Đào tạo nghề cho lao động nông thôn xã nông thôn mới: Cần sát hơn với thực tế của từng địa phương

Cập nhật: 12-03-2012 | 00:00:00

Lao động nông thôn (LĐNT) có vai trò quan trọng trong việc tạo ra động lực cho sự phát triển của xã nông thôn mới (NTM). Việc nguồn thu nhập trung bình của xã NTM được nâng cao hay không có sự đóng góp quan trọng của lực lượng này. Tuy nhiên, để có thể đào tạo LĐNT đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều địa phương vẫn đang lúng túng vì chưa có lối đi hợp lý. Các ngành nghề đào tạo cần sát hơn với nhu cầu thực tế của từng địa phương

Nhu cầu nhiều

Nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, nhưng giá trị của ngành nông nghiệp vẫn tăng lên qua từng năm, trong năm 2011 là hơn 2.800 tỷ đồng. Do vậy, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Ngược lại, cư dân nông thôn lại chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu dân số của tỉnh (trên 60%), vì vậy vấn đề giải quyết việc làm và đào tạo cho LĐNT vẫn đang là vấn đề bức thiết. Trong tiến trình xây dựng NTM của tỉnh, việc đào tạo nghề cho LĐNT càng trở nên quan trọng hơn vì phải thực hiện theo đúng tiêu chí là trên 40% LĐNT qua đào tạo tại xã NTM và quan trọng hơn là đào tạo nguồn lao động có tay nghề để nâng cao thu nhập tại xã NTM.

Thời gian qua các cấp, các ngành tỉnh Bình Dương đã có nhiều cố gắng trong việc đào tạo nghề cho LĐNT. Một trong những đơn vị thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT thường xuyên trong thời gian qua là Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh. Theo đó, trung tâm đã tổ chức các lớp đào tạo nghề hiệu quả và đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu, học nghề của nông dân. Trong năm 2011, Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ hỗ trợ nông dân đã mở 15 lớp dạy nghề ngắn hạn với gần 900 hội viên nông dân tham gia lớp học; trong đó có 8 lớp kỹ thuật khai thác mủ cao su và các lớp phù hợp với nông nghiệp đô thị như lớp sinh vật cảnh, kỹ thuật trồng các loại nấm và rau mầm, thiết kế sân vườn... Các lớp đào tạo nghề này đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong việc nâng cao trình độ và giải quyết công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi của địa phương. Nhiều cá nhân sau khi học đã mạnh dạn đầu tư vốn mở các mô hình kinh tế hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào số lượng học viên đào tạo nghề trong năm qua chúng ta sẽ thấy còn rất hạn chế so với nhu cầu của nông dân. Hiện nay tại một số địa phương, nhất là tại các vùng trồng cao su, sau khi mùa khai thác mủ cao su 2011 kết thúc và chuẩn bị cho mùa khai thác mới thì tỷ lệ lao động nhàn rỗi tại nông thôn lại tăng lên rất lớn. Với thời gian nghỉ khai thác hơn 4 tháng, việc tìm một công việc để tiếp tục có thu nhập của nhiều người làm cao su, nhất là với những người cạo mướn là hết sức khó khăn. “Hết mùa cạo tụi em muốn tìm một công việc thời vụ để có thêm thu nhập nhưng rất khó vì không biết nghề nào khác ngoài cạo mủ cao su”, anh Nguyễn Văn Sơn, một thợ cạo mủ cao su ngụ xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên bộc bạch.

Cần thiết thực hơn

Công tác đào tạo nghề cho LĐNT mặc dù đã có nhiều thay đổi và hiệu quả cũng cao hơn. Tuy nhiên, để có thể thực hiện theo đúng tiêu chí của xã NTM là trên 40% LĐNT được đào tạo nghề và nhằm nâng cao thu nhập cho cư dân tại xã NTM thì đòi hỏi công tác này cần phải được nâng cao và có chiến lược lâu dài. Theo khảo sát chung thì tại các xã được chọn để xây dựng NTM, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm khá cao. Trong khi đó, công tác đào tạo nghề cho LĐNT mới hiện chỉ dừng lại ở mức đào tạo ngắn hạn và theo nhu cầu của từng địa phương nên chưa có tính ổn định lâu dài.

