Hiệu quả từ mô hình trồng khổ qua trong nhà lưới

Cập nhật: 04-01-2012 | 00:00:00

Anh Nguyễn Thanh Kiên đã có thời gian dài làm nghề trồng rau theo kiểu sản xuất truyền thống nhưng hiệu quả không cao nên vào tháng 9-2011 anh bắt đầu xây dựng mô hình trồng cây khổ qua theo hướng hiện đại này. Khi thực hiện, anh Kiên được Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Dương hỗ trợ 30% chi phí và các kỹ thuật chăm sóc, sản xuất. Tổng kinh phí anh bỏ ra cho việc xây dựng mô hình 500m2 trồng khổ qua theo hướng mới này là khoảng 25 triệu đồng. Việc xây dựng nhà lưới của anh khá đơn giản với các cây cột chống được làm từ tre. Hệ thống tưới nhỏ giọt tự động với việc sử dụng nước bồn. Khi cần chỉ việc đóng van nước lại là xong. Theo anh, kinh phí bỏ ra để thực hiện theo mô hình này với những người nông dân như anh là hơi cao. Tuy nhiên, những gì đạt được là thỏa đáng với công sức và tiền bạc mà anh đã bỏ ra. Đến nay, anh đã thu được 1 vụ với số tiền khoảng 20 triệu đồng. Như vậy anh đã lấy lại vốn sau vụ sản xuất đầu tiên nếu không tính số tiền mà anh đã được hỗ trợ. 

Mô hình trồng khổ qua nhà lưới sẽ được triển khai rộng rãi hơn

Theo anh Kiên, xây dựng mô hình kiểu này tuy chi phí sản xuất ban đầu cao nhưng bù lại có nhiều cái lợi. Việc sử dụng hệ thống nhà lưới gần đây đã được nhiều người trồng hoa màu, cây ăn quả sử dụng với nhiều mức độ khác nhau. Sử dụng hệ thống nhà lưới sẽ hạn chế được các loại côn trùng gây hại như sâu, nhện đỏ, bọ trĩ, ruồi đục quả. Một khi hạn chế được sự xâm nhập của các loại côn trùng này thì cũng hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật). Vì vậy sản phẩm làm ra mang tính an toàn cao. Mô hình trồng khổ qua của anh Kiên là mô hình đầu tiên thí điểm hệ thống tưới nhỏ giọt và bước đầu cho kết quả tốt. Việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt là hoàn toàn phù hợp với vùng đất cao, ít nước tưới như tại xã Phước Hòa.

Ông Nguyễn Phong Huy, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Dương cho biết, mô hình sản xuất khổ qua sử dụng nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt phù hợp với chủ trương khuyến khích xây dựng các mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao của tỉnh. Việc xây dựng các mô hình theo kiểu này sẽ làm tăng năng suất, tăng thu nhập cho người dân và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn xuất hiện một số hạn chế như do sử dụng hệ thống nhà lưới nên nhiệt độ bên trong nhà cao hơn bên ngoài nên có lúc cần sử dụng cách tưới phun để giảm nhiệt độ. Bên cạnh đó, sử dụng nhà lưới còn hạn chế rất nhiều quá trình thụ phấn tự nhiên do các loại ong không thể ra vào nhà lưới. Cách khắc phục chính là cần nuôi thêm ong để thả vào trong giai đoạn thụ phấn. Trong thời gian tới Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai ở các địa phương gặp khó khăn về nước tưới khác ở địa bàn các huyện, thị như Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An.

Mô hình trồng khổ qua trong nhà lưới của anh Nguyễn Thanh Kiên chính là hướng đi mở cho nhiều nông dân vì tiết kiệm được chi phí sản xuất, thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe của người sản xuất. Quan trọng hơn là cho ra sản phẩm an toàn nên dễ dàng đi vào các siêu thị, các bếp ăn tập thể... Từ đó, nâng cao thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên