Cần sớm được hỗ trợ về vốn để vượt qua khó khăn

Cập nhật: 12-03-2012 | 00:00:00

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, tình trạng lạm phát tăng cao, lãi suất ngân hàng (NH) tăng cùng với việc khó tiếp cận nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang rơi vào khó khăn. Với quy mô hạn chế, lại gặp “bão giá”, lạm phát nên hầu hết các DNNVV đều rơi vào tình trạng “đói vốn”! Ngoài một số DN đang cố cầm cự chờ thời cơ, nhiều DN phải tuyên bố “rút lui” vì không trả nỗi lãi vay ngân hàng!  Hầu hết các DNNVV đều “đói vốn” vì phải đương đầu quá lâu với những thách thức từ phía thị trường. Trong ảnh: Chủ một DN sơn mài đang đau đầu với bài toán đầu ra của sản phẩm

Nhiều DNNVV “đói” vốn...

Theo báo cáo về thực trạng của DNNVV, tính đến thời điểm cuối năm 2010, toàn tỉnh có 1.712 DNNVV vay vốn với tổng số dư nợ tín dụng là 8.029 tỷ đồng, chiếm 17% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn. Như vậy, chỉ có 15,3% trên tổng số DNNVV tiếp cận được nguồn vốn vay. Ông Huỳnh Văn Nút, Chủ DN tư nhân Mười Nút ở xã Tương Bình Hiệp, TX.Thủ Dầu Một, cho biết: “DN chúng tôi làm sơn mài. Các đối tác chỉ ứng trước 30% hợp đồng. Nếu là hợp đồng xuất khẩu thì chỉ ứng được 20% và phải mất thêm 60 ngày sau khi giao hàng mới được thanh toán hợp đồng. Trong khi đó, các khoản nguyên liệu, lao động đều bị yêu cầu trả trước hoặc trả trong tháng. Chính vì vậy mà chúng tôi luôn thiếu vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Em, chủ DNTN TM&DV Phúc Lộc Anh, cho biết: “Tôi thế chấp GCN QSDĐ của gia đình và mượn cả sổ đất của cha mẹ để vay gần 1 tỷ đồng đầu tư làm dịch vụ san lấp mặt bằng phục vụ các công trình xây dựng. Mấy năm nay thị trường địa ốc đóng băng, các công trình xây dựng cũng “án binh bất động”, thiếu việc làm nhưng lãi suất NH cứ phải trả. Điều đáng nói là lãi suất NH liên tục tăng, mấy năm trước mức trả lãi NH chỉ vào khoảng 7 - 8 triệu đồng, còn giờ đây phải trả gấp đôi. Với tình hình này, tôi lo không biết DN còn cầm cự được bao lâu”...

Theo ông Mai Hữu Tín, đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I, các DNNVV là khu vực tạo việc làm lớn nhất nhưng phải chịu quá nhiều khó khăn nhất. Đa số các DNNVV hiện đang trong tình trạng sống dở, chết dở. Nếu không có thêm các biện pháp hỗ trợ tích cực hơn, không giảm được lãi suất tiền vay xuống dưới 15%/năm và lạm phát xuống dưới 10%/năm thì phần lớn DNNVV sẽ không còn tồn tại và hậu quả là cực kỳ nghiêm trọng đối với xã hội.

Cần sự hỗ trợ để vượt khó

Do DNNVV có vai trò quan trọng như vậy nên nhiều quốc gia đã chú trọng công tác khuyến khích loại hình DN này phát triển với các hỗ trợ mang tính thể chế nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ bồi dưỡng năng lực DN và đặc biệt là những hỗ trợ về tín dụng. Tại Việt Nam, năm 2010 Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết sách hỗ trợ các DNNVV, đặc biệt là về vốn như tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính DNNVV. Chính phủ chỉ đạo NHNN tiếp tục thực hiện các biện pháp điều chỉnh chính sách tiền tệ để kiểm soát hoạt động tín dụng, theo hướng tập trung phục vụ các nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, DNNVV...

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng đề án thành lập Quỹ phát triển DNNVV trình Thủ tướng. Tháng 4-2011, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có quyết sách về việc gia hạn nộp thuế thu nhập của DNNVV nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. Theo đó, DNNVV được gia hạn nộp thuế trong thời gian 1 năm, kể từ ngày đến thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế đối với số thuế TNDN phải nộp năm 2011.

Riêng tại Bình Dương, để giúp các DNNVV phát triển bền vững, lãnh đạo tỉnh cũng đã đề ra các giải pháp hỗ trợ DNNVV hướng vào mục tiêu là tạo môi trường thuận lợi cho DNNVV thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng; tăng cường năng lực cạnh tranh nhằm huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; nâng cao vai trò của các DNNVV trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Trong số các giải pháp nói trên, giải pháp giúp các DNNVV giảm mối lo lâu nay là chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn phù hợp với điều kiện của mỗi DN.

Như vậy là sau một thời gian khá dài “tự bơi”, thiếu vắng vai trò hỗ trợ từ chính sách Nhà nước, DNNVV đang kỳ vọng vào các chính sách của Chính phủ, kế hoạch hỗ trợ của tỉnh. Hầu hết các DNNVV đang mong những chính sách, kế hoạch này nhanh chóng được triển khai để tiếp sức giúp họ vượt qua khó khăn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến 2010, toàn tỉnh có 11.158 DNNVV, chiếm 96,3% số DN đăng ký thành lập. Với tính đa dạng về ngành nghề và loại hình, khu vực DNNVV đóng góp khoảng 52% tổng sản phẩm của tỉnh, giải quyết gần 20.000 lao động/năm, nộp ngân sách Nhà nước 3.338 tỷ đồng, bằng 16,3% tổng thu ngân sách của tỉnh.

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=207
Quay lên trên