:50:00

Thời gian qua, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa phối hợp với các ngành, địa phương liên quan đã chủ động vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn công trình hồ chứa cũng như công tác phòng chống lụt lụt bão trong khu vực.

Bảo đảm vận hành an toàn hệ thống công trình hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa có tầm quan trọng đối với vùng hạ du. Trong ảnh: Đập xả lũ công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa. Ảnh: Q.NHIÊN

Bảo đảm an toàn tuyệt đối

Công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa có lưu vực hồ rộng rộng 2.700km2 và là hệ thống thủy nông có quy mô lớn nhất cả nước. Nhiệm vụ chính của công trình là cung cấp nguồn nước cho các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, chống xâm nhập mặn cho hạ du sông Sài Gòn và sông Vàng Cỏ Đông thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và Long An.

Theo kế hoạch phát triển và nhiệm vụ cấp nước của hồ cho các tỉnh, hàng năm hồ Dầu Tiếng được bổ sung nước từ sông Bé bằng công trình thủy lợi Phước Hòa với lưu lượng bổ sung là 50m3/giây. Hàng năm, công trình đẩy mặn phục vụ nước sinh hoạt vào mùa khô, cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt và công nghiệp trong vùng khoảng 100 triệu m3 nước. Riêng trong 8 tháng qua, hồ Dầu Tiếng đã tiến hành xả nước đẩy mặn 9 đợt với tổng lượng nước hơn 130 triệu m3. Công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa thường xuyên cấp 73,8m3/giây nước sinh hoạt và xả nước tưới trực tiếp cho 86.049 ha, tạo nguồn tưới cho gần 25.000 ha cây trồng. Qua đó góp phần cắt lũ, điều tiết lũ và làm giảm thiệt hại các cơn lũ trong mùa mưa đối với vùng hạ du.

Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù Bình Dương không thuộc vùng được hưởng lợi trong quá trình đưa vào sử dụng và khai thác công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa nhưng lại thuộc vùng hạ du. Do đó, bảo đảm an toàn cho công trình này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác điều tiết lũ, đồng thời bảo đảm mục tiêu tích nước, tiêu phòng và cắt lũ cho tỉnh.

Hiện nay, công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa vẫn bảo đảm an toàn khi hồ tích nước đến cao trình thiết kế +24,4m. Các hạng mục công trình đầu mối hồ chứa nước Dầu Tiếng gồm hồ chứa, đập chính, đập phụ, đập tràn, cống dẫn dòng... tương đối ổn định và hoạt động bình thường; các máy móc, thiết bị vận hành tràn xả lũ bảo đảm vận hành an toàn. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra hiện trạng công trình trước mùa mưa lũ năm 2016, để bảo đảm vận hành an toàn công trình trong mùa mưa lũ, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã tiến hành sửa chữa một số hạng mục công trình kênh dẫn nước từ Phước Hòa sang hồ Dầu Tiếng; trải sỏi đỏ một số đoạn mặt đường bờ kênh chính Đông, chính Tây; cùng với đó sửa chữa các máy móc, thiết bị cơ khí tràn xả lũ...

Gần đây nhất, công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã được đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống quan trắc mưa tự động để phục vụ cho việc tính toán dòng chảy về hồ. Hệ thống này bước đầu đã mang lại một số kết quả tốt phục vụ cho việc vận hành. Theo kế hoạch, trong năm nay hệ thống sẽ được tăng cường lên 8 trạm. Điều này sẽ giúp cho việc dự báo lũ về hồ đáp ứng được nhiệm vụ phòng chống thiên tai và công tác vận hành hồ chứa, nâng cao độ chính xác trong việc tính toán, kiểm soát dòng chảy về hồ...

Chủ động ứng phó với thiên tai

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ cho biết, hiện trạng kỳ El Nino kéo dài và mạnh nhất kể từ năm 1950 đã chính thức kết thúc. Trong những tháng cuối năm 2016, trạng thái khí quyển - đại dương toàn cầu ở trạng thái trung tính (không El Nino, cũng không La Nina). Các quan trắc về nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương cho thấy bề mặt đại dương đã liên tiếp lạnh đi kể từ những tháng đầu năm 2016. Hệ quả của quá trình chuyển pha trung tính (ENSO) đối với chế độ thời tiết, khí hậu nước ta trong những tháng cuối năm 2016 đó là khả năng bão, áp thấp nhiệt đới sẽ kết thúc muộn, gió mùa đông - bắc hoạt động sớm, mưa lũ lớn xuất hiện với tần suất cao hơn năm 2015.

Theo ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, để ứng phó với những tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa lũ năm 2016, cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã chuẩn bị nhân lực, vật tư, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang xây dựng các phương án và có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo những tình huống đặt ra trong công tác PCTT&TKCN. Bên cạnh đó, công ty còn thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến mưa lũ trong khu vực hồ; làm tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” (nhân lực tại chỗ, vật tư thiết bị tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ).

Về công tác bảo vệ an toàn công trình, trong năm 2016, Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã tăng cường lực lượng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để làm tốt công tác bảo vệ công trình. Trong đó, chú trọng phân chia lực lượng bảo vệ các công trình đầu mối và vùng lòng hồ Dầu Tiếng; bảo vệ hệ thống các kênh chính Đông và chính Tây, kênh dẫn Phước Hòa và Dầu Tiếng; luôn túc trực 24/24 để bảo đảm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm như phá bờ kênh, lấy cắp thiết bị cơ khí, xả chất thải vào lòng hồ...

Để bảo đảm an toàn công trình và giảm nhẹ thiệt hại trong việc điều tiết, vận hành, xả lũ từ công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa trong mùa mưa lũ năm 2016, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra, kịp thời sửa chữa các công trình hư hỏng; triển khai kế hoạch sẵn sàng trong tình huống khẩn cấp và phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trong việc điều tiết, vận hành, xả lũ từ hồ Dầu Tiếng. Đồng thời, các ban, ngành, địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, từng bước đầu tư, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn nhằm bảo đảm chủ động ứng phó trong mọi tình huống.

QUỲNH NHIÊN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=488
Quay lên trên