Giao thông phát triển mạnh - Kỳ cuối

Cập nhật: 31-07-2015 | 10:03:13

Kỳ cuối: Rút ngắn khoảng cách thành thị - nông thôn

Đến nay, Bình Dương đã có hệ thống giao thông liên hoàn, đồng bộ, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà, rút ngắn khoảng cách thành thị - nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 

 Từ đường GTNT đạt chuẩn trước đây, tại những xã khi lên phường các tuyến đường này đã góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa của tỉnh. Trong ảnh: Đường ĐX 88, phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một Ảnh: D.CHÍ

Nâng cấp đường cũ, mở rộng đường mới

Để đồng bộ hóa hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) theo chuẩn đường bộ với đầy đủ hệ thống thoát nước, chiếu sáng, phấn đấu đưa Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại trong thời gian tới, nhiều địa phương trong tỉnh đã thể hiện quyết tâm, chuyển hướng phong trào xây dựng GTNT - chỉnh trang đô thị (CTĐT) để phù hợp với tình hình và phương pháp vận động mới.

Ông Nguyễn Văn Ân, Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một cho biết, toàn phường còn 34 tuyến đường phải đầu tư từ nay đến năm 2020. Để thực hiện nhiệm vụ này, địa phương đã xây dựng kế hoạch và triển khai vận động nhân dân để có mặt bằng, chuẩn bị khi có vốn là triển khai thi công. Với các công trình đã được nhựa hóa, bê tông hóa đúng chuẩn thì tổ chức quản lý tốt bằng cách tổ chức dặm vá khi mới phát hiện hư hỏng. Riêng các công trình đã xuống cấp hoặc đã thi công nhưng không thể mở rộng thì thực hiện chỉnh trang, bảo đảm đường thông hè thoáng. Ông Trần Lâm Khương, cán bộ phụ trách GTNT - CTĐT phường Phú Hòa cho biết cụ thể hơn, với các tuyến hẻm không thể mở rộng, địa phương vận động người dân hoàn thiện đồng bộ các hạng mục khác như chiếu sáng, thoát nước… trên tinh thần thành phố hỗ trợ tiền điện, nhân dân đóng góp đường dây, bóng đèn và tổ chức quản lý vận hành hệ thống.

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An, hiện nay thị xã không còn đường GTNT; riêng phong trào CTĐT vẫn đang được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ vì còn nhiều con hẻm, tuyến đường cần được khai thông. Một số công trình mới do không thể mở rộng lề đường, đơn vị thiết kế đã khéo léo bố trí đường thoát nước chung với hành lang để bảo đảm đồng bộ hạ tầng đô thị.

Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, phong trào xây dựng GTNT - CTĐT tại các huyện, thị phía bắc của tỉnh vẫn phát triển mạnh; tuy vậy vẫn còn một số vướng mắc. Ông Nguyễn Hồng Khanh, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát cho biết, phong trào xây dựng GTNT rất được người dân hưởng ứng. Vướng mắc mà địa phương cần được tháo gỡ là các công trình, nhà cửa của dân ở ngay đầu các tuyến đường, nếu được hỗ trợ sẽ là động lực tốt để phong trào tiếp tục phát triển. Theo tìm hiểu, đề nghị này đã được lãnh đạo UBND tỉnh ghi nhận nhằm tiếp tục nâng cấp các tuyến đường cũ và mở rộng thêm đường mới.

Chung tay góp sức

Nhìn lại chặng đường 17 năm thực hiện phong trào xây dựng GTNT - CTĐT của tỉnh cho thấy, giai đoạn đầu thực hiện phong trào không có trường hợp phải đền bù giải tỏa vì người dân rất đồng tình, hưởng ứng do phong trào đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân. Tuy vậy, thực tế cho thấy quy mô công trình quá nhỏ, mặt đường có nơi chỉ 2,5m, kết cấu không đồng bộ, thiếu hệ thống thoát nước, thiếu thiết kế kỹ thuật nên thường bị xói lở, hư hỏng vào mùa mưa; không phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh.

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện phong trào xây dựng GTNT gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức vừa qua cho thấy, trong 5 năm thực hiện phong trào, chiều dài đường GTNT của cả nước tăng 217.433km, tính cả đường nội đồng, nâng tổng chiều dài đường GTNT hiện nay lên 492.892km. Hiện nay, đường bộ của Bình Dương có chiều dài 7.421km; tỷ lệ nhựa hóa với quốc lộ là 100%, đường chuyên dùng là 51,82%, đường xã là 17,7%. Đặc biệt, 100% đường đến trung tâm huyện, xã đều đã được nhựa hóa và “Bình Dương không còn xã vùng sâu, vùng xa” như lời ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tại cuộc họp vừa qua. Kết quả này cho thấy, trong quá trình thực hiện phong trào, lãnh đạo tỉnh đã khéo léo lồng ghép chương trình xây dựng GTNT - CTĐT với mục tiêu phát triển chung của tỉnh.

Đánh giá cụ thể những mặt tích cực cũng như những hạn chế qua các công trình GTNT-CTĐT cụ thể, ông Lê Thanh Cung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh đã nhiều lần yêu cầu, nếu vì thành tích chúng ta có thể làm được nhiều hơn, nhưng công trình vẫn mãi là công trình nông thôn. Trong khi mục tiêu hướng đến của tỉnh Bình Dương là công nghiệp - dịch vụ - đô thị, phải tiếp tục phát huy tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” vì nó mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Thành tích mà nhân dân đóng góp là rất quan trọng. Kể từ đó, đường GTNT ở Bình Dương phát triển khá đồng bộ với tiêu chuẩn, cấp đường cụ thể.

Xích gần thành thị - nông thôn

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đến đầu năm 2015, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của Bình Dương đã có 11 xã được công nhân đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến cuối năm 2015 hoàn thành thêm 24 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM.

Đạt được kết quả trên là do trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương luôn quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị gắn với xây dựng NTM. Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), huy động ngân sách…, Bình Dương đã tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng hệ thống đường giao thông trên địa bàn, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, đồng bộ; rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hình thành bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại.

Việc tập trung đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực giao thông thời gian qua của Bình Dương đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực tế cho thấy, dù chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài nhưng những năm qua kinh tế của Bình Dương vẫn duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 13%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; GDP bình quân năm 2015 ước đạt 72,3 triệu đồng/người. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao…

*  Phó Thủ tướng VŨ VĂN NINH:

Địa phương không sáng tạo thì nghị quyết khó đi vào cuộc sống

Thành quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với GTNT đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đó là nhờ sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, người đứng đầu. Nhiều địa phương làm tốt phong trào bằng cách lồng ghép để phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng, trong đó có Bình Dương.

* Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải ĐINH LA THĂNG:

Đóng góp của người dân rất to lớn

Thực tế cho thấy, nơi nào người dân tham gia thực hiện GTNT thì kinh phí rẻ hơn đến 50%, có nơi lên đến 2/3 giá trị. Thực tế này cần được phát huy, Nhà nước chỉ tham gia thiết kế, quản lý kỹ thuật, chất lượng công trình.

 

 DUY CHÍ

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên