Giải tỏa nhiều vấn đề bức xúc

Cập nhật: 01-08-2013 | 00:00:00

Chờ quy chế đấu thầu mới

Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Mai Hùng Dũng đã trả lời chất vấn của đại biểu xung quanh các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm về tình hình giải thể, phá sản của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh; những biện pháp hỗ trợ DN ổn định sản xuất, kinh doanh; tiến độ thực hiện các công trình trong năm 2013; hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh. Ông Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, Bình Dương có 244 DN giải thể, khó khăn, tạm ngừng hoạt động, giảm 34% so với cùng kỳ. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá, chỉ số giá tiêu dùng được kiềm chế và tăng thấp so với cùng kỳ, đơn đặt hàng của các DN tăng so với cùng kỳ, môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư đạt mức cao, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 92,5% kế hoạch năm...

“Trong thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản, ngân sách đầu tư rất lớn với trên 40% chi cho đầu tư xây dựng cơ bản. Nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào hoạt động, tuy nhiên có nhiều công trình chất lượng không cao, nhanh xuống cấp. Như vậy, nhà thầu được chọn trong thực tế là nhà thầu có giá thấp nhất, do đó vật tư đưa vào xây dựng thường rẻ nhất, chất lượng đương nhiên hạn chế. Cần có giải pháp gì để tránh tình trạng đấu thầu, chọn thầu đúng nhưng nghiệm thu xong trong một thời gian ngắn công trình đã xuống cấp?”

(Đại biểu Trịnh Đức Tài)

 “Đây là vấn đề rất khó khăn, do hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác đấu thầu rất nhiều, rất phức tạp. Thêm nữa, các chủ đầu tư được toàn quyền lựa chọn người thi công, giám sát, kết thúc dự án. Sở Kế hoạch - Đầu tư chỉ tham mưu kế hoạch đấu thầu, nếu có cơ sở pháp lý hợp lý thì chắc chắn có thể lựa chọn nhà thầu tốt. Muốn có được điều này chúng ta phải chờ đợi quy định đấu thầu mới, chờ Luật Đấu thầu sửa đổi được Quốc hội thông qua” .

(Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Mai Hùng Dũng)

Đại biểu Nguyễn Thanh Trung đặt vấn đề, giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN, ưu tiên vốn, tín dụng cho DN nhỏ và vừa, sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà Sở Kế hoạch - Đầu tư đề ra lộ trình cụ thể thực hiện chính sách này như thế nào, DN làm sao tiếp cận được? Giải trình ý kiến này, ông Dũng cho biết, UBND tỉnh xác định, hệ thống DN vừa và nhỏ rất quan trọng trong nền kinh tế: số lượng nhiều, dù chỉ đóng góp 20% cho ngân sách nhưng rất năng động, hỗ trợ cho loại hình DN này là chủ trương lớn của Chính phủ. Cuối năm 2011, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 3348 ngày 9-11-2011, trong kế hoạch này, giao cho các sở, ban, ngành phối hợp với nhiều chương trình trợ giúp. UBND tỉnh cũng có kế hoạch thành lập Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hồ sơ thành lập đang trình UBND tỉnh duyệt, khi có quyết định thành lập quỹ, sở sẽ thông báo.

Về bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản, ông Dũng cho biết, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013 của tỉnh với tổng vốn là 4.000 tỷ đồng hiện bố trí cho 338 dự án, công trình. Tuy nhiên, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013 của tỉnh là rất lớn, với khoảng 6.000 tỷ đồng, trong khi khả năng cân đối vốn của tỉnh còn hạn chế so với nhu cầu đầu tư. Thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh bố trí vốn cho các dự án theo đúng các nguyên tắc chỉ đạo. Đó là tập trung bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành trong năm 2012, dự kiến hoàn thành trong năm 2013, vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện và các công trình trọng điểm. Số vốn còn lại bố trí cho một số dự án đang thực hiện hoặc dự án mới thật sự cấp bách, có quyết định đầu tư, thiết kế cơ sở và các dự án chuẩn bị đầu tư. Hạn chế tối đa việc khởi công các dự án mới khi chưa đủ nguồn để hoàn thành các dự án chuyển tiếp. Chỉ bố trí khởi công mới cho các dự án thật sự cấp bách khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Cần đào tạo nghề theo nhu cầu

