Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Bước đi phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế

Cập nhật: 24-07-2013 | 00:00:00

Với tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh trong những năm qua, Bến Cát đang tập trung xây dựng mọi mặt để trở thành một địa phương năng động đúng nghĩa. Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một phần trong kế hoạch này...

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn huyện Bến Cát đã mở được 26 lớp đào tạo nghề, thu hút hàng ngàn học viên thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó có 16 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, 10 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp.

Đáp ứng nhu cầu

Kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1956/QĐ- TTg về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, từ năm 2009, Bến Cát đã nhanh chóng triển khai chương trình về các xã, thị trấn. Những thông điệp về việc tham gia các lớp đào tạo nghề thường xuyên được chính quyền địa phương gửi đến người dân.

Chị Nguyễn Hồng Diệu thành công với mô hình trồng hoa lan sau khóa học về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan do huyện Bến Cát tổ chức. Trong ảnh: Ba của chị Diệu đang phụ con gái chăm sóc vườn lan

Thời gian đầu, do người dân ở các địa phương trên địa bàn huyện chưa nhận thức rõ nét về việc đào tạo nghề nên phần lớn đều e dè và không dám đăng ký. Tuy nhiên, sau vài đợt vận động, số lượng học viên tham gia các lớp học đã tăng cao. Phần lớn các học viên đăng ký đều chọn những lớp học có ý nghĩa thiết thực và ứng dụng khá tốt trên địa bàn huyện, trong đó tiêu biểu là các nghề cạo mủ cao su, kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm, may mặc, điện tử... Điều đáng nói là phần nhiều trong số này đều là những công dân trẻ - nguồn lao động dồi dào trong tương lai của huyện.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Bến Cát cho biết, đây là chương trình kết hợp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế huyện, UBND các xã, thị trấn, một số ban ngành liên quan dựa trên sự chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện Bến Cát và “Tất cả những chương trình nói trên đều nhằm mục đích nâng cao nhận thức, tay nghề và kỹ thuật của người dân trong lĩnh vực làm việc của họ”, ông Cường nói.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, Huyện ủy, UBND huyện còn chỉ đạo các ban ngành liên quan phối hợp tổ chức những lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp. Trong đó, đáng kể là những lớp học về may công nghiệp, điện công nghiệp, sửa chữa máy vi tính, sửa chữa xe gắn máy, cắt uốn tóc với những lớp học lên đến hàng trăm học viên tham gia. Nhằm phục vụ nguồn nhân lực vững tay nghề cho sự phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện, nhiều lớp học lái xe tải chở hàng, xe nâng hàng… cũng được chính quyền địa phương và các ngành chức năng phối hợp tổ chức. “Hầu hết những học viên tham gia các lớp học này đều tìm được việc làm có thu nhập ổn định ngay tại địa phương”, ông Nguyễn Văn Sang, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Cát cho biết.

Đi vào thực tế

Theo quy định, toàn bộ chi phí trang trải cho các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn tính đến năm 2020 sẽ do Nhà nước tài trợ. Các học viên tham gia khóa học còn được nhận một khoản tiền bồi dưỡng vào cuối khóa học (khoảng 10.000 đồng/ngày học). Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Cát cho biết, khi tham gia các khóa học, ngoài việc được hỗ trợ các khoản tiền xăng, các học viên trên địa bàn huyện còn được tiếp cận nhiều doanh nghiệp và những mô hình kinh tế tiêu biểu, từ đó họ có thể tìm cho mình một hướng đi riêng trên con đường phát triển kinh tế.

Tính đến nay, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Bến Cát đã đi được 4 năm. Qua bấy nhiêu thời gian, chính quyền địa phương và các ngành chức năng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cán bộ giảng dạy, tìm kiếm doanh nghiệp sử dụng lao động, tuy nhiên những khó khăn chưa bao giờ làm họ lùi bước. Sự kiên trì của chính quyền địa phương huyện Bến Cát ngay sau đó đã có kết quả khi hàng ngàn học viên tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề tìm kiếm được việc làm ổn định. Một số học viên xuất sắc còn tìm được cho mình những hướng phát triển kinh tế mới mẻ sau khóa học.

Tiếp chúng tôi tại vườn hoa lan của mình tại ấp 1B, xã Chánh Phú Hòa (Bến Cát), chị Nguyễn Hồng Diệu (36 tuổi, giáo viên trường THPT Bến Cát) cho biết: “Bên cạnh niềm đam mê hoa lan từ nhỏ, những kiến thức được học từ lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc hoa lan do huyện Bến Cát tổ chức là một lý do khiến tôi mạnh dạn ngỏ ý xin gia đình chặt bỏ bớt cao su để gầy dựng vườn hoa lan lớn nhất xã Chánh Phú Hòa hiện nay. Đi học mới biết kiến thức của mình còn thiếu thốn nhiều lắm”, chị Diệu nói.

Nhiều học viên tham gia các khóa đào tạo nghề nông thôn ở Bến Cát cũng tìm được lối đi riêng cho mình. Thời gian gần đây, trên địa bàn các xã Trừ Văn Thố, Cây Trường… xuất hiện nhiều tiệm sửa chữa xe gắn máy, photocopy do các học viên sau khi tốt nghiệp các lớp nghề mở ra. Anh Nguyễn Tấn Hùng, chủ tiệm sửa xe gắn máy ở xã Trừ Văn Thố vui mừng kể: “Tôi đam mê nghề sửa xe gắn máy từ nhỏ, nên khi huyện tổ chức lớp đào tạo nghề này là tôi đăng ký liền”. Theo lời kể của người dân sống lân cận, trong số các tiệm sửa chữa xe gắn máy, tiệm của anh Hùng là đáng tin cậy nhất.

Nhiều học viên tham gia các khóa đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt sau khi tốt nghiệp cũng trở về giúp gia đình phát triển, mở rộng các mô hình. Bên cạnh, các học viên này còn sáng tạo nên những mô hình độc đáo như chăn nuôi gà kết hợp cá sấu (Long Nguyên), chăn nuôi heo kết hợp kỳ đà (Trừ Văn Thố)… Những học viên của các khóa đào tạo nghề nông thôn ở Bến Cát đang bước vào thực tế một cách hiệu quả, đáp ứng đúng sự phát triển của địa phương.

ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=230
Quay lên trên