Doanh nghiệp tìm cách thích ứng với tăng giá đầu vào

Cập nhật: 16-08-2012 | 00:00:00

Mặc dù giá xăng dầu tăng, giảm theo diễn biến thị trường là phản ứng rất bình thường, song tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo, những biến động giá cả hàng hóa cơ bản như xăng, điện… sẽ tạo hiệu ứng tăng giá lan tỏa ra khắp nền kinh tế.

Cộng dồn gánh nặng

Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, từ đầu tháng 8 tới nay, giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore đã liên tục tăng. Mặt hàng xăng RON 92 từ 116,4 USD/thùng ngày 1-8 đã lên tới hơn 127,63 USD vào ngày 10-8.

 Ảnh minh họa.  Theo đó, giá xăng trong nước cũng được điều chỉnh tăng 1.100 đồng/lít (ngày 13-8), tuy nhiên tính từ 20-7 đến nay sau ba lần điều chỉnh, giá xăng hiện đã tăng tổng cộng tới 2.400 đồng/lít, tương ứng 11,7%.

Ông Đặng Minh Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà cho biết, phí vận chuyển hiện đang chiếm khoảng 10% tổng giá thành sản phẩm của công ty.

“Trên thực tế, chi phí xăng thường chiếm khoảng 40%-45% trong phí vận chuyển, cộng thêm các chi phí đẩy khác từ việc tăng giá xăng lên 11,7% sẽ tác động tăng giá thành của chúng tôi khoảng từ 2%-3%,” ông Quang nói.

Giám đốc của công ty xây dựng con thuộc một tổng công ty nhà nước cho biết, ngành xây dựng là một trong những khu vực luôn chịu tác động lớn từ sự thay đổi giá của xăng dầu, tất cả các loại ôtô, máy móc, xe cẩu… đều phải dùng xăng, dầu. Với mức tăng giá từ cuối tháng tháng Bảy trở lại đây, chi phí sản xuất trong ngành này cũng sẽ phải tăng tương ứng khoảng 0,5%-1%.

“Ngành xây dựng đang bị tác tác động khó khăn nhiều bề và cũng chưa nhìn thấy dấu hiệu chuyển biến ở nửa cuối năm, do vậy chúng tôi xác định cầm cự sản xuất kinh doanh, cố gắng duy trì việc làm cho số lượng công nhân chính thức cũng là thành công rồi. Tuy nhiên, những khoản thưởng định kỳ và thưởng nóng cũng sẽ phải điều tiết giảm so với trước,” vị giám đốc trên nói.

Trong báo cáo điều tra mới nhất về “Thực trạng và khó khăn của doanh nghiệp” của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm cả nước có 22 nghìn doanh nghiệp ở trong tình trạng ngừng sản xuất kinh doanh, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thị trường trong nước giảm, khó khăn về tiếp cận vốn vay, giá cả nguyên liệu đầu vào... và trong đó, chi phí vận tải cao cũng là một trong 6 yếu tố cản trở lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Tăng năng lực dự báo và khả năng thích ứng

Ông Cao Sĩ Kiêm phân tích, phản ứng dây chuyền sẽ xảy ra khi xăng dầu, điện... tăng giá dồn dập trong một tháng trở lại đây. Theo đó, chi phí đầu vào sẽ tăng và đồng thời đẩy giá dầu lên mặt bằng mới.

 “Trong bối cảnh lực cầu yếu như hiện nay, giá cả hàng hoá và dịch vụ mà gia tăng có nghĩa tình trạng tồn kho tại cũng tăng và dứt khoát doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn. Theo tôi, sẽ có khoảng 30% số doanh nghiệp trong nhóm đình trệ sẽ phải đối mặt với mối đe dọa phá sản và đóng cửa, mà tỷ lệ chiếm phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ,” ông Kiêm dự báo.

Tuy nhiên ông Kiêm cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực dự báo và thích ứng hơn với sự biến động của thị trường bởi theo Bộ Công Thương, sang năm 2013, giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu sẽ dần được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Quang cho biết, những biến động giá cả trong năm 2011 đã để lại nhiều bài học cho doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Như tại Sơn Hà, cơ cấu doanh thu từ xuất khẩu ống thép công nghiệp sang thị trường Mỹ và Tây Âu chiếm khoảng 30% - 40%. Rút kinh nghiệm từ năm trước, công ty đã thay đổi cách tính toán, dự báo biến động của giá của các sản phẩm, nguyên liệu đầu vào sẽ được dự trù thêm vào chi phí sản xuất.

“Nhờ đó, giá giao dịch của các hợp đồng đã ký kết và hiện đang triển khai về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát. Ngoài ra, trong hợp đồng cũng đưa thêm vào điều khoản điều chỉnh giá bán trong trường hợp có biến động giá thành bất thường”, ông Quang nói.

Đối với thị trường nội địa, trong tình trạng sức mua vẫn rất yếu thì mặc dù giá thành sản phẩm gia tăng do biến động giá đầu vào song các công ty cũng không dễ dàng gì nâng giá bán. Vì vậy, ông Quang cho rằng giải pháp tốt nhất là tiếp tục tiết kiệm chi phí thông qua việc nâng năng suất lao động để điều tiết giá thành. Về mặt thị trường, công ty ông đã thực hiện cải thiện chính sách đối với đại lý thông qua việc tăng việc cấp tín dụng cho các nhà phân phối và cho phép họ nợ dài hạn hơn, nhằm duy trì ổn định thị phần.

“Trong điều hành, điều quan trọng là quản trị được dòng tiền, thanh khoản và khâu dự báo thị trường. Đối với chúng tôi, ở thời điểm này về cơ bản vẫn quản trị được. Doanh nghiệp vẫn duy trì và cố gắng đảm bảo kế hoạch tăng trưởng đã đặt ra từ hồi đầu năm”, ông Quang nói.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tìm ra những giải pháp khác để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vấn đề quan trọng lúc này là phải nhanh chóng khắc phục sự chậm trễ để nhanh chóng đưa các chính sách tháo gỡ cho doanh nghiệp vào cuộc sống.

Vì thế, bên cạnh các giải pháp mang tính căn cơ lâu dài thì sẽ có giải pháp khẩn cấp để phù hợp với tình hình doanh nghiệp hiện nay. Và trên thực tế đã có một số giải pháp được triển khai ngay như giãn giảm thuế, kích cầu, hạ lãi suất. Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông - Vận tải đã thống nhất về việc tiêu thụ xi măng, sắt thép tồn kho để xây dựng các công trình giao thông. Ngân hàng cho vay vốn bằng hàng hóa tồn kho và hợp đồng xuất khẩu. Bộ Công Thương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại ở thị trường trong và ngoài nước, đưa hàng Việt về nông thôn…

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên