Bệnh bạch hầu: Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất 

Cập nhật: 19-07-2016 | 09:25:53

Mới đây, tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã xuất hiện ổ dịch bệnh bạch hầu làm 3 người tử vong. Là địa phương giáp ranh với tỉnh Bình Dương, trước tình hình diễn biến dịch tại tỉnh Bình Phước, việc phòng chống bệnh bạch hầu cũng được ngành y tế Bình Dương đặc biệt quan tâm…

Tiêm vắc xin tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh

Bình Phước: Nỗ lực không để dịch lây lan

Ngày 22-6-2016, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi và ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú. Trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh bạch hầu tại đây nhận được sự quan tâm của ngành y tế bởi diễn biến dịch bệnh khá phức tạp. Đặc biệt là sau khi ghi nhận 3 ca tử vong liên quan đến bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đến ngày 15-7, tỉnh Bình Phước đã có quyết định công bố dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện Đồng Phú. Công tác khoanh vùng phòng chống dịch bệnh bạch hầu được Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh và ngành y tế tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện khẩn trương.

Ông Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết, tính từ ngày 22-6-2016 đến trưa 18-7, tại tỉnh Bình Phước đã có 60 ca mắc và nghi mắc bệnh bạch hầu; trong đó có 4 ca có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu (có 3 ca đã tử vong). Ngoài các bệnh nhân tại 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú, bệnh bạch hầu đã lây lan sang 1 bệnh nhi 4 tuổi tại xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú. Đến nay, đã có 6 bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu được xuất viện, 51 người mắc bệnh còn lại đang điều trị tại các trạm y tếxã, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, Bệnh viện Binh đoàn 16 và 3 ca đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới, TP.Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Bình Phước ngày 18-7, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pastuer TP.Hồ Chí Minh khẳng định, phòng chống dịch là phải quyết liệt. Đến nay, bệnh đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước được 26 ngày. Do đó, để phòng chống dịch hiệu quả, ngành y tế Bình Phước phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt hơn nữa, triệt để càng sớm thì mới ngăn chặn được dịch bệnh. Ông Lân lưu ý, bệnh bạch hầu diễn biến khôn lường, do đó, trong quá trình phòng chống dịch cần hết sức bình tĩnh, tuyệt đối không để bệnh nhân nằm ngoài hành lang. Trường hợp nếu bệnh nhân quá tải, phải điều phối bệnh nhân đến các cơ sở khác để theo dõi, điều trị. Đối với việc chuyển viện cho bệnh nhân liên quan đến bệnh bạch hầu, nên sử dụng xe cứu thương nhằm bảo đảm không lây nhiễm ra bên ngoài.

Bình Dương: Chủ động phòng chống

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên và thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng. Người bị bệnh thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Trường hợp nặng, bệnh có thể gây biến chứng và tử vong.

Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bình Phước, ngành y tế Bình Dương cũng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trước khi dịch bệnh xảy ra ở tỉnh Bình Phước, Sở Y tế Bình Dương cũng đã chỉ đạo các đơn vị y tế liên quan trên địa bàn tăng cường hệ thống giám sát dịch cũng như thông tin truyền thông về phòng chống bệnh bạch hầu. Biện pháp hữu hiệu nhất nhằm phòng chống bệnh bạch hầu tiêm chủng, do đó việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng cũng được ngành đặc biệt chú ý. Bác sĩ Hà cho biết thêm, trong ngày 18- 7, Sở Y tế đã có văn bản khẩn chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường phòng chống bệnh bạch hầu. Theo đó, để chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu bùng phát và lan truyền trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, đặc biệt là các đối tượng thường xuyên qua lại làm ăn, du lịch giữa 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc và người lành mang trùng, đặc biệt là tại các địa phương giáp ranh với tỉnh Bình Phước như huyện: Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bàu Bàng. Nếu nghi ngờ có dịch xảy ra, tiến hành ngay các biện pháp xử lý ổ dịch một cách triệt để. Tổ chức tốt việc thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc và tử vong. Các đơn vị cũng cần chủ động sử dụng kháng sinh dự phòng cho các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân trong khu vực ổ dịch.

 

 HỒNG THUẬN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên