Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số: Khởi sắc từng ngày

Cập nhật: 03-01-2014 | 00:00:00

 Nhiều gia đình có của ăn của để

Ông Kim Thật, một trong những người lớn tuổi trong ĐBDTTS Khơ-me ở xã An Bình, cho biết nhờ các chính sách chăm lo của các cấp chính quyền nên nhiều gia đình ĐBDTTS trong xã đã có của để dành, như gia đình ông Thạch Bét, gia đình bà Kim Thị Dàng ở ấp Tân Thịnh. Trước kia những gia đình này còn nhiều khó khăn nhưng nay đã khác, bà con đã có cuộc sống no ấm hơn.   Các đoàn thể ở xã An Bình (Phú Giáo) quan tâm đến các em thiếu nhi người DTTS trong xã 

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Bí thư Đảng ủy xã An Bình, cho biết toàn xã có hơn 200 hộ ĐBDTTS với gần 900 nhân khẩu gồm dân tộc Khơ-me, Tày, Nùng, Sán Dìu, S’Tiêng. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền hỗ trợ về đất ở, giống cây trồng, vật nuôi và các chính sách hỗ trợ khác nên đời sống ĐBDTTS tại các ấp của xã đã no đủ hơn. Xã cũng đang phấn đấu xây dựng các chỉ tiêu xã nông thôn mới tại các vùng ĐBDTTS. Trong thời gian tới, xã sẽ kiến nghị việc tiếp tục hỗ trợ cho ĐBDTTS, nhất là về việc định hướng, tư vấn, hỗ trợ trong chăn nuôi, trồng trọt để tự mỗi gia đình vươn lên.

Ông Kim Niệm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện, phụ trách công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn huyện, cho biết toàn huyện có hơn 200 hộ gia đình với khoảng 3.700 nhân khẩu là ĐBDTTS, trong đó nhiều nhất là dân tộc Khơ-me sống tập trung ở xã An Bình. Nhìn chung, đời sống ĐBDTTS đã ổn định. Theo ông Niệm, thời gian qua các cấp chính quyền trong tỉnh đã xây dựng Dự án định canh định cư cho ĐBDTTS với 200 ha. Trong năm 2013, ngành chức năng đã cấp thêm cho 21 hộ mỗi hộ 1 ha, cấp thêm cho 6 hộ có từ 7 khẩu trở lên mỗi hộ 0,5 ha. Tính đến nay, Dự án định canh định cư đã cấp đất cho 127 hộ gia đình, còn lại hơn 20 ha huyện đang tiếp tục xem xét các hộ gia đình khó khăn về đất sản xuất để cấp, góp phần ổn định đời sống cho ĐBDTTS.

Tạo mọi điều kiện để đồng bào vươn lên

“Nếu như trước đây nhiều hộ gia đình Chăm chỉ biết làm theo cách hiểu biết riêng của họ thì hiện nay, đa số bà con đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế gia đình đã cải thiện đáng kể, giúp đồng bào dân tộc Chăm đón một năm mới vui tươi, đầm ấm” (Ông Kho Sanh, đại diện ĐBDTTS Chăm ở xã Minh Hòa, Dầu Tiếng)

Đối với ĐBDTTS Chăm sống tập trung ở xã Minh Hòa (Dầu Tiếng) cuộc sống cũng đang thay đổi từng ngày. Ông Kho Sanh, Ủy viên MTTQVN ba cấp, đại diện ĐBDTTS Chăm ở xã Minh Hòa, cho biết trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên đời sống đồng bào dân tộc Chăm đã dần khá lên. Toàn xã Minh Hòa có 92 hộ ĐBDTTS Chăm với 397 nhân khẩu, trong đó có khoảng 80% bà con là khá giả. Đến cuối năm 2013, đồng bào Chăm ở đây không còn hộ nghèo, chỉ còn vài hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh. “Ngoài việc xây dựng tuyến đường nhựa giao thông nông thôn vào làng Chăm, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp đã tạo mọi điều kiện cho người dân ĐBDTTS Chăm vươn lên trong cuộc sống. Cụ thể là các hộ gia đình ĐBDTTS Chăm được cấp quyền sử dụng đất 100%, được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng sản xuất, kinh doanh”, ông Kho Sanh cho biết.

Sự đổi thay trong đời sống ĐBDTTS ở huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng đã minh chứng cho sự quan tâm chăm lo chu đáo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Trong năm 2013, ngoài việc hỗ trợ đất, làm đường giao thông nông thôn, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hỗ trợ, tư vấn cho ĐBDTTS trong việc mở rộng chăn nuôi, trồng trọt, giúp họ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó, ĐBDTTS đã biết cách sản xuất hiệu quả để vươn lên.

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên