Còn dàn trải và nhiều yếu kém

Cập nhật: 06-06-2012 | 00:00:00

Thành quả sau 5 năm

Trong những năm qua, việc huy động vốn đầu tư công cho NN-ND-NT từng bước được nâng lên. Cụ thể, giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho NN-ND-NT từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.788 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Trong giai đoạn 2006-2011, tổng giá trị Hiệp định về ODA đã được ký kết hơn 26,897 tỷ USD, chiếm trên 94% là nguồn vốn vay ưu đãi, trong đó vốn đầu tư dành cho NN, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ phát triển NN-NT, giảm nghèo là 3,833 tỷ USD. Dư nợ cho vay theo cơ chế tín dụng thương mại trong lĩnh vực NN- NT cũng tăng trưởng qua các năm với tốc độ tăng bình quân 24%/năm. Nhiều địa phương đã có các giải pháp huy động vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, tạo cơ chế để người dân đóng góp bằng tiền, hiến đất và lao động trực tiếp để đầu tư xây dựng cầu, đường, trường học, nhà ở... góp phần phát triển NN- NT.

Cơ sở hạ tầng NN-NT đã được quan tâm đầu tư xây dựng tác động tích cực cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần nâng cao đời sống ND, cải thiện diện mạo NT. Hệ thống đê biển, đê sông cũng được quan tâm đầu tư củng cố, nâng cấp, góp phần nâng cao phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hạ tầng giao thông NT đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư và đạt được kết quả rất quan trọng, đã có mạng lưới giao thông với các phương thức vận tải được phân bổ tương đối hợp lý trên khắp mọi miền đất nước, tạo ra sự liên hoàn từ quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã, đường thôn bản. Đến năm 2011 cả nước có 8.940 xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Lưới điện trung và hạ áp tại các địa bàn NT đã được mở rộng, cung cấp điện tới các xã, huyện thuộc các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, tính đến năm 2011 đã có 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện. Hệ thống chợ NT đã từng bước được quy hoạch hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua, bán của người dân. Trụ sở làm việc, nhà văn hóa xã, thôn, sân vận động, công viên, nhà ở NT... từng bước được xây dựng khang trang, góp phần thay đổi diện mạo NT. Hệ thống y tế ở NT cũng được quan tâm đầu tư mở rộng và nâng cấp về chất lượng. Hệ thống trường lớp học ngày càng phát triển, đến năm 2011 có 9.029 xã (99,5%) có trường tiểu học. Hệ thống trường tại cấp xã, các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo phát triển, mở rộng đến cấp thôn, đến nay có 45,5% số thôn có lớp mẫu giáo; 15,6% số thôn có nhà trẻ. Đến năm 2011, cả nước có 45,5% số xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tăng 9% so với năm 2006. Mạng lưới thông tin, văn hóa, thể thao và truyền thông NT đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của ND. Đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được chú trọng, từng bước phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao đã tác động tích cực đến sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sống trên địa bàn NT. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, an sinh xã hội từng bước được bảo đảm; an ninh chính trị vùng NT được giữ vững...

Bộc lộ nhiều yếu kém

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số hạn chế, yếu kém chủ yếu về đầu tư công cho lĩnh vực NN-ND-NT như: Nguồn lực đầu tư còn thiếu so với nhu cầu, chưa phát huy hết tiềm năng trong NN- NT, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số Việt Nam gắn với NN-NT, chưa có chính sách, giải pháp hữu hiệu để huy động được nhiều nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp và toàn xã hội cho khu vực này. Vốn FDI đầu tư cho NN- NT rất thấp và có xu hướng giảm dần, từ tỷ lệ 8% trong tổng cơ cấu FDI của cả nước năm 2001 giảm xuống còn 1% năm 2010. Tính chung cả thời kỳ 1990-2010, ngành NN và phát triển NT mới thu hút được khoảng 738 dự án (không kể các dự án chế biến thực phẩm) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,3 tỷ đô la, chiếm 2,3% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Công tác lập và thực hiện quy hoạch còn hạn chế, chưa sát thực tế, thiếu tính khoa học, chưa gắn với nguồn lực thực hiện, còn có sự chồng chéo, không phù hợp giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí nguồn lực, thường xuyên phải điều chỉnh, tính khả thi không cao do thiếu nguồn lực thực hiện, một số quy hoạch ngành còn chậm được xây dựng, đặc biệt là còn thiếu các quy hoạch cho các lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu trong NN. Còn có những điểm chưa thực sự phù hợp với thực tế tại địa phương, phải điều chỉnh, rà soát liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, một số nơi việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật và pháp luật trong đầu tư chưa nghiêm túc, còn để xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư; chưa thực hiện tốt cơ chế dân chủ và phát huy sức mạnh tổng hợp của người dân trong tổ chức thực hiện đầu tư. Chất lượng một số công trình chưa bảo đảm do năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu thi công còn hạn chế, do đầu tư thiếu đồng bộ, quy mô chưa phù hợp với tốc độ phát triển. Công tác thẩm định, phê duyệt dự án còn thiếu chặt chẽ, xảy ra tình trạng thi công sai thiết kế, kê khống giá trị công trình; bán thầu, chuyển thầu... làm chậm tiến độ thi công, công trình mới sử dụng đã xuống cấp, gây bức xúc trong nhân dân. Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn ở mức cao; còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định an ninh trật tự NT. Cơ sở hạ tầng mặc dù đã được tăng cường đầu tư nhưng nhiều khu vực vẫn còn rất khó khăn, chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hình thức liên kết, liên doanh “bốn nhà” trong NN chưa gắn chặt trách nhiệm để làm cơ sở phát triển bền vững. Phát triển nghề, làng nghề truyền thống chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ lẻ, việc quản lý chất lượng sản phẩm làng nghề còn bộc lộ những yếu kém, chưa thực hiện tốt việc xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Trong quản lý đầu tư vẫn còn nhiều sai phạm, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 220 vụ việc vi phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng, đã phát hiện 78 vụ sai phạm trong việc thiết kế, thi công công trình; 33 vụ sai phạm trong việc sử dụng trái quy định nguồn vốn; 34 vụ tham ô tài sản,... Kiến nghị xử lý theo pháp luật 278 đối tượng và 33 doanh nghiệp, đơn vị thiết kế, thi công; thu hồi cho Nhà nước 21,7 tỷ đồng. Kiến nghị xử lý tài chính Chương trình 134 hơn 19 tỷ đồng, Chương trình 135 hơn 97 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn 75 tỷ đồng.

T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=216
Quay lên trên