Chung dãy Trường Sơn - Bài 2

Cập nhật: 02-09-2017 | 09:15:21

Bài 2: Một lần đến Champasak

Chúng tôi đặt chân đến trung tâm tỉnh Champasak khi nắng chiều đã thấp thoáng trên dòng Mekong. Dòng sông hùng vĩ bắt nguồn từ Tây Tạng này khi đến Champasak uốn dòng như muốn quấn quýt với vùng đất xinh đẹp này trước khi xuôi về hạ lưu. Ngay tại nơi dòng sông uốn lượn ấy là thành phố Pakse - thủ phủ của tỉnh Champasak và là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa của 4 tỉnh Nam Lào.

 Thành phố Pakse, tỉnh Champasak Lào với những trung tâm thương mại do doanh nhân người Việt xây dựng. Ảnh: Q.C

 Tuyến đường bộ từ cửa khẩu Hoa Lư, tỉnh Bình Phước ngang qua nước bạn Campuchia đến Champasak dù không rộng song nhờ ít phương tiện lưu thông nên xe chúng tôi có thể chạy khá nhanh, có khi lên đến 100km/ giờ. Giao thông khá thuận lợi vì thế chúng tôi đã đến Champasak sớm hơn dự định khoảng 2 giờ đồng hồ. Anh Minh Dũng, hiện công tác tại Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào nói, trước đây muốn sang Champasak phải đi lên Tây nguyên, qua cửa khẩu Bờ Y rồi sau đó mới ngược xuống. Còn bây giờ việc đi lại giữa Bình Dương và Champasak đã gần hơn và dễ đi hơn rất nhiều.

Champasak là một tỉnh lớn nằm ở vị trí trọng yếu trên điểm giao của hành lang Đông - Tây, giáp biên giới với Thái Lan và Campuchia. Các tỉnh lân cận với Champasak về phía bắc là Salavan, Sekong và Attapư cùng các tỉnh của Campuchia về phía nam là Stung Treng và Preah Vihear, về phía tây là tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan. Chính lợi thế địa lý này đã tạo cho Champasak một vị trí chiến lược về kinh tế, là đầu mối giao thông từ Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Champasak được xem là trung tâm kinh tế văn hóa của 4 tỉnh Nam Lào. Champasak không chỉ được biết đến bởi những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Đền Wat Phou, thác Khone Pha pheng - thác nước lớn nhất Đông Nam Á hay các đền đài cổ mang đậm màu sắc kiến trúc Angkor… mà đây còn là nơi có tài nguyên phong phú, đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Champasak cũng là địa phương đã ký kết biên bản thỏa thuận về phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác đầu tư với tỉnh Bình Dương của Việt Nam vào năm 2006.

Champasak là một trong những tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của nước bạn Lào với thành phố Pakse là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật của 4 tỉnh Nam Lào. Từ trung tâm thành phố, qua cầu Hữu nghị Lào - Nhật trên sông Mekong, chỉ mất khoảng 40km là đã đến Thái Lan. Cũng với khoảng cách 40km, du khách có thể đến thăm Đền Wat Phou, một ngôi đền cổ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2001. Bên cạnh đường bộ, Pakse cũng có đường hàng không tạo thuận lợi cho du khách khi đến với thành phố thơ mộng này. Trong những năm qua, thành phố này đã đón hàng triệu lượt khách du lịch từ Việt Nam.

Một trong những điểm hút khách du lịch khi đến với Pakse đó là được đi tham quan chợ và trung tâm thương mại của thành phố. Điều gây ấn tượng đầu tiên đối với du khách là lượng hàng hóa ở đây rất phong phú, đa dạng đến từ nhiều nước, trong đó có cả hàng hóa từ Việt Nam. Những tiểu thương ở đây cũng đa dạng, trong đó có người từ Sài Gòn hoặc các tỉnh miền Tây và một số tỉnh miền Trung, Tây nguyên sang kinh doanh, buôn bán.

Chúng tôi ghé quán bún bò Huế ở ngay cổng vào chợ Pakse để vừa thưởng thức món ăn quê nhà nơi xứ người và hỏi thăm tình hình buôn bán của bà con người Việt ở đây. Anh Nguyễn Xuân Bình, chủ quán bún cho biết, anh sang Lào đã hơn 10 năm. Trước đây anh ở Salavan nhưng sau này nghe nhiều người nói Pakse dễ làm ăn hơn nên anh đã chuyển xuống tìm cơ hội và rồi anh định cư đến tận hôm nay. “Ở đây dân đông nhưng hiền hòa, dễ gần. Ngoài ra, người Việt sang làm ăn cũng nhiều nên buôn bán thuận lợi; mức thuế ở đây cũng khá thấp nên nếu chăm chỉ cũng dành dụm được tiền gửi về quê…”, anh Bình tâm sự. Anh Bình nói, điều đáng quý là bà con tiểu thương nói riêng và cộng đồng người Việt ở đây rất đoàn kết, thương yêu, gắn bó, giúp đỡ nhau nhất là những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Trong chuyến thăm tỉnh Champasak, chúng tôi được anh Thanh, quê ở Tây Ninh, một trong những người đã gắn bó với nước bạn Lào từ rất lâu đã tình nguyện giúp chúng tôi khám phá miền đất xinh đẹp, quyến rũ này. Anh Thanh thỉnh thoảng vẫn tổ chức các tour du lịch cho khách Việt Nam trong tuyến Bình Dương- Stungtreng (Campuchia) - Pakse (Champasak) - Ubon Ratchathani (Thái Lan).

Theo lời anh Thanh, Champasak nói chung và Pakse nói riêng những năm qua đã thay đổi rất nhiều từ cơ sở hạ tầng, đến đời sống của người dân. Điều đó càng dễ nhận ra khi đến với thành phố Pakse - thủ phủ của tỉnh Champasak. “Với lợi thế về đất đai, khí hậu, tiềm năng về du lịch, chắc chắn vùng đất này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn…”, anh Thanh quả quyết (Còn tiếp).

 Champasak là một tỉnh lớn nằm ở vị trí trọng yếu trên điểm giao của hành lang Đông - Tây, giáp biên giới với Thái Lan và Campuchia. Các tỉnh lân cận với Champasak về phía bắc là Salavan, Sekong và Attapư cùng các tỉnh của Campuchia về phía nam là Stung Treng và Preah Vihear, về phía tây là tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan. Chính lợi thế địa lý này đã tạo cho Champasak một vị trí chiến lược về kinh tế, là đầu mối giao thông từ Thái Lan, Campuchia  và Việt Nam.

 TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1672
Quay lên trên