Hệ thống thoát nước ngoài hàng rào khu công nghiệp: Bảo đảm hiệu quả và lâu dài

Cập nhật: 21-09-2015 | 08:24:11

Qua đợt khảo sát thực tế và báo cáo của các đơn vị về tình hình quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước ngoài hàng rào các khu công nghiệp (KCN) khu vực phía bắc tỉnh Bình Dương vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã có nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm bảo đảm hệ thống thoát nước hiệu quả và lâu dài.

Khả năng thoát nước còn hạn chế

Hiện nay, khu vực phía bắc của tỉnh Bình Dương có 21 KCN và 5 cụm công nghiệp (CCN) phân bổ tại địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng và huyện Bắc Tân Uyên.

 UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ thực hiện các công trình thoát nước có quy mô lớn cho 3 đơn vị là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh và Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương.

Từ năm 2010, UBND tỉnh đã có chủ trương cải tạo, đầu tư mở rộng khoảng 36 dự án, hạng mục thoát nước liên quan đến môi trường trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống thoát nước ngoài hàng rào KCN ở xã An Tây, TX.Bến Cát

Tuy nhiên năm 2013, UBND tỉnh đã hoãn, giãn tiến độ triển khai 19 dự án; trong đó hoãn 7 dự án, 12 dự án đang trong giai đoạn lập đề cương khảo sát và lập dự án. Đối với những dự án còn lại, Bình Dương chủ trương thi công quyết liệt và sớm đưa vào vận hành 5 công trình như: Hệ thống thoát nước suối chợ Tân Phước Khánh, hệ thống thoát nước kênh Ba Bò, hệ thống quan trắc nước thải tự động đối với các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1, 2…

Tổng mức đầu tư các dự án thoát nước đã hoàn thành từ năm 2010 đến nay là 896 tỷ đồng; 8 dự án đang trong giai đoạn thi công với tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng.

Theo ghi nhận, phần lớn dự án thoát nước bên ngoài KCN được thiết kế chỉ tiếp nhận nước thải đã được các KCN, doanh nghiệp xử lý đạt tiêu chuẩn hiện hành về môi trường. Khảo sát thực tế cho thấy, nước thải của các KCN, CCN đều thoát theo hồ điều tiết, kênh, suối, rạch hiện hữu trước khi đổ ra các sông chính trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Trần Thị Kim Vân, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, khả năng tiếp nhận và thoát nước ngoài hàng rào khu công nghiệp hiện tại chưa bảo đảm thoát nước cho các KCN và khu vực. Khi mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở làm thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Ông Lê Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết hiện nay do nguồn vốn ngân sách đang gặp nhiều khó khăn và chủ trương cắt giảm chi phí đầu tư công nên kinh phí cấp cho việc đầu tư xây dựng những công trình dự án mới, nạo vét khai thông dòng chảy các trục thoát nước còn hạn chế.

Vì vậy, tỉnh cần bố trí kinh phí đầu tư cho công tác thoát nước phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn theo thứ tự ưu tiên: Nạo vét, khai thông dòng chảy các kênh, suối, rạch thoát nước; đầu tư xây dựng những trục thoát nước chính như: Suối Cái và các nhánh suối chuyển tải nước thoát cho KCN, CCN, đô thị; các suối thoát nước phía hạ lưu KCN Bàu Bàng; những dự án thoát nước đang tạm hoãn do khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn...

Ngoài ra, theo ông Cường cần xây dựng, cải tạo các hồ điều tiết nước kết hợp với hồ cảnh quan, hạn chế bê tông hóa khu vực dân cư, đô thị, tạo thêm những khu chậm thoát nước hoặc chứa nước để giữ một lượng nước khi mưa lớn hay triều cường lên cao nhằm giảm tải lượng nước mà hệ thống thoát nước hiện hữu không đáp ứng khả năng tiêu thoát nước.

Bên cạnh đó các huyện, thị, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn cần chủ động bố trí nguồn vốn, thường xuyên vận động quần chúng, khối đoàn thể tôn tạo, cơi nới bờ bao, nạo vét khai thông kênh mương, hố ga thu nước trên địa bàn...

Ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị các ngành liên quan và địa phương cần tăng cường phối hợp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý đô thị, quản lý thoát nước trong vấn đề cấp giấy phép; xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm kênh, mương, rạch, suối; đồng thời sớm triển khai thực hiện việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

 Ông Minh cũng cho rằng cần đẩy nhanh công tác lập và phê duyệt Đồ án quy hoạch thoát nước và cao độ nền tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 làm cơ sở triển khai những quy hoạch thoát nước chi tiết, các dự án đầu tư hạ tầng khác… Ngoài ra, để bảo đảm tiêu thoát nước tốt và lâu dài, theo ông Minh cần tăng cường tuyên truyền vận động nâng cao ý thức người dân trong việc vệ sinh đường phố, khai thông cống rãnh, kênh rạch, không che lấp hố ga thu nước...

Bà Trần Thị Kim Vân kiến nghị UBND tỉnh sớm điều chỉnh Quy hoạch tổng thể thủy lợi và cấp thoát nước tỉnh Bình Dương đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 78/2005/QĐ- UB ngày 24-5-2015 cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và hệ thống thủy lợi, hệ thống thoát nước, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, UBND tỉnh cần sớm chỉ đạo triển khai Nghị định 43/2015 của Chính phủ về quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2015; đồng thời chỉ đạo xây dựng quy chế đấu nối thoát nước dự án đường BOT trên địa bàn tỉnh và quy chế đấu nối xả nước vào các công trình thủy lợi theo Quyết định 56/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

• PHƯƠNG AN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên