Gan dạ, quyết tâm chiến đấu đến cùng

Cập nhật: 13-07-2012 | 00:00:00

Cả tuổi thanh xuân dành cho cách mạng, cho những trận đánh ác liệt nơi chiến trường đầy bom đạn, ông chỉ có một mong muốn duy nhất là chiến đấu hết mình cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ông là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Tính. Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh thăm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Tính nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012

Đến thăm gia đình ông ở khu phố 1, phường Phú Hòa, TP.TDM; ngoài ngôi nhà khang trang mà cả cuộc đời ông tích góp mới xây dựng được thì những thứ quý giá còn lại chính là những bằng khen, giấy khen, danh hiệu được Nhà nước phong tặng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như những năm sau này. Ông khiêm tốn nói: “Tôi chiến đấu hết mình cho cuộc chiến chỉ với một mục đích duy nhất là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước như mong muốn của biết bao người dân thời đó. Tôi không hề nghĩ mình liều thân để có những bằng khen, giấy khen... Nhưng tôi giữ những kỷ vật này như một báu vật vì nhiều nguyên nhân. Đây vừa là sự ghi nhận của Nhà nước đối với những cống hiến của mình, đồng thời cũng chính là những kỷ niệm về một thời bom đạn để mình biết quý trọng từng giây, từng phút của hòa bình”.

Bình dân, giản dị là những gì chúng tôi cảm nhận về ông. Ông kể cho chúng tôi nghe quá trình hoạt động cách mạng của mình. Nhưng đó là những sự kiện, những trận đánh ác liệt chứ không phải là những số liệu, những  chiến công mà ông đã giành được. Bởi ông nói: Thời đó lo đánh chứ có đếm thành tích đâu mà biết. Có những trận sau này tôi mới biết là mình giết được bao nhiêu tên, thu được những vũ khí gì...

Ông sinh ra và lớn lên ở xã Thanh Điền (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) nhưng cả cuộc đời hoạt động cách mạng, ông lại cống hiến hết sức mình cho hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước (Sông Bé trước đây).

Năm 1958, khi vừa tròn 16 tuổi, ông tham gia cơ sở chính trị ở địa phương. Đến đầu năm 1960, sau phong trào “Đồng Khởi” diễn ra ở Tây Ninh, ông bắt đầu thoát ly tham gia bộ đội. Ông cho biết, sau phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre phá vỡ hoặc làm tê liệt chính quyền ấp, xã của địch, thành lập UBND tự quản. Phong trào “Đồng Khởi” đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh ở Nam bộ. Nhiều đơn vị dân quân du kích và bộ đội địa phương tỉnh, huyện đã hình thành và phát triển. Vì vậy tôi hăng hái thoát ly tham gia cách mạng.

Theo tài liệu, sử sách để lại, từ năm 1960 đến tháng 4-1975, ông Lê Văn Tính đã tham gia hơn 100 trận đánh, diệt 102 tên địch (có 45 tên Mỹ). Cụ thể vào năm 1967, là trung đội trưởng trinh sát, ông Tính đã cùng đơn vị phục vụ bộ binh chiến đấu, ông chỉ huy trung đội độc lập đánh nhiều trận, có trận diệt 14 tên (trong đó có tên quận trưởng Lộc Ninh). Từ tháng 6-1968 đến tháng 5-1971, ông là Đại đội trưởng Đại đội 75 đặc công. Ông đã chỉ huy đơn vị đánh 35 trận vào các mục tiêu xung quanh thị xã Bình Long và nhiều ấp chiến lược, diệt và làm bị thương gần 1.000 tên địch. Đơn vị của ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cuối năm 1971, ông Lê Văn Tính là Huyện đội phó huyện Hớn Quản. Ông đã chỉ huy bộ phận vây ép địch ở thị xã Bình Long với nhiều cách đánh, làm cho chúng khiếp sợ không dám ra ngoài. Mùa xuân 1975, ông Lê Văn Tính nhận nhiệm vụ đánh chi khu Chơn Thành. Ông bám trụ chỉ huy đánh địch liên tục suốt ngày. Kết quả, đánh chiếm được chi khu quân sự địch, mở rộng địa bàn cho lực lượng lớn của ta đứng chân.

Trong những chiến công hiển hách của mình, ông không bao giờ quên trận Đồng Xoài (đợt II Chiến dịch Đồng Xoài) năm 1965. Khi ấy ông là trung đội phó được bổ sung, có nhiệm vụ cắt đường từ Nha Bích đến quốc lộ 13 để giải phóng huyện Đồng Xoài. Trong những mũi tiến công ồ ạt, có một mũi bị lộ, địch tăng cường đánh phá bằng mìn. Lúc này có nhiều người bị lung lay ý chí giữa lui hay đánh, nhưng ông quyết định khắc phục hậu quả và tiếp tục đánh. Nhờ đó, lực lượng của ông đã đánh gãy được 5 khẩu pháo. Ông chia sẻ: “Mọi việc phải cố gắng. Lúc ấy nếu không quyết tâm thì sẽ không đánh được”.

Hay ông có công lớn trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Khi ấy ông được phân công làm Phó Tư lệnh mặt trận II Bình Long, có nhiệm vụ đánh vào thị xã Bình Long. Khi không thọc sâu vào trong lòng địch, lực lượng của ông chuyển sang bao vây thị xã Bình Long cho đến khi địch bỏ chạy để quân ta tiếp quản. Chiến dịch đã giải phóng một phần các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh làm nơi đóng trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, làm bàn đạp uy hiếp Sài Gòn từ hướng bắc và tây bắc.

Gan dạ, quyết tâm vì cuộc chiến, ông Lê Văn Tính đã được tặng thưởng  Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất và nhì, 5 bằng khen, 3 lần là Chiến sĩ thi đua. Đặc biệt ngày 6-11-1978, ông Lê Văn Tính được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khi ấy ông là Huyện đội phó Huyện đội Bình Long, tỉnh Sông Bé.

Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục tham gia những trận chiến ác liệt ở biên giới. Năm 1978, ông về làm Huyện đội trưởng Bình Long. Năm 1986, ông về Bộ CHQS tỉnh Sông Bé giữ chức vụ Phó Chỉ huy trưởng. Năm 1977, sau khi tách tỉnh, ông được điều về làm Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Phước. Năm 2005 ông về hưu và trở về Bình Dương sinh sống.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=224
Quay lên trên