Hệ thống Quỹ Tín dụng Bình Dương: Tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, quản trị

Cập nhật: 19-06-2012 | 00:00:00

“Bà đỡ” của người dân

Mới hơn 7 giờ sáng, QTD An Thạnh (phường An Thạnh, TX.Thuận An) đã có rất đông khách hàng đến giao dịch. Nhiều người đến để đóng lãi vay, đáo hạn nợ và hỏi về lãi suất huy động. Chị Nguyễn Thị Ít (224 khu phố Thạnh Phú, TX.Thuận An) vừa được QTD An Thạnh giải ngân để phục vụ phát triển kinh tế gia đình, vui vẻ cho biết: “Nhờ có sự hướng dẫn tận tình của nhân viên tín dụng và thủ tục vay đơn giản nên yêu cầu vay vốn của gia đình tôi đã được đáp ứng kịp thời chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ. Nhờ QTD luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người vay vốn nên trong nhiều năm qua, gia đình tôi và nhiều chị em khác nơi tôi sinh sống đã thu được nhiều kết quả tốt trong sản xuất, kinh doanh”. Còn chị Phạm Thị Út (Bình Thuận 2, Thuận Giao, TX.Thuận An), từng gửi tiết kiệm ở nhiều ngân hàng thương mại (NHTM), nhưng nay cũng tìm đến QTD An Thạnh để gửi tiền. Theo chị yếu tố thu hút khách hàng của QTD An Thạnh là sự gần gũi, thân thiện của nhân viên và nhiều năm qua đã tạo sự an tâm, tin tưởng cho người dân. 

 Dịch vụ chuyển tiền nhanh trong nước của QTD Phước Hòa đã góp phần nâng cao giá trị phục vụ cho khách hàng

Đó là những đánh giá tích cực của người dân đối với hệ thống QTD đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Thực tế ở nhiều nơi, nhất là vùng nông nghiệp - nông thôn, dịch vụ NHTM chưa phát triển đến xã, ấp thì QTD có vai trò như “bà đỡ” giúp dân, đặc biệt là giúp các hộ nghèo có điều kiện vay những khoản vay nhỏ với thời gian ngắn để đầu tư làm kinh tế, sản xuất, kinh doanh, từ đó phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Giám đốc QTD xã Thanh Tuyền cho biết, qua 10 năm hoạt động QTD Thanh Tuyền đã phát triển được 4.650 thành viên. Hiệu quả về mặt xã hội thể hiện rất rõ là đã tạo được niềm tin đối với thành viên, huy động được nguồn vốn tại chỗ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, tổng nguồn vốn huy động của quỹ đã đạt trên 147 tỷ đồng, tăng cả ngàn lần so với thời điểm mới triển khai theo Chỉ thị 57. Về  dư nợ cho vay đạt gần 60 tỷ đồng, tăng 1.764 lần. Trên cơ sở kết quả kinh doanh ngày càng tốt, năm 2011 QTD Thanh Tuyền đã đóng góp vào ngân sách Nhà  nước đến 1,77 tỷ đồng...

Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, so với năm 2000, hệ thống QTD Bình Dương đã có những bước tiến vượt bật tất cả các chỉ tiêu. Tính đến cuối năm vừa qua, 10 QTD trên địa bàn tỉnh đã thu hút số lượng thành viên tăng đáng kể với 44.218 thành viên, gấp 2,67 lần; tổng nguồn vốn hoạt động đã đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng gấp 18,4 lần; tổng nguồn vốn huy động đạt trên 1.024 tỷ đồng, tăng gấp 23,6 lần; dư nợ cho vay đạt gần 660 tỷ đồng, tăng 12,2 lần. Số liệu phân tích cho thấy, tổng dư nợ cho vay so với vốn huy động chiếm 64,38% cho thấy mức tín nhiệm của khách hàng đối với QTD là rất cao, nguồn vốn của các QTD dư thừa, phải gửi vốn tại QTD Trung ương. Về chất lượng tín dụng cũng đạt tiêu chuẩn khi nằm trong giới hạn cho phép 0,32%/tổng dư nợ. 10/10 QTD đạt kết quả kinh doanh có lãi trên 18 tỷ đồng...