Trả lời tại phiên chất vấn về tình trạng các chủ lò gạch sử dụng lao động trẻ em, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, qua kiểm tra, khảo sát đã phát hiện một số lò gạch tư nhân có trẻ em phụ cha mẹ làm những công việc như phụ đẩy xe gạch, chất gạch lên xe. Cụ thể, lò gạch tư nhân Tây Sơn (xã Lai Hưng, Bến Cát) có 4 trẻ em đang làm việc, một số lò gạch ở xã Khánh Bình (Tân Uyên) có 15 em đang làm việc. Qua kiểm tra cho thấy, cơ sở lò gạch tư nhân chỉ khoán công việc cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, do đó các trẻ em chỉ phụ giúp gia đình chứ không có tình trạng DN sử dụng trẻ em.

Bảo đảm mọi học sinh được đến lớp

 Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Dương Thế Phương cho biết, về tình hình phân luồng học sinh sau THCS, có 70% học sinh vào học lớp 10 THPT, còn lại 30% là vào học tại các trường trung cấp nghề và dạy nghề. Ông Phương thừa nhận, việc phân luồng là nhằm mục đích giải quyết bài toán thiếu hụt lao động có tay nghề, nhưng đến nay công tác này vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Trả lời vấn đề giải pháp khắc phục tình trạng số học sinh tăng nhanh qua các năm, ông Phương cho biết, ngoài việc đưa vào các trường học mới vào dạy học, sở cũng thực hiện giải pháp giảm một số lớp bán trú đối với tiểu học, bổ sung bàn ghế, tận dụng hết các phòng thí nghiệm thực hành, thư viện để làm phòng học, đồng thời tăng sĩ số/lớp.

Vấn đề được các đại biểu và cử tri quan tâm hiện nay là các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, thậm chí không tuyển được học viên gây lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Bà Oanh cho biết, đây là vấn đề khó khăn chung của cả nước chứ không riêng gì Bình Dương, nguyên nhân do DN phần lớn sử dụng lao động phổ thông và lao động ngoài tỉnh, nhận thức và hành động của các phụ huynh định hướng học sinh vào học các trường nghề còn chưa cao, công tác tổ chức liên thông lên bậc đại học cho học sinh còn gặp nhiều khó khăn. Giải pháp của sở là tham mưu rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch dạy nghề phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phối với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng; tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương sáp nhập các trường trung cấp nghề cấp huyện hoạt động không hiệu quả vào các trường cao đẳng nghề thuộc tỉnh quản lý; điều chuyển thiết bị từ dự án tăng cường năng lực đào tạo nghề đến năm 2010 của đơn vị chưa sử dụng sang đơn vị có nhu cầu và hoạt động hiệu quả…

Đại biểu Nguyễn Thanh Nghĩa cho biết, vừa rồi DN của ông tìm kiếm lao động có tay nghề nhiều nơi nhưng rất khó, còn sở thì thừa trường, không đào tạo được nguồn nhân lực cho DN. Sở cần nghiên cứu đào tạo lao động có tay nghề theo nhu cầu cho DN chứ không nên đào tạo theo chương trình, sách vở. “Sở sẽ trình UBND tỉnh cho phép rà soát bổ sung quy hoạch đào tạo dạy nghề cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch lại mạng lưới dạy nghề; tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án dạy nghề lao động nông thôn, dạy nghề gắn với nhu cầu xã hội, chính sách đãi ngộ với giáo viên dạy nghề…”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Oanh trả lời.

 NHÓM PV CHÍNH TRỊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=150
Quay lên trên