Hàng Việt xác lập niềm tin

Cập nhật: 16-12-2011 | 00:00:00

Giờ đây, nói đến hàng hóa “made in China”, hầu hết người tiêu dùng (NTD) dường như không mặn mà lắm với các sản phẩm này, mặc dù nó được bày bán hết sức phong phú và bắt mắt. Đó là kết cục của những nhà sản xuất Trung Quốc khi chỉ biết chạy theo lợi nhuận mà thiếu chữ “tâm” đối với khách hàng của mình và bị “tẩy chay” là lẽ tất nhiên. Đây cũng chính là cơ hội hết sức thuận lợi để hàng Việt Nam nâng tầm ảnh hưởng trong thói quen tiêu dùng đối với thị trường nội địa.    NTD ngày càng tỏ ra thận trọng hơn với xuất xứ sản phẩm hàng hóa tiêu dùng cho cuộc sống

“Sợ hàng ngoại”

Đã qua rồi cái thời mà mọi người cứ vô tư mua những món hàng không kể nguồn gốc, xuất xứ miễn bắt mắt và hợp với túi tiền là được. Chính vì tâm lý tiêu dùng này mà những sản phẩm có nguồn gốc “made in China” với đủ thứ kiểu dáng, chủng loại, hình thù và giá rẻ đã từng làm mưa làm gió trên thị trường, nhất là chiếm lĩnh thị phần của những giới bình dân, người lao động. Nhưng gần đây, khi NTD phát hiện ra nhiều sự bất thường trong các sản phẩm này, cộng với các thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng nói rõ về những kiểu sản xuất, chế tạo hết sức đáng ngờ bởi lạm dụng các loại chất độc hại “không được phép dùng”, thì đa phần NTD có tâm lý e ngại, thậm chí “tẩy chay” hàng Trung Quốc một cách thực sự. Tâm lý này không riêng gì đối với cư dân thành thị mà ngay cả những chị em phụ nữ ở nông thôn.

Chị Huỳnh Thị Kim Ngọc, phường Phú Cường cho biết, trước đây chị hay mua trái cây tươi để cho mẹ dùng. Lần đó, chị mua 2kg cam thảo rất ngon về nhà để trong một thời gian mà trái cây vẫn cứ tươi như thường. “Từ đó, mẹ chị ngại không dám ăn mấy thứ trái cây ấy nữa”. Chị nói: “Ăn trái cây thì tốt cho sức khỏe nhưng ăn phải những thứ đó thì vừa tiền mất tật mang mà thôi”. Còn cô Sáu Bao, ấp Khánh Dư, huyện Tân Uyên thì kể: “Ở đây, mọi người thấy đồ Trung Quốc là sẽ không mua. Xài đồ gì cũng được miễn mấy cái thứ ấy thì đừng rớ vào cho mất công lo”. Cô còn kể, nhà hay có khách thân quen đến chơi. Lần nào họ cũng chạy ra cây chôm chôm cô trồng ngoài sân để hái quả ăn mà không thích ăn đến các loại trái cây bắt mắt được bày ra đầy dĩa. Hỏi thì ai cũng nói là “ăn cây nhà lá vườn cho bảo đảm”. Thế mới biết mọi người ai cũng “sợ hàng ngoại” vì sức khỏe của bản thân và gia đình. 

Không chỉ có tâm lý e ngại, nhiều người còn có khuynh hướng “tẩy chay” hàng “made in China” hoặc các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ. Chị Cẩm Hồng, phường Phú Thọ cho biết, mỗi khi mua món đồ nào mình hay hỏi người bán hàng đây là hàng Việt Nam hay hàng Trung Quốc. Hễ hàng Việt thì mua, hàng ngoại thì thôi xin khất lại.

Ưu tiên hàng Việt

Cũng chính vì vậy mà hơn bao giờ hết, NTD khát khao có được những mặt hàng Việt chất lượng cao, phong phú và đa dạng hơn nữa để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của bản thân và gia đình mình. Có thể nói, đây là thời cơ hết sức thuận lợi để các nhà sản xuất Việt Nam chiếm lấy niềm tin và sự tín nhiệm của NTD nội địa. May mắn là những năm gần đây, nhờ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều hàng hóa Việt được đưa đến với NTD. Những nhà sản xuất cũng đã mạnh dạn hơn trong việc xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình đối với NTD nội địa chứ không như trước đây thường núp bóng với những nhãn hiệu ngoại quốc xa lạ.

Thường thì tại các trung tâm thương mại, siêu thị, NTD dễ lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng hơn do có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nên sẽ tránh được mua nhầm phải những món hàng không bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, các sản phẩm của Việt Nam sản xuất vẫn chưa phong phú và đa dạng, chưa có đầy đủ tất cả các mặt hàng đáp ứng nhu cầu cuộc sống của mọi người nên đâu đó vẫn còn sự có mặt của các sản phẩm “ngoại”. Đây cũng là vấn đề để các nhà sản xuất Việt Nam phải suy nghĩ. Đã đến lúc những nhà sản xuất Việt phải xem  việc làm ra nhiều hơn nữa những sản phẩm để phục vụ tốt nhu cầu cuộc sống của người Việt không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm để người dân được thụ hưởng cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn!

Nhiều người trồng rau sạch

Trước hiện trạng các loại rau quả “độc hại” xuất hiện lẫn lộn trên thị trường, nhiều người đã chú trọng nhiều hơn đến việc trồng và sử dụng rau sạch để phục vụ cho gia đình và trao đổi trên thị trường. Tại ấp Khánh Dư, xã...  huyện Tân Uyên, mô hình trồng rau sạch của anh Hồ Thanh Bình gần đây được xem là mô hình điển hình của địa phương. Rau được trồng trong nhà kính, với phương pháp thủy phân, những luống rau xanh và sạch phát triển khá tốt. Anh cho biết: “Mình sẽ đi tiên phong để sau này kêu gọi người dân ở quanh đây cùng trồng rau sạch, nhằm liên kết hàng hóa với nhau để cung ứng ra thị trường”. Còn chị Phạm Thị Đức, xã Phú An, huyện Bến Cát cho biết đang tiến hành thử nghiệm trồng rau sạch trên mảnh đất rộng để lấy đó làm nguồn thực phẩm phục vụ cho các suất ăn công nghiệp chất lượng cao để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Quy mô hơn, có thể kể đến là các sản phẩm nông sản sạch tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (Unifarm), huyện Phú Giáo. Anh Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc công ty này cho biết: “Mục tiêu các sản phẩm của Unifarm là đánh bật hàng Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam, hình thành thói quen tiêu dùng hàng nông sản chất lượng cao”... Rau sạch cung ứng cho thị trường tiêu dùng nội địa là mục tiêu của Khu nông nghiệp cao An Thái

THANH HOÀI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=207
Quay lên trên