Nâng cao hiệu quả hoạt động

Qua những kết quả đạt được cho thấy công tác củng cố, chấn chỉnh hoạt động và phát triển của các QTD đã phát triển theo chiều hướng tốt, tuy vậy những khó khăn khách quan lẫn chủ quan khiến hoạt động các QTD vẫn còn hạn chế. Trong quá trình hoạt động, vẫn có một bộ phận QTD (nhất là những QTD tại những địa bàn kinh tế phát triển) chưa bám sát mục tiêu hoạt động, có biểu hiện chạy theo động cơ kinh doanh đơn thuần, chưa chấp hành nghiêm quy trình tín dụng nên vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro trong hoạt động, gây ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống. Đây là những hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh, phá vỡ tôn chỉ và  ý nghĩa của QTD. Do vậy, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương Bùi Văn Nu, từng lưu ý các QTD cần hoạt động đúng định hướng, đúng mục tiêu, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật, các cơ chế, quy chế của ngành, tiến tới hoàn thiện và phát triển mô hình QTD cơ sở theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Việc phát triển, đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ ngân hàng (chuyển tiền, thanh toán qua thẻ...) của các QTD vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do việc đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ thông tin, năng lực quản lý và trình độ tác nghiệp... của một số QTD cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để có thể thực hiện các dịch vụ này. Trong khi các NHTM trên địa bàn sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ phong phú đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thì những hạn chế trên của QTD khiến cho khả năng cạnh tranh của các QTD gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trình độ chuyên môn, năng lực quản trị điều hành của đội ngũ cán bộ, nhân viên QTD còn hạn chế nên trong quá trình hoạt động chưa chủ động đưa ra các chiến lược huy động vốn, tăng trưởng tín dụng nên ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động và khả năng phát triển.

QTD có đặc thù là quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, tuy vậy một số thủ tục còn bất cập gây khó khăn nhất định trong hoạt động nhất là việc xóa thế chấp. Theo Giám đốc QTD Phước Hòa (huyện Phú Giáo) Nguyễn Văn Dậu, một thành viên vay vốn, đã đăng ký giao dịch bảo đảm lần đầu và đã trả nợ xong, khi muốn vay trở lại (số tiền vay không tăng, tài sản không thay đổi), xóa bỏ thủ tục này vì mỗi lần vay là mỗi lần phải xóa thế chấp và đăng ký thế chấp rất phiền hà cho người vay.

Để hỗ trợ và nâng cao hiệu quả của QTD, NHNN Chi nhánh Bình Dương đã đề xuất với NHNN Việt Nam, QTD Trung ương nhanh chóng thành lập quỹ bảo đảm an toàn hệ thống để kịp thời hỗ trợ QTD cơ sở khi gặp khó khăn trong hoạt động; sớm cho phép thực hiện dịch vụ thanh toán chuyển tiền điện tử trong toàn bộ hệ thống QTD, từ đó từng bước tiến tới việc hình thành và hoạt động “thị trường liên QTD”, nhằm giúp tăng cường tính liên kết hệ thống, kịp thời giải quyết nhu cầu thanh khoản cho các QTDND. Ngoài ra, cần nâng mức bảo hiểm tiền gửi đối với một khách hàng (theo quy định của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện nay, mức chi trả tối đa 50 triệu đồng/1 khách hàng). Việc nâng mức bảo hiểm tiền gửi là nhằm bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, từ đó mới có thể thu hút khách hàng gởi tiền vào QTD.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách quản lý đối với QTD...”

Theo Chỉ thị 57, việc xây dựng và phát triển hệ thống QTD là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông nghiệp và nông thôn. Để tiếp tục củng cố, hoàn thiện và tăng cường quản lý đối với QTD, bên cạnh việc nỗ lực tự thân nhằm vượt qua khó khăn, NHNN Bình Dương, chính quyền các cấp và các sở, ngành có liên quan, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách quản lý như thuế, bảo hiểm rủi ro, cơ chế tài chính và mô hình tổ chức cho QTD... nhằm tác động cho QTD nâng cao chất lượng hoạt động, mở rộng các hoạt động hiệu quả, nhất là các QTD thuộc địa bàn phía bắc của tỉnh. Ngoài ra, cần mạnh dạn xem xét thu hồi giấy phép các QTD yếu kém, không hiệu quả, bảo đảm hoạt động hệ thống QTD đúng định hướng, an toàn và hiệu quả cao.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=243
Quay lên trên