Một yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo nghề cho nông dân trong thời gian qua là trình độ dân trí tại nông thôn còn thấp nên việc tiếp thu kiến thức về các mô hình sản xuất mới, đòi hỏi kỹ thuật cao, như trồng nấm, trồng và chăm sóc cây cảnh... có phần hạn chế. Việc tập hợp các lớp học và chọn địa điểm đào tạo cũng rất khó khăn, nhất là với những nông dân vùng sâu, vùng xa khi tham gia các lớp học này. Một số nông dân khi tham gia lớp học trở về địa phương cũng đã cố gắng xây dựng mô hình đã học, nhưng sau một thời gian thì không thể tiếp tục duy trì mô hình, gây lãng phí tiền bạc và công sức. Điển hình là một số hộ nông dân tham gia học lớp trồng nấm tại huyện Phú Giáo. Thời gian đầu khi học xong về xây dựng mô hình nhiều người đã tỏ ra rất phấn khởi vì nấm bán được giá nên có thu nhập cao. Sau một thời gian ngắn, nấm mất giá, chi phí sản xuất tăng khiến nhiều người không thể trụ được với nghề. Hiện nay số người tham gia lớp học có thể duy trì được mô hình trên địa bàn huyện Phú Giáo chỉ còn đếm trên đầu ngón tay!

Ông Trần Công Quang, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo, cho biết mặc dù các cấp, các ngành và UBND xã rất chú trọng đến việc đào tạo nghề cho LĐNT, đặc biệt là với đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, một số học viên khi học xong không thể xây dựng được mô hình do thiếu vốn sản xuất, số khác thì không thể tự kiếm được việc làm. Vì vậy, trong thời gian tới công tác đào tạo nghề cho lao động tại xã NTM cần chú ý hơn đến vấn đề lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp với khả năng của nông dân và tình hình thực tế tại các địa phương.

Có thể thấy các ngành nghề mà một số nông dân tham gia trên địa bàn tỉnh là chưa thật sự bền vững, lao động trong một số lĩnh vực đa số vẫn là lao động phổ thông. Trong khi đó các nguồn lực tham gia hỗ trợ nghề cho lao động còn ít, chủ yếu là dựa vào nguồn lực của Nhà nước. Vì vậy, để có thể thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT theo tiêu chí tại các xã NTM cần phải có chiến lược lâu dài và thiết thực cho người nông dân. Vì thực tế cho thấy tâm lý sản xuất của nhiều nông dân trong thời gian qua là chạy theo phong trào, cứ thấy ngành nghề nào hiệu quả trước mắt thì nông dân bỏ công sức đầu tư, sau một thời gian ngắn các mô hình này bão hòa, không thấy có lãi thì họ lại bỏ mô hình. Mặt khác, muốn công tác đào tạo nghề có hiệu quả thiết thực trong thực tế ngoài việc đào tạo nghề, cần có các chính sách hỗ trợ đi kèm để nông dân có thể hình thành và duy trì mô hình. Các ngành nghề đào tạo cần thiết thực hơn với nhu cầu thực tế tại các địa phương và có tính ổn định lâu dài để nông dân có thể vận dụng một cách có hiệu quả cao nhất vào sản xuất.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, qua 2 năm thực hiện (2010-2011), Bình Dương đã mở 110 lớp dạy nghề cho LĐNT với 2.843 người lao động. Các LĐNT chủ yếu đăng ký học các ngành nghề như kỹ thuật trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su; cắt uốn tóc; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh; lái xe nâng hàng; sửa chữa máy vi tính; nấu ăn đãi tiệc; kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi thú y... trong đó, lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80%.

ĐÀ BÌNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=289
Quay lên trên