IPU-132 thảo luận về quyền tiếp cận y tế của phụ nữ và trẻ em

Cập nhật: 31-03-2015 | 19:51:15

Trong ngày làm việc thứ tư, 31-3, bên cạnh phiên họp của Đại hội đồng, Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền tiếp tục phiên làm việc thứ 2 bàn về “Quyền cơ bản về tiếp cận y tế; vai trò của Quốc hội trong việc giải quyết những thách thức quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe của phụ nữ và trẻ em”.

Phiên họp về “Quyền cơ bản về tiếp cận y tế; vai trò của Quốc hội trong việc giải quyết những thách thức quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe của phụ nữ và trẻ em”.

Nghị viện các nước có tỉ lệ tử vong cao ở bà mẹ trẻ em và đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dành sự quan tâm đặc biệt tới phiên thảo luận này.

Các đại biểu nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, huy động nguồn lực tài chính và đưa ra các quy định cụ thể về chăm sóc bà mẹ, trẻ em.

Các đại biểu cũng đề xuất một số biện pháp cụ thể nhằm giúp phụ nữ và trẻ em tăng cường tiếp cận với các dịch vụ y tế như nâng cao trách nhiệm cộng đồng, kêu gọi hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức nhân đạo và các tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới.

Hầu hết các đại biểu IPU 132 đều cho rằng, huy động tài chính là vấn đề quan trọng nhất giúp phụ nữ và trẻ em toàn cầu được tiếp cận với dịch vụ y tế bên cạnh một số yếu tố khác như luật pháp, nhận thức, và chất lượng dịch vụ y tế ở các nước.

Tại phiên họp, đoàn Việt Nam cũng đưa ra kiến nghị với Nghị viện các nước cần chú trọng việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản luật liên quan tới công tác chăm sóc sức khỏe, nhất là chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đồng thời đẩy mạnh việc giám sát tổ chức thực hiện các văn bản luật nêu trên và ban hành các giải pháp chính sách tổng thể để thúc đẩy việc chăm sóc sức khỏe toàn diện đối với bà mẹ, trẻ em...

Việt Nam cũng đề nghị IPU thường xuyên tạo diễn đàn để các quốc gia thành viên trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực y tế, nhất là về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; thông tin về việc thực hiện Nghị quyết này.

Họp Văn phòng UBTT các vấn đề về Liên Hợp Quốc

Trong sáng 31-3, Văn phòng Ủy ban thường trực các vấn đề của Liên Hợp Quốc đã tiến hành phiên họp rà soát lại kết quả các chuyến thăm thực địa của IPU nhằm xem xét lại mối tương tác giữa các Nghị viện quốc gia thành viên với các cơ quan của Liên Hợp Quốc ở bản địa.

Trong cuộc thảo luận, các đại biểu từ hơn 10 nước đã chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm cũng như bài học thực tiễn rút ra từ hoạt động hợp tác ba bên giữa IPU, Liên Hợp Quốc và Nghị viện thành viên.

Theo các đại biểu, sự hỗ trợ tích cực và kịp thời của IPU và các cơ quan của Liên Hợp Quốc đã góp phần nâng cao năng lực cho Nghị viện nước sở tại, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động Nghị viện và lập ra các chương trình nghị sự thực sự vì lợi ích của người dân…

Tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Minh Huệ, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, thành viên Tiểu ban Nội dung đã chia sẻ kết quả của 2 chuyến thăm thực địa đến Từ Liêm (Hà Nội) và Điện Biên do IPU tổ chức vào năm 2009 và 2014 nhằm khảo sát việc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam.

Đại biểu Hà Minh Huệ khẳng định, sự phối hợp 3 bên giữa IPU, Liên Hợp Quốc và Quốc hội Việt Nam rất hiệu quả và cần được tiếp tục duy trì; trong đó các Nghị viện và IPU có vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức cộng đồng để tạo nên nhận thức rõ hơn về nguy cơ, cũng như trong việc hoàn thành mục tiêu chấm dứt đại dịch vào năm 2030. Các đại biểu dự họp ủng hộ quan điểm này của phía Việt Nam.

Tại phiên họp này, các đại biểu cũng tiến hành đánh giá năng lực thể chế của các Nghị viện trong việc lồng ghép các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) vào công việc của Nghị viện.

Theo các đại biểu, phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng hàng đầu của thế giới hiện nay trong bối cảnh xảy ra nhiều bất ổn vĩ mô tại một số nền kinh tế lớn, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, suy thoái môi trường nghiêm trọng và các cuộc xung đột cũng như bệnh dịch vẫn diễn ra.

Do đó, các Nghị viện có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Các Nghị viện có thể tạo hành lang pháp lý-môi trường thuận lợi cho quá trình hội nhập, phát triển và thực thi SDGs; đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thực hiện 17 mục tiêu với 169 tiêu chí cụ thể đề ra trong SDGs sẽ được Liên hợp quốc thông qua vào cuối năm 2015.

Đại biểu Hà Minh Huệ nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước đã đạt được gần hết 8 mục tiêu MDGs, nhất là trong công tác xóa đói giảm nghèo. Trong giai đoạn tiếp theo, việc đặt ra SDGs và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu này là rất cần thiết.

Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thể hiện qua việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững giai đoạn 2013-2015.

Quốc hội Việt Nam quyết tâm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới trên cơ sở tiếp tục tăng cường phối hợp, hợp tác với IPU và Liên Hợp Quốc.

Bầu Phó Chủ tịch Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện

Sáng 31-3, Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP) trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đã tiến hành bầu Phó Chủ tịch.

Bà Doris Katai Katebe, Chủ tịch ASGP cho biết, ông Philippe Schwab đã trúng cử với số phiếu đạt trên 50%.

Tại Hội nghị lần này, ASGP tiếp tục tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tham mưu, tổ chức phục vụ hoạt động Nghị viện của các cơ quan giúp việc Nghị viện. Hội nghị sẽ thảo luận các chủ đề về mối quan hệ giữa công chúng với truyền thông; hoạt động chính trị tại Nghị viện và tìm kiếm mô hình cơ quan giúp việc Nghị viện hoạt động hiệu quả.

Hội nghị ASGP sẽ kết thúc vào ngày mai (1-4).

Cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban về Hòa bình và An ninh quốc tế đã họp thông qua dự thảo Nghị quyết về “Chiến tranh mạng, mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới” và lựa chọn chủ đề thảo luận cho những năm tiếp theo.

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên