Giá cả cuối năm sẽ không tăng nhiều

Cập nhật: 03-12-2012 | 00:00:00

 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 11 đã hạ nhiệt khi chỉ tăng 0,47% so với tháng 10 và thấp hơn rất nhiều so với mức 2,2% của tháng trước đó. Nếu tình hình diễn biến thuận lợi như dự đoán, người tiêu dùng (NTD) sẽ không quá lo ngại khi bước vào dịp mua sắm cuối năm.

Tính đến thời điểm này, giá các mặt hàng lương thực thực phẩm trên thị trường nhìn chung vẫn khá ổn định, một vài mặt hàng tuy có tăng hoặc giảm nhưng không đáng kể. Giá sắt xây dựng phi 6 - 8 của Việt - Nhật giá bán ra ở mức 16.000 - 16.100 đồng/kg; xi măng Fico PCB40 từ 80.000 - 81.000 đồng/bao, giá sắt xây dựng, xi măng đang trong xu hướng giảm giá do lượng hàng tồn kho nhiều ở mặt hàng vật liệu xây dựng.  

 Người tiêu dùng đang tiếp tục thắt chặt chi tiêu khiến sức mua giảm

Đối với mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như đường các loại giá giảm từ 500 -1.000 đồng/kg, gà công nghiệp, gà ta làm sẵn nguyên con ở mức từ 70.000 - 150.000 đồng/kg. Thịt bò, heo, gà giá vẫn giữ nguyên. Cụ thể, sườn non, heo đùi giá 120.000 đồng/kg; thịt bò thăn loại I giá 245.000 đồng/kg. Các loại thủy hải sản dao động tăng hoặc giảm giá theo sản lượng đánh bắt và lượng hàng về chợ, nhưng nhìn chung xu hướng vẫn khá ổn định. Giá một số loại trái cây phổ biến như chôm chôm, nhãn, xoài, thanh long tuy tăng nhẹ khoảng 2.000 - 5.000 đồng/ kg vào dịp rằm tháng 10 vừa qua nhưng hiện nay cũng đã trở về mức cũ. Riêng mặt hàng rau, củ quả sau gần trọn tháng rớt giá do sức mua thấp, thu hoạch nhiều thì tuần qua đang có xu hướng tăng giá trở lại. Hiện giá các loại rau tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, cải bẹ xanh, cải ngọt, khổ qua, cà nâu, dưa leo, cà chua giá phổ biến từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Chị Oanh, tiểu thương quầy rau xanh tại chợ Thủ Dầu Một cho biết, giá một số loại rau củ quả có xu hướng tăng vào dịp cuối năm, nguyên nhân là do sức mua tập trung vào những mặt hàng này khá mạnh. Tuy nhiên, với sự hiện diện của nhiều siêu thị, cùng sự bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, gạo, dầu ăn, rau quả... thì tiểu thương tại chợ truyền thống sẽ khó có cơ hội đẩy giá mặt hàng này lên như những năm trước.

Bước vào tháng 12 cũng là lúc vào vụ sản xuất, nhu cầu tiêu dùng bắt đầu gia tăng khi có nhiều ngày lễ diễn ra, sẽ khiến giá cả tăng nhẹ. Tuy nhiên, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, mức tăng giá cả hàng hóa sẽ không đáng ngại do Tết Nguyên đán diễn ra vào tháng 2-2013. Mặt khác, NTD đang thắt chặt chi tiêu và xu hướng tăng mạnh chi tiêu cũng khó diễn ra. Do vậy, giá cả hàng hóa dịp cuối năm sẽ không tăng nhiều.

  Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 11 “hạ nhiệt” là nhờ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất (gần 40%) trong rổ hàng hóa chung đã giảm 0,08%, nhờ giá thực phẩm giảm tới 0,21%, còn giá lương thực chỉ tăng nhẹ 0,05%. Đây là xu hướng giảm giá tích cực và khá bất ngờ, đi ngược với quy luật tiêu dùng mọi năm trước, đóng góp tích cực cho việc kiềm giữ chỉ số CPI tăng thấp.

 

 TRÚC HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=240
Quay lên trên