Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết đúng cách tại nhà

Cập nhật: 04-08-2012 | 00:00:00

Trong 6 tháng đầu năm 2012, tình hình mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) diễn biến khá phức tạp. Theo báo cáo từ cơ quan thống kê, trong nửa đầu năm nay, cả nước ghi nhận khoảng 23.200 trường hợp mắc bệnh SXH, trong đó có 11 trường hợp tử vong phần lớn là trẻ em.

SXH hiện được xem là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người, trong đó trẻ em mắc bệnh SXH chiếm khoảng 70%. Trẻ em tử vong do bệnh SXH vẫn còn rất cao, nhất là những trường hợp trẻ mắc SXH Dengue nặng. Để cải thiện đáng kể tình trạng tử vong do bệnh SXH, việc chăm sóc đúng cách trẻ mắc bệnh SXH tại nhà cần phải được chú trọng vì cho đến thời điểm hiện nay SXH chưa có thuốc đặc trị và vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa.

Sau đây là những tham vấn của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) về cách chăm sóc trẻ SXH tại nhà.

Khi nào thì chăm sóc tại nhà?

Người lớn hoặc trẻ em nếu được chẩn đoán là bị SXH Dengue (phân độ 1), hầu hết đều được bác sĩ chỉ định theo dõi và chăm sóc tại nhà, ngoại trừ những trường hợp sau đây: Người mắc bệnh SXH là phụ nữ đang mang thai; Trẻ mắc bệnh SXH là trẻ nhũ nhi (trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi); SXH Dengue ở người cao tuổi đang mắc các bệnh mạn tính như hô hấp, tim mạch, cao huyết áp, suy tim, suyễn...; Người mắc bệnh SXH sống neo đơn hoặc ở quá xa các cơ sở y tế.

Tất cả 4 nhóm đối tượng trên mặc dù chỉ bị SXH Dengue, bệnh nhân vẫn được khuyến cáo cho nhập viện để theo dõi vì sự an toàn cho người bệnh.

Chăm sóc đúng cách

 Chăm sóc đúng cách trẻ mắc bệnh SXH tại nhà cần tuân thủ 4 nguyên tắc sau đây:

1. Hạ sốt đúng cách cho trẻ: Cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol loại đơn chất với liều 10 - 15mg/kg cân nặng, 4 - 6 giờ một lần. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật cho trẻ.

2. Bảo đảm việc bù nước và chế độ dinh dưỡng cho trẻ bao gồm: Cho trẻ uống nhiều nước bằng nhiều loại nước uống khác nhau như nước lọc, nước sôi nguội, nước cam, nước chanh, nước dừa tươi, nước canh, nước cháo... và khuyến cáo trẻ nên uống nước oresol (nước biển khô). Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa... kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp trẻ mau lành bệnh. Tái khám mỗi ngày theo hẹn của bác sĩ.

3. Phát hiện sớm dấu hiệu bệnh trở nặng để cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời. Phải theo dõi sát vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh SXH là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6), trẻ có thể trở nặng và sốc dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.

Các dấu hiệu trở nặng của bệnh SXH cần chú ý: Trẻ ói mửa nhiều; đau bụng. Bứt rứt; quấy khóc; lừ đừ; li bì; tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi. Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói máu, đi tiêu phân đen.

4. Tuyệt đối tránh những tác động không tốt sau đây: Không nên cạo gió, cắt lể vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ. Không tự ý cho trẻ uống thuốc Aspirine hoặc Ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày. Không cho trẻ uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như coca, pepsi, xá xị... vì có thể gây nhầm lầm với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ. Không cho trẻ SXH truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện, vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh trở nặng và kéo dài, dễ gây phù nề, suy tim nặng... khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ cho chữa trị.

NGUYỄN NGỌC (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên