Chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp: Tập trung cho các xã xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 06-03-2013 | 00:00:00

Việc chuyển giao KHKT cho nông dân trong thời gian qua đã được ngành chức năng chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Chỉ tính riêng trong năm 2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phối hợp với các địa phương triển khai 58 điểm nghiên cứu đồng ruộng, 143 lớp tập huấn, 8 hội nghị chuyên đề và các cuộc hội đàm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cây trồng; sản xuất theo hướng VietGAP; kỹ thuật chăn nuôi; biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại… Các chương trình hoạt động này đã thu hút được trên 6.200 lượt người tham dự. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đã triển khai được 257 mô hình trình diễn về khuyến nông, khuyến ngư trên các loại cây trồng vật nuôi như cây cảnh, cá kiểng và một số loài thủy sản.  

 Các dự án nông nghiệp công nghệ cao phát triển sẽ góp phần chuyển giao KHKT sản xuất cho nông dân Trong ảnh: Công nhân Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (Phú Giáo) thu hoạch cà tím xuất khẩu

Trong các tiêu chí về xây dựng NTM, tiêu chí về thu nhập là quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần từng hộ dân. Chính vì vậy có thể khẳng định kinh tế nông hộ phát triển bền vững chính là tiền đề quan trọng để xây dựng thành công NTM. Vì vậy, các sở, ngành chức năng đã tập trung nhiều hơn các hoạt động chuyển giao KHKT cho các nông dân tại các xã xây dựng NTM. Xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên có thế mạnh về các loại cây có múi. Nông dân tại Hiếu Liêm đã ứng dụng thuần thục các tiến bộ KHKT trong sản xuất để nâng cao thu nhập. Giá trị sản xuất trên diện tích đất tại Hiếu Liêm rất cao, từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm. Tuy vậy, trong thời gian tới công tác chuyển giao KHKT cho nông dân tại đây sẽ tiếp tục được chú trọng đẩy mạnh. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, cho biết sẽ tiếp tục thực hiện công tác tập huấn sản xuất cho nông dân, thành lập tổ hợp tác trồng cây ăn trái, nhân rộng các mô hình VietGAP trong các hộ dân và thực hiện công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp của Hiếu Liêm. Ông Võ Quang Kim, ngụ tại ấp 5, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo thì chia sẻ: “Qua tập huấn kỹ thuật, tôi đã xây dựng được mô hình cây kiểng. Cùng với vườn cây cao su lâu năm, vườn cây kiểng của tôi đang phát triển tốt và hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập cao trong thời gian tới”.

Nói về vấn đề chuyển giao KHKT cho nông dân tại các xã NTM, ông Nguyễn Phong Huy, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết việc chuyển giao các tiến bộ KHKT của chi cục trong thời gian qua có sự ưu tiên cho các xã xây dựng NTM, phù hợp với tình hình thực tế sản xuất tại các địa phương. Công tác chuyển giao này đều nhắm đến việc xây dựng thành công các mô hình kinh tế hiệu quả, mang tính bền vững cao nhằm nâng mức thu nhập cho nông dân. Hiện nay, việc chuyển giao KHKT để xây dựng các mô hình kinh tế tại xã NTM chú trọng đến các mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao như trồng hoa lan, cây cảnh, rau mầm, cá kiểng… Ông Nguyễn Phong Huy cũng cho biết thêm, trong năm 2013, chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao KHKT cho nông dân, trong đó tập trung cho các trang trại lớn như xây dựng hệ thống tưới phun tự động, sử dụng công nghệ sinh học, xây dựng nhà lưới, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và định hướng xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao, hy vọng trong thời gian tới tại các xã xây dựng NTM sẽ xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hay, hiệu quả. Từ đó góp phần tạo dựng thế phát triển vững chắc cho nông nghiệp Bình Dương.

 

 CAO SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên