Doanh nghiệp gỗ Bình Dương: Luôn nỗ lực vươn lên

Cập nhật: 24-08-2018 | 08:02:11

Các doanh nghiệp (DN) gỗ Bình Dương đang thể hiện quyết tâm đoàn kết, nỗ lực, nâng cao hiệu quả sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, cùng nhau vươn xa hơn trong thời gian tới.

 Khát vọng vươn xa

Toàn tỉnh hiện có trên 1.210 DN chế biến gỗ, trong đó có 905 DN trong nước. 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ của tỉnh đạt gần 1,5 tỷ USD. Đối với Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), trong 10 năm phát triển, với ý chí vươn lên sánh cùng bè bạn trong khu vực, các DN gỗ Bình Dương đã nắm thời cơ, đầu tư trang thiết bị, máy móc và tổ chức sản xuất để làm nên ngành công nghiệp chế biến gỗ.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Gỗ Hiệp Long (TX.Thuận An). Ảnh: TIỂU MY

Bình Dương là địa phương có kim ngạch xuất khẩu gỗ đứng đầu cả nước, chiếm 54,8% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước, có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tỉnh (14,7%). Hiện nay, thị trường xuất khẩu ngành gỗ đang có nhiều biến chuyển mạnh mẽ, nhất là ở các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục được duy trì...

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, nguyên Chủ tịch BIFA, kết quả mà ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Bình Dương đạt được trong thời gian qua thể hiện sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo của các DN trong việc nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, cải thiện mẫu mã, chất lượng của sản phẩm, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự hỗ trợ hiệu quả của các hiệp hội, cơ quan xúc tiến thương mại trong việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Tại Đại hội BIFA nhiệm kỳ IV vừa qua, Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới cùng các DN ngành gỗ thể hiện quyết tâm, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng vươn xa. Ông Bùi Như Việt, Phó Chủ tịch BIFA - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Gỗ Long Việt (TX.Dĩ An), thay mặt các DN gỗ Bình Dương bày tỏ trăn trở cùng chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch tại đại hội và mong muốn được Chính phủ, địa phương hỗ trợ để phát triển.

Điều mà các DN gỗ Bình Dương mong mỏi nhất hiện nay là việc xây dựng một trung tâm triển lãm hội chợ mang tầm quốc tế để hoạt động xúc tiến thương mại của ngành nói chung và DN chế biến gỗ nói riêng. Nhiều DN cho rằng, hình thức “Marketing tại chỗ” này sẽ giúp cho hầu hết các DN chế biến gỗ đều có thể tham gia và tiếp cận trực tiếp với thị trường thế giới một cách hiệu quả.

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ của Bình Dương và Đồng Nai chiếm khoảng 75% của cả nước, tỉnh Bình Dương cũng đã có quy hoạch sử dụng 20 ha đất để làm trung tâm hội chợ triển lãm. Hiện nay, ngành gỗ Việt Nam đã có vị thế trên thế giới. Tuy vậy, so với dung lượng thị trường toàn cầu hàng năm khoảng 420 tỷ USD thì ngành gỗ Việt Nam chỉ mới chiếm chưa tới 2%. Chính vì thế, tiềm năng phát triển ngành chế biến gỗ trong nước còn rất lớn.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Hiện các DN gỗ trong nước rất phấn khởi với quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập tại Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” năm 2018 vừa qua. Theo Thủ tướng, trong 10 năm tới ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của nước ta phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín trên thị trường quốc tế.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng hơn cho ngành chế biến gỗ và lâm sản phát triển.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết mặc dù còn nhiều dư địa cũng như nhiều thuận lợi phát triển nhưng ngành chế biến gỗ và lâm sản cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đe dọa sự phát triển bền vững của ngành trong thời gian tới. Bình Dương đã có nhiều DN sản xuất lớn, công nghệ hiện đại nhưng lại thiếu DN, sản phẩm có tên tuổi để lại dấu ấn sâu đậm trên thị trường quốc tế. Trong thời gian tới, các DN ngành gỗ cần liên kết mạnh hơn, đoàn kết hơn để tạo ra sức bật mới, tập trung nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, quản trị, tạo nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các DN cần am hiểu và tôn trọng luật pháp quốc tế, sử dụng nguyên liệu hợp pháp, nghiên cứu thị trường quốc tế, phòng tránh tranh chấp có thể xảy ra, đặc biệt chú trọng thị trường trong nước với quy mô dân số và nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn...

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=495
Quay lên trên