Huyện Phú Giáo đang triển khai xây dựng mô hình làng thông minh, hướng đến xã nông thôn mới thông minh, bảo đảm phát triển nông thôn bền vững. Nội dung chính trong Đề án Xây dựng làng thông minh Phú Giáo là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ kỹ thuật số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn trong sản xuất nông nghiệp, quản lý nông thôn.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long bên vườn dưa lưới có hiệu quả kinh tế cao
Nâng cao giá trị sản phẩm
Bắt nhịp xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, huyện Phú Giáo đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là phát triển và nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nhằm thúc đẩy chuyên môn hóa, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên và nâng cao giá trị kinh tế của nông sản. Tại xã An Bình, mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả. Bình quân mỗi năm HTX đạt doanh thu trên 45 tỷ đồng, góp phần ổn định cuộc sống cho trên 70 thành viên.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, cho biết ban đầu các thành viên hoạt động theo mô hình tổ hợp tác (THT), đến năm 2018, nhận thấy THT hoạt động hiệu quả cao nên đã vận động thêm bà con tham gia để nâng lên thành HTX sản xuất theo hướng công nghệ cao. Từ 8 thành viên đến nay HTX đã có trên 70 thành viên. “Ngoài ra, HTX còn liên kết với một số hộ ở các tỉnh Bình Phước, An Giang, Đồng Nai. Những hộ này được cung cấp đầu vào như giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật và được bao tiêu sản phẩm như các xã viên tại Bình Dương”, ông Nguyễn Hồng Quyết chia sẻ.
Xác định ứng dụng công nghệ cao và các quy trình hữu cơ, an toàn trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu, những năm qua huyện Phú Giáo đã có các chính sách, biện pháp hỗ trợ bà con nông dân thực hiện hiệu quả các mô hình. Cụ thể, huyện đã hỗ trợ 30 tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền 876 tỷ đồng, đã giải ngân được 773 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm, đạt chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, huyện Phú Giáo đã tập trung quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương. Đến nay, toàn huyện có 103 hộ sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 416 hộ, cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 1.000 ha (tăng 237 cơ sở, hộ so với năm 2020), trong đó có nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao.
Chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ yếu là trang trại tập trung, đa số đều có ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật cao, có hệ thống máng ăn, uống tự động, xử lý chất thải bằng công nghệ biogas hoặc làm phân hữu cơ sinh học. Thành quả bước đầu là đã phát triển thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường, trong đó có những thương hiệu mạnh như Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), Công ty Cổ phần Vinamit…
Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Unifarm, cho biết: “Trong gần 15 năm phát triển, Unifarm đã tìm tòi nghiên cứu các mô hình kiểu mẫu về cây trồng, ứng dụng công nghệ phù hợp, tiên tiến trên thế giới để tạo ra cây trồng có giá trị, năng suất và chất lượng cao. Thời gian qua, Unifarm tập trung quyết liệt triển khai chuyển giao công nghệ đến trang trại nông hộ cho nông dân. Mục tiêu là hỗ trợ người nông dân có thể trồng và tạo ra được những cây trồng có giá trị, năng suất chất lượng cao. Thông qua nền tảng Unifarm về chuỗi cung ứng, logistics, đưa hàng hóa đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, tạo ra hiệu quả kinh tế cao trên diện tích cây trồng của người nông dân”.
Xây dựng làng thông minh
Về Phú Giáo hôm nay, điều dễ dàng nhận thấy là các tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Hiện huyện Phú Giáo đang xây dựng Đề án Làng thông minh, thực hiện dựa trên cơ sở bộ tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó tập trung các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất và kinh doanh thông minh. Dự kiến trong tương lai làng thông minh Phú Giáo sẽ trở thành nơi đáng sống, thân thiện môi trường và là một trong những biểu tượng xanh của tỉnh, tạo tiền đề phát triển nông thôn bền vững.
Có thể nói, những thành tựu đạt được trong ứng dụng kỹ thuật, khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương mà còn tạo nền tảng cho huyện Phú Giáo triển khai mô hình làng thông minh, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh, bảo đảm mục tiêu phát triển nông thôn bền vững.
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết, để xây dựng thành công làng thông minh, hướng đến xã nông thôn mới thông minh, thời gian tới huyện Phú giáo sẽ từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, từ sản xuất hộ gia đình phát triển thành hợp tác xã, trang trại, chú trọng chuyển đổi các giống chất lượng tốt, năng suất cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường và từng bước đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
PHƯƠNG LÊ